Vào những năm tháng ở dốc bên kia của cuộc đời, khi đối diện với những vấn đề của tuổi già, mỗi người sẽ có những dự định và lựa chọn riêng. Đối với ông Vương (75 tuổi, Trung Quốc), lựa chọn hiện tại là hoàn hảo với ông sau khi trải qua những thăng trầm.
Theo đó, ông Vương có 3 người con trai đều thành đạt với công việc ổn định và sinh sống ở thành phố lớn. Khi thấy sức khỏe của bố yếu dần và không thể tự chăm sóc được bản thân, các con của ông đề xuất luân phiên nhau đón bố đến nhà để tiện chăm sóc.
Ban đầu, kế hoạch này có vẻ lý tưởng. Bởi như vậy, mỗi gia đình sẽ có những chia sẻ về trách nhiệm. Bản thân ông Vương cũng có thể cảm nhận được sự quan tâm chăm sóc của các con.
Tuy nhiên, theo thời gian, ông Vương dần phát hiện ra những bất cập. Mỗi gia đình đều có nhịp sống và áp lực riêng. Dù có hiếu thảo đến đâu nhưng không phải lúc nào các con cũng đủ sức để chăm sóc cho người cha già. Công việc, giao tiếp xã hội, việc học hành của con cái và những vấn đề khác chiếm phần lớn thời gian của họ. Và ông nhận ra mình trở nên dư thừa trong cuộc sống bận rộn của lũ trẻ.
Ông bắt đầu cảm thấy cô đơn và khó chịu. Cụ ông 75 tuổi này cho biết có cảm giác như mình là khách, chứ không phải là thành viên trong gia đình của các con. Sự hiện diện của ông dường như phá vỡ đi trật tự cuộc sống của chúng. Bản thân ông cũng không muốn mình trở thành gánh nặng cho con.
Ông Vương cho biết mỗi lần di chuyển sang nhà người con khác là 1 lần phải học cách thích nghi với môi trường mới. Đó thực sự là thử thách đối với một người lớn tuổi như cụ ông này.
Sau khoảng 1 năm ở như vậy, ông Vương nhận ra rằng mình không thể chỉ dựa vào sự hỗ trợ của con cái ở những năm tháng cuối đời. Ông bắt đầu suy nghĩ đến việc làm cách nào để có thể sống độc lập mà vẫn duy trì được liên lạc với bọn trẻ.
1 tuần sau đó, ông đã đi đến quyết định sẽ trở về quê hương - nơi có những người hàng xóm, bạn bè cũ sẵn sàng giúp đỡ khi cần. Sau khi về quê, ông bắt đầu học cách sử dụng điện thoại thông minh để có thể gọi video cho các con bất cứ lúc nào và chia sẻ mọi chuyện trong cuộc sống. Ông cũng cố gắng tham gia vào các hoạt động của người cao tuổi trong làng nhằm kết nối với những người cùng chí hướng.
Nhờ thế, chất lượng cuộc sống của ông Vương được cải thiện đáng kể. Ông không còn cảm thấy cô đơn và lo lắng sẽ gây ra rắc rối cho các con. 3 người con trai của ông cũng hoàn toàn yên tâm dù không thể ở bên cạnh bố. Song ông cụ vẫn có cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc.
Qua những gì đã trải nghiệm, ông Vương nhận thức sâu sắc rằng mình nên dựa vào chính bản thân mình là giải pháp an toàn nhất ở những năm tháng cuối đời. Đồng thời ông cho rằng mỗi người cần duy trì các mối quan hệ, bao gồm bạn bè, hàng xóm và cả những người cùng chí hướng.
Ông cho rằng sự đồng hành của các con cũng rất quan trọng. Song bọn nhỏ đều có cuộc sống riêng và không thể mong đợi chúng gánh vác hoàn toàn trách nhiệm chăm sóc bố mẹ. Bạn nên thiết lập các mối quan hệ xã hội của riêng mình, trau dồi sở thích cá nhân và duy trì trạng thái sống tích cực. Chỉ có vậy, cuộc sống ở những năm tháng cuối đời mới thực sự hạnh phúc.
Dựa núi núi sẽ đổ, dựa người người sẽ chạy. Sống trên đời, mỗi người phải luôn nhớ bản thân mình mới là chỗ dựa vững chắc nhất. Đừng quên, cuộc sống mà phụ thuộc, dù có êm đềm và đủ đầy, vẫn luôn thật mệt mỏi và tiềm ẩn những sóng gió khó lường.
Đồng thời, trải nghiệm của ông Vương cho chúng ta biết rằng việc chăm sóc bố mẹ khi về già không phải là một cuộc chiến đơn độc, cũng không nên trở thành gánh nặng của con cái. Chỉ khi hiểu được điều này, chúng ta mới có thể thực sự tận hưởng những khoảng thời gian vui vẻ trong những năm tháng nghỉ hưu.