Ngày 8-8, Báo Người Lao Động nhận đơn tố cáo của người dân, đề nghị làm rõ về việc nhân viên tại Trung tâm Pháp y TP Đà Nẵng nhận khoản tiền trái quy định và "bảo kê" xe cứu thương.
Trước đó, sáng 7-8, tại đường Võ Nguyên Giáp, TP Đà Nẵng xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến nữ du khách 23 tuổi người Hải Dương tử vong tại chỗ.
Khoảng 20 giờ cùng ngày, người nhà du khách này đến Trung tâm Pháp y TP Đà Nẵng (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) để nhận bàn giao thi thể. Ông Hà, người nhà nạn nhân, phản ánh lúc này, ông Lê Viết Dũng (y công tại trung tâm) yêu cầu người nhà chuyển 14 triệu đồng vào số tài khoản mang tên ông ta rồi mới được dẫn vào trong. Ông Dũng giải thích đó là chi phí để khám nghiệm, may thẩm mỹ và tiêm thuốc cho tử thi.
Xe cấp cứu giá rẻ của người nhà nạn nhân bị ông Lê Viết Dũng chặn vào khuya 7-8. Công an địa phương phải có mặt để bảo đảm an ninh khu vực
"Chuyển tiền xong, chúng tôi thuê xe cấp cứu để đưa thi thể về Hải Dương nhưng ông Dũng ngăn lại, yêu cầu phải dùng xe cấp cứu do trung tâm đã gọi từ trước" - ông Hà phản ánh.
Theo ông Hà, thời điểm trên, ngoài cổng trung tâm đã có một xe cấp cứu chờ sẵn. Đồng thời, hàng chục thanh niên lạ mặt qua lại, tập trung gây sức ép.
Phải đến hơn 0 giờ, khi công an địa phương có mặt, tình hình mới được giải quyết. Xe cấp cứu của người nhà được tiếp cận, đưa thi thể nạn nhân lên xe về quê.
Đến sáng 8-8, ông Hà đã làm đơn trình báo Công an phường Khuê Mỹ, đồng thời làm việc với lãnh đạo Trung tâm Pháp y TP Đà Nẵng về vấn đề trên.
"Liệu có hay không hành vi trục lợi trên thân xác người đã mất?" - ông Hà bức xúc.
14 triệu đồng được chuyển khoản cho ông Lê Viết Dũng với nội dung "tiêm thuốc pháp y, khám nghiệm"
Chiều 8-8, phóng viên Báo Người Lao Động đã làm việc với ông Mai Xuân Ngọc - Giám đốc Trung tâm Pháp y TP Đà Nẵng, ông Lê Viết Dũng cùng các bác sĩ, giám định viên trong kíp trực đêm 7-8.
Về khoản tiền 14 triệu đồng chuyển vào tài khoản cá nhân, ông Dũng giải thích đó là "dịch vụ riêng", gồm may tái tạo, vệ sinh, quần áo cho thi thể nạn nhân. "Vì người nhà liên hệ, nhờ làm để thẩm mỹ cho nạn nhân nên anh em mới làm" - ông Dũng phân bua.
Lãnh đạo Trung tâm Pháp y TP Đà Nẵng khẳng định trung tâm không có nhiệm vụ chỉ định, phân công xe cấp cứu
Liên quan nghi vấn "bảo kê" xe cấp cứu, ông Dũng cho rằng mình chỉ "gọi giùm chứ không hề có tư lợi" (?).
"Có một người nhờ tôi gọi giùm xe nên tôi tra số trên mạng rồi gọi. Tôi không cho xe vào nhận thi thể là vì không biết xe nào của ai. Lúc đó ở bên trong, các thầy đang làm lễ cúng cho nạn nhân nên không ai được vào" - ông Dũng phân trần.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Mai Xuân Ngọc cho biết ông Dũng không phải là bác sĩ, chỉ là y công chuyên giúp việc cho các bác sĩ, giám định viên khi giám định tử thi.
Ông Ngọc thừa nhận "dịch vụ riêng" với giá 14 triệu đồng không có trong nhiệm vụ, công tác được phân công của trung tâm. Trung tâm không có quyền, nghĩa vụ chỉ định cũng như từ chối xe cứu thương ra vào cơ sở.
"Tôi sẽ tổ chức họp để đánh giá lại tình hình. Quan điểm là nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm, phê bình, rút kinh nghiệm vì dẫu có vụ lợi cá nhân hay không thì vụ việc cũng đã gây bức xúc cho người dân" - Giám đốc Trung tâm Pháp y TP Đà Nẵng khẳng định.