Người ta bảo "xinh gái đẹp trai không bằng chai mặt" cũng có lý cả đấy chị em ạ. Thời buổi bây giờ, tình trạng FA nhiều đến nỗi các cô gái trẻ xinh xắn dễ thương còn suốt ngày than thở như kiểu "gấu" sắp tuyệt chủng đến nơi. Thế nên, một khi đã có đối tượng trong tầm ngắm thì phải tấn công nhiệt tình, nhất cự ly nhì tốc độ, giống "chiến thuật" của bạn nữ dưới đây mới mong thoát khỏi hội "lính phòng không", chuyển sang "lính phòng có".
Câu chuyện đang rất hot trên một diễn đàn MXH có hơn 1 triệu thành viên.
Tóm tắt là, cô sinh viên lỡ say nắng chàng trai cùng chỗ làm thêm, tìm đủ cách tiếp cận, tuy nhiên, có lẽ vì mừng quá nên cô gái trẻ quên mất những phép tắc văn hóa lịch sự tối thiểu, khiến cho bữa cơm đầu tiên với người thương bỗng biến thành thảm họa nhớ đời.
"Em có thích 1 anh, anh ấy là nhóm trưởng nhóm em từ lúc em vào làm, sinh năm 92. Em tán anh ấy, vì anh ấy cũng chưa có người yêu, lại cởi mở, thật thà, giỏi nữa nên anh ấy vẫn trả lời nhiệt tình, nhưng em cứ nói đến chuyện tình cảm thì anh ấy lờ lớ lơ...
Nhà anh ấy ở Hà Nội, sâu tít trong ngõ. Một hôm em với anh ấy làm về muộn, em tìm cớ rủ đi ăn.
- Anh ăn gì chưa ạ?
- Anh chưa nhưng mẹ anh làm cơm chờ anh về ăn cùng rồi em à.
Thấy sai kế hoạch, lúc đó bối rối quá tự dưng em nói bừa:
- Thế anh cho em về nhà anh ăn cùng đi. Em chẳng có ai ăn cùng cả.
- Thật không?
- Thật mà.
- Đi, anh đưa em về nhà anh ăn, mà mẹ anh hơi khó tính đấy...
Theo đuổi mãi mới bắt được cơ hội đến nhà "người thương" ăn cơm. (Ảnh minh họa)
Cơ hội vàng đây rồi! Em liền hành quân cùng anh về nhà, tiện thể xem bố mẹ anh ấy như nào. Về thì mẹ anh ấy làm cơm xong rồi, bố anh thì đi công tác. Sau khi làm quen giới thiệu qua loa thì vào bữa, em liền ăn luôn, tự nhiên như ở nhà.
Em không ăn được hành với thịt mỡ, cái nào có hành thì gạt sang 1 bên, thịt mỡ thì gắp để ra 1 mé, còn em chọn thịt nạc. Ăn xong mẹ anh bảo:
- Cứ để bát đũa đấy bác rửa cho, 2 đứa ngồi nói chuyện đi.
Em vâng luôn. Bác ấy đi rửa thật, rửa xong bác ngồi bật tivi lên xem mà không nói với em câu nào. Đáng lẽ khách đến phải nói chuyện chứ nhỉ. Đúng lúc có điện thoại, em ra ngoài nghe.
Anh với mẹ nói chuyện, em cúp máy xong đang định vào thì loáng thoáng qua cửa sổ nghe lỏm được mẹ anh bảo:
- Con bé này không được đâu con, mẹ cảm giác nhà bên đó giáo dục nó kém lắm.
Em mới bực mình, chờ 2 người nói xong mới vào rồi bình tĩnh:
- Dạ cháu giờ phải về rồi ạ, cháu xin phép hôm khác cháu qua chơi...
Nhưng không ngờ, bữa cơm "tự nhiên như ở nhà" lại biến thành kỉ niệm đau thương. (Ảnh minh họa)
Từ hôm ấy tới hôm qua, em cứ ấm ức, kiểu nhìn mặt anh ấy cứ nhớ lại lời mẹ anh ấy nói, cuối cùng em quyết định hỏi thẳng:
- Sao hôm trước mẹ anh nói em thiếu giáo dục?
- Em nghe thấy à?
- Em nghe thấy chứ.
- À, nhà anh có truyền thống ăn cơm dù ở nhà ai thì cũng phải mời cơm, ăn thì không được kén chọn kiểu bới đồ ăn gắp miếng thịt, nếu có hành thì gắp vào bát mình trước rồi mới bỏ hành ra sau, ăn thì miếng ngon nên mời người lớn trước, rồi chan canh bla bla...
Em nghe xong càng bực mình hơn:
- Tại sao từ 1 bữa ăn mà đánh giá cả con người rồi cả bố mẹ em?
Anh ấy liền im lặng quay đi, rồi từ hôm qua đến hôm nay, em càng ấm ức hơn. Mọi người thấy em làm thế đúng hay sai, ở nhà em không bao giờ bị nói như vậy cả. Ăn uống thôi mà?".
Gần 5000 bình luận, chê bai, mắng mỏ cô gái, kỷ lục cho một status tâm sự bị chửi ngược!
Chưa cần cô nàng lên cơn ấm ức, cộng đồng mạng đã rào rào ấm ức dùm chàng trai vì gặp ngay phải đứa... ngã cây. Biết con gái chủ động cầm cưa thì cá tính rồi, nhưng cá tính lại còn hồn nhiên quá đáng như trên thì ai cũng nghĩ là có vấn đề nhiều hơn.
Bạn Huy Hoàng nhận xét thẳng thừng: "Thứ nhất, em không mời người lớn ăn cơm là sai quá sai. Thứ hai, thấy bác ấy bảo để bác rửa bát cũng vâng ạ, con gái ở nhà bố mẹ không bắt rửa bát là chuyện nhà em, nhưng đến nhà người ta bị chê cho tơi bời là đáng.
Không thích ăn thì có thể gắp xong để trong bát chả sao, chứ đừng gẩy gẩy ngay trong đĩa, còn bao người khác trong mâm nữa, mất thiện cảm".
Cô nàng tên Hằng thì phũ phàng hơn, buông gọn lỏn: "Bạn nam kia bơ là đúng, yêu đương gì cái kiểu con gái như này".
Còn vô số những lời chê bai, gạch đá khác nữa, chủ nhân câu chuyện dám hứng hết thì chắc cũng không còn nguyên thân mình: "Khiếp lên được, đã vô duyên lại còn xấu tính, người ta không nói thẳng là ghét mình thì thôi, lại còn kể lể bày đặt ấm ức"; "Chuyện này người sai duy nhất là em đó em gái, về tự kiểm điểm đi".
"Người ta không mời mà cũng mặt dày đòi về tận nhà người ta ăn cơm, ăn thì chẳng có lễ nghĩa phép tắc gì, đến cái cơ bản cũng không biết"; "Thôi em ơi, em mà ra mắt nhà ai thì nhà người ấy đuổi em về thẳng chứ đừng nói yêu đương"...
Sai rành rành mà cô gái vẫn nghĩ là mình đúng, lại còn dỗi ngược. (Ảnh minh họa)
Thậm chí, có thành viên mạng vui tính còn làm cả thơ tặng cô nữ sinh "duyên dáng" khiến mọi người thích thú vỗ tay rầm rầm: "Sinh viên đại học năm ba/ Ăn cơm nhà khách vậy mà kém duyên/ Vô mâm cầm đũa ăn liền/ Thức ăn bới chọn tự nhiên như ruồi/ Ăn xong chễm chệ lên ngồi/ Bát ăn không rửa thì thôi cạn lời/ Bạn bị chê là đúng rồi/ Kêu ca chi nữa tự ngồi nghĩ đi".
Vài người tốt bụng hơn thì khuyên nhẹ nhàng rằng cô gái nên rút kinh nghiệm, sau này tới nhà ai nên duyên dáng lịch sự hơn, phải tôn trọng người lớn, ăn uống nền nã để không bị mang tiếng như thế kia.
Đúng là bây giờ tư tưởng xã hội cởi mở thông thoáng hơn trước, nhiều bậc phụ huynh dễ tính thân thiện hơn xưa rất nhiều. Nhưng dễ, không có nghĩa là được phép vô lễ, bỏ qua những phép tắc cư xử đơn giản, như đến thì phải biết chào, ăn thì phải biết mời, xong xuôi thì phải biết dọn dẹp.
Là khách không cần rửa bát cũng được, nhưng phụ dọn thì là phép lịch sự tối thiểu. Chuyện ăn, chuyện nói, chuyện gói (vun vén), chuyện mở... tất cả đều có thể khiến người khác nhìn vào và "chấm điểm" cảm tình.
Kỹ năng giao tiếp của cô gái trẻ ở trên vừa kém vừa không khéo, chị em nhìn đó mà lấy làm bài học xương máu, không phải "cứ hồn nhiên thì em sẽ bình yên" đâu nhé!