Ông Vương Nguyên đã nghỉ hưu được vài năm, hiện đang sống ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ở độ tuổi 71, ông nhận lương hưu hàng tháng 6.000 NDT (tương đương 20 triệu VNĐ), nhưng vẫn phải cảm thán: Cuộc sống đúng là không như ý mình 100%.
Chia sẻ với Sohu, ông cho biết, khi còn chưa nghỉ hưu, vợ chồng ông làm việc ở công ty với mức lương khá tốt. Do công việc bận rộn nên họ chỉ có một cậu con trai. Dù rất yêu thương con nhưng ông luôn tỏ vẻ nghiêm khắc, cứng cỏi vì tin rằng, một nền giáo dục tốt là nền tảng cho sự phát triển của một đứa trẻ. Ông cũng luôn thúc ép con phải học hỏi, trau dồi mỗi ngày.
Tuy nhiên, vợ chồng ông Vương có những quan điểm khác biệt về việc học tập của con trai. Vợ ông nghĩ rằng đứa trẻ vẫn còn nhỏ và cần được quan tâm, chăm sóc đầy đủ về tinh thần trước, sau đó mới giáo dục tri thức khi lớn dần. Trong khi đó, ông lại nghiêm khắc tỏ vẻ, nên bắt đầu học tập càng sớm càng tốt để rèn luyện tính ham học cho con.
Tư tưởng khác nhau dẫn đến cách hành xử cũng khác nhau. Ngày thường, vợ ông luôn hết mực yêu thương con, dù con có mắc lỗi lầm thì bà cũng luôn bao dung bằng ánh mắt ấm áp và những lời động viên. Trong quá trình này, hai vợ chồng thường xuyên tranh cãi, nhưng để duy trì sự hòa thuận trong gia đình, ông thường là người chọn cách nhượng bộ.
Hậu quả là cậu con trai hình thành nhiều tật xấu, suốt ngày chỉ biết ăn uống vui chơi, thường xuyên nghịch ngợm, phá phách ở bên ngoài. Sau khi trưởng thành, con trai vẫn thường xuyên về xin tiền cha mẹ, ông Vương thường lén phê bình. Điều này khiến mối quan hệ của 2 cha con không quá thân thiết.
Cách đây vài năm, hai vợ chồng ông quyết định chuyển về quê an hưởng tuổi già. Họ có một mức lương hưu ổn định, hoàn toàn có thể tận hưởng cuộc sống thoải mái và không phải lo lắng về chi tiêu.
"Một biến cố đột nhiên xảy đến khi vợ tôi lâm bệnh và qua đời cách đây 3 năm. Suốt thời gian đó, chúng tôi đi chạy chữa khắp nơi nhưng không hiệu quả. Đến cuối cùng, tôi chỉ còn một mình nên vô cùng suy sụp. Đúng lúc này, con trai và con dâu tôi đến thăm tôi. Các con nói muốn đón tôi lên thành phố ở cùng để giúp tôi khuây khỏa, chứ không yên tâm khi để tôi một mình ở quê", ông kể.
Sau khi được thuyết phục, ông Vương đón nhận lòng tốt của các con. Dù ông không muốn trở thành gánh nặng cho các con, nhưng những đứa trẻ đều chăm sóc ông vô cùng chu đáo, chân thành. Ông cảm nhận được sự ấm áp nên dần vượt qua nỗi buồn, trở nên hạnh phúc hơn.
Là người thường xuyên ở nhà, ông Vương chủ động nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa một chút. Thỉnh thoảng, ông cũng đi mua đồ ăn cho gia đình. Chỉ là, với cách chi tiêu và nấu ăn của thế hệ trước, lúc nào cũng chỉ có vài món đơn giản, gia đình của người con trai dần cảm thấy chán nhưng ngại nói ra. Nhiều lần như vậy, con dâu muốn gửi thêm tiền sinh hoạt để ông có nhiều sự lựa chọn hơn, nhưng ông không muốn nhận.
Thời gian trôi qua, một ngày nọ, ông Vương đột nhiên nghe thấy gia đình con trai đang bàn việc mua một căn nhà to hơn. Họ lập kế hoạch dùng tiền tiết kiệm và vay thêm ngân hàng. Ông muốn góp một nửa số tiền cọc nhà, nhưng con trai không nhận mà nói rằng, "Đó là nhà của bọn con, nên bọn con có nghĩa vụ tự chi trả. Không thể dùng tiền của bố được."
Điều này khiến ông Vương lâm vào suy nghĩ. Quả thật, ông ở nhờ gia đình con trai, chứ đây không phải ngôi nhà của ông. Việc sinh hoạt hàng ngày trong nhà đã phần nào thay đổi khi đón ông về đây. Dù bản thân cũng cố gắng, tránh trở thành gánh nặng cho các con nhưng đúng là vẫn tồn tại khoảng cách thế hệ. Con cháu dù có nhường nhịn, chiều ý ông thì cả hai bên đều cảm thấy không thoải mái.
"Nhìn lại, tất cả đều bắt nguồn từ quyết định lên thành phố sinh sống cùng các con của chính tôi. Là tôi không chấp nhận được sự ra đi của bạn đời nên mới hấp tấp rời bỏ ngôi nhà ở quê hương. Nếu tôi có thể giữ vững ý định ban đầu thì có lẽ cuộc sống một mình tuy cô độc, nhưng sẽ thoải mái và tự do, cũng không ảnh hưởng gì tới các con", ông cho biết.
"Dù không thể ở bên con cháu nhưng ít nhất, trong nhà cũng tránh được những khúc mắc không cần thiết. Và quan trọng nhất là, đối với những người già như chúng tôi, tìm được một nơi để hưởng thụ những ngày tháng cuối đời trong yên vui, nhàn hạ là một việc không hề dễ dàng. Tiền đề để có được điều đó là một ngôi nhà của riêng mình, nơi mình được làm chủ mà không cần nhìn sắc mặt của ai."
Sau những ngày tháng đó, ông Vương nhận ra: Thay vì đặt kỳ vọng vào sự hiếu thảo của con cái, muốn các con phải hết mực ở bên phụng dưỡng, người lớn tuổi nên chủ động học cách chăm sóc bản thân, lo liệu cho cuộc sống của mình.
Khi nắm quyền chủ động trong tay, mọi người mới có thể tận hưởng cuộc sống tương lai mà không để lại bất kỳ sự hối tiếc nào.