Tin từ hãng thông tấn TASS ngày 14-3, ông Alexander Neradko- người đứng đầu Cơ quan Vận tải đường không Liên bang Nga (Rosaviatsia) cho hay: “Rosaviatsia đã ban hành một Điện văn thông báo hàng không (NOTAM) nói rằng các chuyến bay sử dụng loại máy bay này (Boeing 737 MAX 8) trong không phận Nga bị cấm cho tới khi có thông báo khác”.
Lệnh cấm này là vô thời hạn và sẽ có hiệu lực cho tới khi Rosaviatsia có quyết định mới về vấn đề này. Theo ông Neradko, các quyết định sau này sẽ được đưa ra dựa trên đánh giá "các chỉ thị và báo cáo từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Tập đoàn Boeing".
Ngoài Nga , Nhật là quốc gia mới nhất tham gia làn sóng tẩy chay dòng máy bay Boeing 737 MAX 8.
Theo báo Japan Times, Bộ Giao thông Nhật Bản ngày 14-3 đã cấm máy bay Boeing 737 MAX 8 và MAX 9 hoạt động trong không phận nước này. Được biết, không có công ty hàng không nào của Nhật Bản sử dụng máy bay Boeing 737 MAX, trong khi đó hãng bay All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản có kế hoạch đặt mua 30 chiếc dòng này.
Ngày 10-3, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng Hàng không Ethiopia, khi đang trên đường bay từ Addis Ababa tới thủ đô Nairobi của Kenya, đã bị rơi gần thị trấn Bishoftu của Ethiopia. Vụ tai nạn đã làm 157 hành khách gặp nạn, trong đó có nhiều người nước ngoài. Trước đó, một vụ tai nạn tương tự đã xảy ra ở Indonesia vào ngày 29-10-2018, làm 189 người chết.
Ngày 13-3, Mỹ cùng Canada và các quốc gia khác tuyên bố cấm vận hành Boeing 737 MAX 8 , nói rằng bằng chứng mới cho thấy có nét tương đồng giữa vụ rơi máy bay ở Ethiopia với tai nạn máy bay thảm khốc ở Indonesia.
Trong khi đó, Tập đoàn Boeing ra thông cáo nói rằng họ vẫn "hoàn toàn tin tưởng vào độ an toàn của dòng máy bay 737 MAX" nhưng ủng hộ việc tạm dừng bay loại máy bay này. Thông cáo của công ty khẳng định:
"Chúng tôi đang làm hết sức mình cùng hợp tác với các điều tra viên để tìm hiểu nguyên nhân các vụ tai nạn, tiến hành các biện pháp cải thiện độ an toàn và giúp bảo đảm những vụ tai nạn tương tự sẽ không xảy ra lần nữa".