Đến Iran chỉ 1 ngày, ông Putin được tiếp đón nồng nhiệt: Chuyến thăm lịch sử, vượt kỳ vọng

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Iran chỉ ba ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến thăm Trung Đông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trò chuyện cùng Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin trò chuyện cùng Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thăm Iran từ 18-19/7/2022. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống V. Putin ngoài không gian hậu Xô Viết kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine tháng 2/2022.

Đây cũng là chuyến thăm Iran đầu tiên kể từ khi ông Ebrahim Raisi trở thành Tổng thống tháng 7/2021 và là cuộc gặp lần thứ năm với lãnh tụ tối cao Iran, đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei kể từ khi ông lên nắm quyền năm 1989.

Ngoài các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Iran, Tổng thống V. Putin đã có các cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và tham gia hội nghị thượng đỉnh lần thứ bảy của Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ, ba quốc gia bảo lãnh tiến trình Astana về Syria.

Hội nghị đã thảo luận các biện pháp nhằm bình thường hóa tình hình Syria theo định dạng Astana, hồ sơ hạt nhân Iran và cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Bối cảnh chuyến thăm

Quan hệ song phương giữa Moscow và Tehran phát triển nhanh chóng kể từ khi Tổng thống E. Raisi lên nắm quyền tháng 7/2021 thay người tiền nhiệm Hassan Rouhani.

Quan hệ hợp tác giữa hai nước trở nên chặt chẽ và thân thiết hơn không chỉ do cùng bị Mỹ và phương Tây trừng phạt, mà là do chính phủ của Tổng thống E. Raisi thi hành chính sách hướng Đông, chủ trương tăng cường quan hệ với các nước châu Á, trong đó có Nga.

Do Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có chống Moscow, Nga cũng thi hành chính sách hướng Đông. Iran, một cường quốc kinh tế và quân sự ở Trung Đông là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong chiến lược này của Liên bang Nga.

Quan hệ giữa Iran và phương Tây, đặc biệt là Mỹ cũng trở nên hết sức căng thẳng trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân, trong đó Nga là một bên ký kết đang lâm vào bế tắc.

Ông Putin tới Iran chỉ ba ngày sau khi Tổng thống Mỹ J. Biden kết thúc chuyến thăm Trung Đông gồm Israel, Palestine và Ả Rập Saudi nhằm vận động thành lập một liên minh chống Iran với sự tham gia của một số nước Ả Rập và Israel.

Cuộc xung đột Ukraine đang ảnh hưởng to lớn đến tình hình chính trị cũng như kinh tế trên toàn cầu. Hậu quả của cuộc xung đột quân sự là một trong những lý do quan trọng nhất khiến Tổng thống Mỹ J. Biden đến thăm Trung Đông để thuyết phục các nước vùng Vịnh tăng sản lượng dầu và khí đốt để bù đắp lại khối lượng thiếu hụt trên thị trường do cấm vận năng lượng của Nga làm giá dầu và khí đốt tăng vọt.

Trong bối cảnh này, chuyến thăm Tehran của Tổng thống V. Putin không chỉ nhằm tìm cách phá vỡ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây, mà còn thỏa thuận tăng cường hợp tác lâu dài trong tất cả các lĩnh vực giữa hai quốc gia.

Đến Iran chỉ 1 ngày, ông Putin được tiếp đón nồng nhiệt: Chuyến thăm lịch sử, vượt kỳ vọng - Ảnh 1.

Ông V. Putin đã được tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Iran tiếp đón nồng nhiệt.

Kết quả chuyến thăm Iran của Tổng thống V. Putin

Các nhà phân tích chính trị Nga và Iran đều cho rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga tới Iran là chuyến thăm "lịch sử" và kết quả của nó thậm chí đã vượt qua nhiều kỳ vọng.

Trong chuyến thăm chỉ kéo dài một ngày, ông V. Putin đã được tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Iran tiếp đón nồng nhiệt. Có thể nói, chuyến thăm Iran lần này là một trong những chuyến thăm nước ngoài thành công nhất của Tổng thống V. Putin.

Về kinh tế: Tập đoàn Gazprom của Liên bang Nga và Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC) đã ký Biên bản thỏa thuận, theo đó Gazprom sẽ đầu tư 40 tỷ USD giúp Iran phát triển các mỏ khí Kish và North Pars và mỏ South Pars, hoàn thành các dự án đã khởi động trước đó để cung cấp khí hóa lỏng cùng với việc xây dựng các đường ống dẫn khí đốt xuất khẩu và sáu mỏ dầu khác ở Iran.

Trước mắt, Nga sẽ đầu tư 7 tỷ USD phát triển mỏ dầu Azadegan trên biên giới Iran- Iraq. Đây là một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lịch sử ngành dầu khí Iran.

Iran có trữ lượng dầu mỏ 157.300 tỷ thùng, đứng thứ tư trên thế giới và khí đốt tự nhiên 33,8 nghìn tỷ m3, lớn thứ hai sau Nga, nhưng các lệnh trừng phạt của Mỹ ngăn cản Tehran tiếp cận các công nghệ mới để sản xuất và cản trở việc xuất khẩu khí đốt. Trong cuộc tiếp Tổng thống V. Putin, giáo chủ Ali Khamenei đã kêu gọi tăng cường hợp tác năng lượng với Moscow.

Hai bên đã thỏa thuận hợp tác trong việc phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, Moscow và Tehran đồng ý khởi động lại hành lang Bắc - Nam được kết nối bằng hệ thống đường xe lửa dài 7.200 km đi thẳng từ thành phố St. Petersburg thuộc miền Bắc nước Nga đến cảng Bandar Abass của Iran ở Vịnh Ba Tư.

Tuyến đường sắt này đã có sẵn, chỉ cần xây dựng thêm 146 km nữa là hoàn thành toàn tuyến. Đây là dự án chiến lược vận tải hàng hóa trực tiếp Nga - Iran - Ấn Độ được đưa ra từ thời Tổng thống Ahmedenajad của Iran (2005-2013), nhưng do nhiều nguyên nhân không thực hiện được.

Dự án này rút ngắn được thời gian và tiết kiệm được chi phí vận tải đến 25% do không phải đi vòng qua kênh đào Suez và đặc biệt tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Phát biểu với các phóng viên sau chuyến thăm, ông V. Putin cho biết, kim ngạch thương mại giữa Nga và Iran năm 2021 tăng 81,7% so với năm 2020 và trong sáu tháng qua đã tăng 40%. Hai bên cũng đã ký đạo luật thương mại tự do của Iran với Liên minh kinh tế Á Âu.

Đặc biệt, hai bên đã đồng ý sử dụng đồng tiền rúp Nga và Rial Iran thay cho đồng USD trong thanh toán giũa hai nước.

Đến Iran chỉ 1 ngày, ông Putin được tiếp đón nồng nhiệt: Chuyến thăm lịch sử, vượt kỳ vọng - Ảnh 2.

Ảnh: Sputnik/Reuters

Về chính trị: Tổng thống V. Putin đã có các cuộc hội kiến quan trọng với các nhà lãnh đạo Iran, trong đó có lãnh tụ tối cao, đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei. Đây là cuộc gặp gỡ thứ năm của Tổng thống V. Putin với nhà lãnh đạo tối cao Iran.

Chuyến thăm tạo cơ hội để thắt chặt thêm mối quan hệ giữa Nga và Iran, một quốc gia cũng bị Mỹ và phương Tây trừng phạt trong nhiều năm. Iran quan hệ rất hữu nghị và là đối tác quan trọng của Nga.

Việc Tổng thống V. Putin chọn Iran là nước đầu tiên cho chuyến thăm của mình sau "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine tháng 2/2022 thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ này.

Tổng thống V. Putin cho biết, các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo Iran đã diễn ra trong bầu không khí tin cậy lẫn nhau và hai bên có đồng quan điểm đối với hầu hết các vấn đề quốc tế. Đặc biệt, Nga và Iran đã nhất trí nâng quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.

Trong cuộc gặp Ali Khamenei và Raisi, ông V. Putin đã khẳng định ủng hộ việc khôi phục Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) theo nguyên trạng đã được ký kết và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phê duyệt năm 2015. Moscow cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực theo hướng này và ủng hộ các cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian giữa Iran và Mỹ.

Nga và Iran từ lâu đã phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Đối với Tehran, việc tăng cường quan hệ hợp tác với Nga là một cách để đối phó với ảnh hưởng của Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở khu vực.

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu, giá dầu tăng cao, Tehran cũng hy vọng với sự hậu thuẫn của Moscow có thể gây áp lực buộc Washington phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán nhằm khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA năm 2015.

Về quân sự: Hợp tác giữa Liên bang Nga và Iran không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong lĩnh vực quân sự. Nga quan tâm đến việc mua 300 máy bay không người lái loại Shahed-191 và Shahed-129, đồng thời sẵn sàng xem xét khả năng cung cấp hệ thống phòng không S-400 cho Iran. Hai bên cũng thỏa thuận thời gian tới sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung.

Hội nghị thượng đỉnh Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ

Nhân chuyến thăm Iran của Tổng thống V. Putin, một hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của Tổng thống Nga V. Putin, Tổng thống Iran E. Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan đã được triệu tập tại Tehran.

Đây là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của các nước bảo lãnh cho tiến trình Astana kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch Covid-19 nhằm thảo luận giải pháp cho cuộc xung đột Syria.

Hội nghị đã thông qua một tuyên bố chung khẳng định cam kết tăng cường hợp tác giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ định dạng Astana nhằm giải quyết hòa bình và bền vững cuộc khủng hoảng Syria và cho rằng, việc bình thường hóa và giải quyết cuộc xung đột Syria chỉ có thể đạt được thông qua ngoại giao và cuộc xung đột này chỉ có thể được giải quyết bởi chính người Syria, không có sự áp đặt từ bên ngoài.

Đến Iran chỉ 1 ngày, ông Putin được tiếp đón nồng nhiệt: Chuyến thăm lịch sử, vượt kỳ vọng - Ảnh 3.

Hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của Tổng thống Nga V. Putin, Tổng thống Iran E. Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan. Ảnh: WSJ

Ba nhà lãnh đạo đã bác bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đơn phương áp đặt đối Syria, trái với luật pháp quốc tế, luật nhân đạo và Hiến chương Liên hợp quốc và cho rằng Mỹ phải rút khỏi Syria vì sự có mặt của Mỹ ở Syria là bất hợp pháp, vi phạm độc lập, chủ quyền của Syria và luật pháp quốc tế.

Ba ông Putin, Raisi và Erdogan tuyên bố tái khẳng định quyết tâm tiếp tục hợp tác trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tổ chức khủng bố khác dưới mọi hình thức ở các vùng khác nhau trên lãnh thổ Syria, bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.

Ba Tổng thống khẳng định cam kết đối với chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, phản đối các hoạt động ly khai nhằm phá hoại chủ quyền của đất nước và tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Tuyên bố chung của ba nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh, các tôn chỉ, mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc cần phải được tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế tôn trọng. Nhờ nỗ lực chung của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. các bên khác nhau trong cuộc xung đột, kể cả phe đối lập đã ngồi lại với nhau xung quanh bàn đàm phán.

Các nhà lãnh đạo lên án các cuộc tấn công liên tục của Israel vào Syria, bao gồm cả các cơ sở hạ tầng dân sự, gọi chúng là trái với luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Ngoài vấn đề Syria, các nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí mở rộng hơn nữa hợp tác ba bên trong các lĩnh vực kinh tế và chính trị chung.

Các nhà lãnh đạo quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo theo định dạng Astana vào cuối năm 2022 tại Nga theo lời mời của Tổng thống V. Putin.

Đến Iran chỉ 1 ngày, ông Putin được tiếp đón nồng nhiệt: Chuyến thăm lịch sử, vượt kỳ vọng - Ảnh 4.

Tổng thống V. Putin cũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2019 giữa hai nhà lãnh đạo sau hàng chục các cuộc điện đàm. Hai Tổng thống đã thỏa thuận tăng cường hợp tác Nga - Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực năng lượng và quân sự, tình hình Syria, Nam Caucasus, Libya và nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hòa giải trong cuộc xung đột Ukraine cũng như về vấn đề vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen. Ngoài ra, việc chuyển đổi sang sử dụng đồng tiền địa phương trong thanh toán song phương cũng đã được thảo luận.

Cùng thời điểm này, cuộc họp lần thứ bảy của Hội đồng Hợp tác Iran-Thổ Nhĩ Kỳ, dưới sự chủ trì của Tổng thống Iran và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã được triệu tập tại Tehran. Hai bên đã thỏa thuận tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Chuyến thăm của Tổng thống V. Putin tới Tehran, cuộc họp thượng đỉnh Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ thành viên lớn thứ hai trong NATO sẵn sàng hợp tác với Nga và Iran, các thỏa thuận tại Tehran là một tập lực lượng mới nhằm gửi đi một thông điệp tới Mỹ, phương Tây rằng, nước Nga có nhiều bạn bè và các biện pháp trừng phạt không thể giải quyết được các vấn đề trong quan hệ quốc tế./.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại