Đền Hỏa Thần, di tích đầu tiên tại Việt Nam thờ Thần Lửa. Gần 2 thế kỷ qua đi, nơi đây là địa điểm tâm linh đặc biệt thờ Thần Hỏa của người Hà Nội, cũng như du khách thập phương tìm về.
Sau những náo nhiệt, ồn ào ở dáng hình bề ngoài, Hà Nội vẫn khoác lên mình nét thanh lịch, rêu phong tự ngàn đời của mảnh đất kinh kỳ xưa. Vùng đất nào cũng biết giữ gìn cho mình những gì tinh túy nhất, Hà Nội cũng vậy khi có một ngôi đền thờ Hỏa Thần lặng yên nép mình trên phố cổ.
Thủ đô yêu dấu ngày càng nhiều tuổi, chứng kiến bao thăng trầm thời đại và khắc ghi thêm các dấu ấn của dòng chảy thời gian. Trong dòng chảy ấy, đền Hỏa Thần hiện thân cho nơi cất giữ niềm tin dân gian về vị thần bảo hộ cho người dân khỏi những hỏa hoạn.
Đền Hỏa Thần - Đền duy nhất tại Việt Nam thờ “Ông tổ phòng cháy chữa cháy”
Theo thông tin từ BQL Di tích phường Cửa Đông chia sẻ, đền Hỏa Thần, tên chữ là Hỏa Thần từ - thờ vị thần trông coi về lửa là Quang Hoa Mã Nguyên Súy. Truyền thuyết về Thần cũng chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Phật, Lão, Nho. Bên cạnh Quang Hoa Mã Nguyên Súy, trong Đạo giáo cũng có vị thần đại diện cho lửa là Nam Phương Xích Đế (còn gọi là Thần Nông, Viêm Đế).
Khởi đầu của Hỏa Thần chính là Phật đăng - cây đèn cầy nơi cửa Phật. Vì mỗi ngày đều nghe tụng kinh niệm châu mà giác ngộ theo Phật. Nhưng do nóng tính mà bị đày xuống hạ giới đầu thai vào nhà họ Phùng, sau này đắc đạo về trời thì chuyên trừ hỏa tai.
Khi ấy, ở chốn kinh thành, mong muốn được Thần trợ giúp nên nhiều người đã gọi đền Hỏa Thần là đền thờ “Ông tổ phòng cháy chữa cháy”.
Hiện nay, đền thờ Hỏa Thần tọa lạc tại 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, Hà Nội. Cho đến hiện tại, đây là ngôi đền duy nhất tại Việt Nam thờ “Ông tổ phòng cháy chữa cháy”.
Đền Hỏa Thần - Nơi cầu phúc trừ tai của người dân Hà thành
Đền Hỏa Thần lúc bấy giờ thuộc thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long.
Khi xưa, đất kinh thành đông đúc, nhà ở liền sát nhau, vật liệu xây dựng chủ yếu là tranh, tre, nứa, lá nên hỏa hoạn dễ xảy ra và có sức công phá rất kinh khủng. Sử cũ cũng nhiều lần chép lại các vụ hỏa tai lớn xảy ra tại kinh thành, có vụ còn suýt thiêu chết cả nhà quan Tổng đốc.
Chẳng hạn như năm 1828, cháy 200 ngôi nhà, đến giữa năm lại cháy thêm 1420 nhà của 27 phường. Không dừng lại đó, năm 1837, hỏa hoạn thiêu rụi thêm 1400 ngôi nhà. Đỉnh điểm năm 1885, hỏa tai thiêu rụi nhiều cơ nghiệp của dân, mém đốt luôn cả nhà Tổng đốc thành Hà Nội.
Nguyên nhân xảy ra có thể do giặc ngoại xâm đốt phá, khí hậu khô hanh cùng với sự bất cẩn của người dân trong sinh hoạt. Khi ấy việc phòng trừ hỏa hoạn đã trở thành quy tắc bắt buộc của triều đình. Bởi vậy, việc thờ phụng Hỏa Thần để mong sao hỏa hoạn không xảy ra, vừa trấn an được tinh thần của nhân dân lại tăng thêm nét văn hóa đậm đà. Đây chính là lý do đền thờ Hỏa Thần được khởi dựng.
Qua nhiều vụ cháy kinh khủng ấy mà năm 1838, người dân đã lập đền thờ Hỏa Thần - Quang Hoa Mã Nguyên Súy, mong thần che chở, bảo trợ không gây hỏa tai để dân chúng được yên lành sinh sống.
Đường vào Đền Hỏa Thần nằm sát cạnh trụ sở UBND phường Cửa Đông
Theo tấm bia “Hỏa Thần miếu bi ký”, thuở ban đầu, đền chỉ dựng bằng tranh nứa nằm phía ngoài Cửa Đông của thành. Trải qua nhiều lần trùng tu 1841, 1848, 1864, ngôi đền đã khang trang hơn rất nhiều và qua triều vua nào cũng được ban sắc phong Thần. Kiến trúc hiện nay của đền là thành quả trùng tu, kiến tạo năm 2019.
Kiến trúc đền Hỏa Thần được cho là khá lớn so với những ngôi đền khác tại phố cổ. Đền thiết kế kiểu chữ Công, gồm nhà tiền tế, phương đình và hậu cung với diện tích khoảng 500m2. Đi từ 30 Hàng Điếu vào đền, dẫn vào là một ngách nhỏ dài thấy đài tưởng niệm liệt sĩ, bên tay trái là khu thờ Hỏa Thần. Khu đền được bố trí theo lối "tiền Phật, hậu Thánh" thể hiện cho sự kết hợp hài hòa với tín ngưỡng dân gian xa xưa.
Tiền tế được xây dựng 3 gian, mái lợp ngói mũi hài, nền nhà lát gạch Bát Tràng cổ, tường đầu hồi gắn tấm bia đá có niên hiệu Thiệu Trị. Tấm bia này khắc nội dung xây dựng, trùng tu và ghi công đức. Bức hoành phi 3 chữ “Hỏa Thần từ” được làm vào giữa mùa xuân năm 1864.
Tiếp nối là phương đình 4 mái với thiết kế đầu đao cong không thể thiếu được họa tiết chạm nổi vân mây, hoa văn rồng chầu, các lá lật và cánh hoa sen. Nơi đây có đặt ban thờ Mẫu và các vị Phật như Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Quan Thế Âm Bồ Tát,...
Hậu cung đền xây lối tường hồi bít đốc ba gian. Gian ở giữa có khám thờ lớn được chạm rồng tinh xảo là bàn thờ Hỏa Thần. Trên khám thờ là tượng Hỏa Thần phương phi, mặc long bào oai nghiêm, phúc hậu.
Hai bên Thần là hai vị cận vệ Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ. Vị Thiên Lý Nhãn có khả năng nhìn xuyên thấu vạn vật trong nhân gian. Vị Thuận Phong Nhĩ có khả năng nghe thấu mọi chuyện ở dương thế.
Ở tại đền thờ, cũng có tấm hoàng bào của Hỏa Thần chưa biết được niên đại có từ bao giờ.
Bên cạnh đó, còn có linh vật bảo vệ đền trường tồn cùng thời gian - Hỏa Kỳ Lân giúp trấn áp hung khí. Tương truyền, đây cũng là thú cưỡi của Hỏa Thần.
Vào dịp xuân thu nhị kỳ, 28/3 và 28/9 lễ hội đền được tổ chức chu đáo kỷ niệm ngày sinh và ngày hóa của Hỏa Thần. Đền Hỏa Thần được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa ngày 27/8/1996.
Người ta còn nói, trước kia, trong đền có một đại hồng chung bằng đồng, hễ có hỏa hoạn thì thỉnh chuông lên, Hỏa Thần nghe thấy sẽ về trừ hỏa hoạn cho dân chúng.
Hỏa Thần trong ký ức
Có lẽ cuộc sống bận rộn và dòng chảy thời gian chẳng dừng lại khiến người ta "quên" mất một vị Thần vẫn lặng lẽ ngày đêm phù trì cho dân chúng.
Xưa kia, Thái sư Trần Quang Khải đã từng ca ngợi sự linh thiêng muôn đời của Hỏa Thần trong việc trừ hỏa tai, bảo vệ kinh thành Thăng Long rằng:
"Lửa nổi ba khu không cháy được
Phong trần một trận chẳng hề nghiêng."
Ấy vậy mà, vì nhiều lý do, gần 200 năm qua, hỏa tai vẫn ập đến với người dân. Liệu có phải việc bỏ quên một vị thần nắm giữ ngọn lửa thiêng khiến Thần "giận" mà rời đi hay không?
Nói về sự linh thiêng của ngôi đền, dù là thờ Hỏa Thần, nhưng chị T, người sống gần đền chia sẻ: "Đến đền Ông, cứ thành tâm xin cho bố mẹ, vợ con mạnh khỏe, các con học hành thành tài, đi đường bộ, đường tàu, đường thủy đều được bình an". Đối với chị, Hỏa Thần không chỉ phù trừ tránh hỏa hoạn mà còn giúp đỡ người dân trong việc thác gửi đức tin.
Khi vừa bước sang mùa thu chưa được bao lâu, những cơn nắng hanh hao chưa kịp gắt, nhiều nơi xảy ra hỏa hoạn. Thậm chí, trong một ngày có tới 4 vụ cháy xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Điều ấy khiến nhiều người liên tưởng rằng hỏa hoạn nhiều như vậy, phải chăng nên đến kêu cầu Hỏa Thần cứu đỡ?
Niềm tin về vị Thần bảo trợ hỏa hoạn chính là lời nhắc nhở cho ý thức của người dân. Ngoài việc có đức tin che chở, mỗi người càng cần có ý thức bảo vệ bản thân, cơ nghiệp cẩn thận, chu đáo hơn trong quá trình sinh hoạt.
Vậy mới nói, đền thờ Hỏa Thần trong quá khứ, hiện tại hay sau này đều là nét đặc sắc trong đời sống tinh thần của người dân Thủ đô mà chúng ta cần giữ gìn, trân quý.