Bệnh nhân đau lưng nhiều năm chữa không khỏi đến gặp thầy tu
Một buổi chiều, có một người đàn ông ngoài 50 tuổi, trông giống như một công nhân về hưu tới gặp một thầy tu được kính trọng ở trong làng, nhờ chữa cho chứng bệnh đau lưng đã làm ông khổ sở nhiều tháng nay.
Người đàn ông cúi chào thầy tu rồi ngồi xuống ghế, chưa kịp nói gì.
Thầy tu chỉ nhìn lướt qua đã hỏi: "Ông tới đây vì bị đau thắt lưng à?".
Người đàn ông sững sờ: "Ngài quả đúng là thần y! Sao tôi chưa kể bệnh mà ngài đã biết rồi?".
Vừa nói, ông ta vừa đứng lên, vén áo cho thầy tu nhìn thấy lưng của mình. Quanh lưng của ông ta là một chiếc đai tự chế, rộng khoảng 15 cm, được làm từ một chiếc băng tải cũ trong nhà máy. "Xin ngài hãy xem lưng của tôi", người bệnh nói.
Rồi ông ta bắt đầu kể: "Tôi đã đeo cái đai này được gần 10 năm rồi. Bệnh viện nói tôi bị đau lưng do các cơ ở thắt lưng bị căng cứng mà thôi, dù tiêm hay uống thuốc cũng không đỡ được, chỉ có thể dùng cái đai này để giảm đau, nếu không, tôi không thể nào đứng thẳng lưng được.
Mùa xuân và mùa đông thì còn đỡ, chứ mùa hè thì đau lắm. Chắc thời còn trẻ tôi đã làm việc quá vất vả nên mới bị căn bệnh này. Nghe mọi người nói ngài là Phật sống, việc gì trên đời cũng thông hiểu, có thể chữa được những căn bệnh mà thầy thuốc cũng không chữa được, nên tôi tới đây để xin ngài lời khuyên. Nếu khỏi được, tôi nguyện ngày ngày ăn chay niệm Phật, thắp hương dọn dẹp chùa chiền đến suốt đời".
Tái mặt khi nghe căn nguyên của bệnh
Vị thầy tu nghe người đàn ông nói, mỉm cười rồi nói: "Thứ nhất, tôi không phải Phật sống, thứ hai, tôi không biết chữa bệnh như người ta nói, đó là việc của các lương y.
Bệnh của ông có chữa được hay không, đầu tiên phụ thuộc vào chính ông. Chỉ có người buộc chuông mới biết cởi chuông, phải không nào? Để tôi hỏi ông nhé, ông có thể ngừng hút thuốc, uống rượu, ăn thịt và ăn trộm được không?".
"Miễn là bệnh của tôi được chữa khỏi, gì tôi cũng làm được, nhưng tôi chưa từng ăn trộm", người đàn ông phân trần.
"Ngoài việc đau nhức ở thắt lưng ra, khi ấn vào đó, ông có thấy cảm giác nằng nặng không", vị thầy tu hỏi lại
"Có ạ, giống như cả mấy chục kilogam đang đè nặng xuống thắt lưng của tôi", ông ta vội trả lời.
"Vậy ông có từng ăn trộm các thanh thép, đinh và ốc vít từ chỗ làm trước đây không? Chúng thường được đựng trong những chiếc hộp ấy", vị thầy tu hỏi thẳng thừng.
Người đàn ông sững sờ trong giây lát. Một lúc sau, ông ta vừa gật đầu, vừa nói: "Có, tôi làm công nhân trong nhà máy, phụ trách mấy thứ vật liệu đó. Nhưng ai ở vị trí ấy mà không tận dụng chút lợi thế ấy chứ? Thế cũng gọi là ăn trộm sao? Đến giám đốc của nhà máy còn đem của công về nhà cơ mà?".
Nhà máy có thứ gì, nhà tôi có thứ ấy. Nhưng ai ở vị trí ấy mà không tận dụng chút lợi thế ấy chứ? Thế cũng gọi là ăn trộm sao? (Ảnh minh họa)
"Vậy nếu lấy của công đem về nhà không phải là trộm cắp thì như thế nào mới là trộm cắp? Ông có đàng hoàng đem đồ về nhà trước mặt những người khác, hay gói chúng lại rồi mới đem về?", vị thầy tu nghiêm khắc chất vấn.
Người đàn ông câm lặng, không biết nói gì hơn.
"Không chỉ có thế thôi đâu. Ông còn dùng những tấm thép ở nhà máy để làm ống khói, rồi dây thép, rồi kìm...".
"Thôi đủ rồi. Ngài đừng nói nữa. Nhà máy có thứ gì thì nhà tôi có thứ đó. Nhưng làm sao ngài biết được tất cả chuyện này?"
"Chính sức nặng của những đồ ăn cắp đó đã khiến cho ông không thể đứng thẳng lưng được".
Người đàn ông trông thật tội nghiệp, run rẩy, nhưng vẫn muốn giải thích: "Những thứ mà tôi lấy cắp, tôi không chỉ dùng một mình hay bán đi lấy tiền tiêu. Hầu hết tôi đều đem cho bạn bè, hàng xóm và anh em họ hàng. Chúng tôi lương bổng chẳng có là bao, lại có thể giúp được người khác? Tội gì không lấy? Chẳng ai nghĩ đó là lấy trộm cả.
Nhưng hôm nay, nghe ngài nói tôi đã thật sự sốc. Có lẽ ông trời có mắt nên mới trừng phạt tôi thế này. Đây chính là quả báo. Ngần ấy năm tôi không hiểu được tại sao bệnh mình chẳng có gì mà chữa mãi không khỏi, giờ tôi mới thấm câu nói này, 'Nếu không muốn người khác biết trừ phi mình không làm'.
Tôi hứa từ nay về sau sẽ không hút thuốc, uống rượu hay ăn thịt nữa, cũng không bao giờ lợi dụng mối quan hệ để lấy thứ không phải của mình. Ngày mai tôi sẽ đem ảnh Đức Phật về nhà để thờ, như 1 cách để tự răn mình không làm việc xấu nữa.
Nhưng còn những thứ tôi đã ăn cắp của nhà máy trong quá khứ thì sao? Tôi có nên đem trả bằng tiền hay không?".
Vị thầy tu đáp lại: "Nếu làm như vậy, ông sẽ gặp rắc rối lớn đấy. Khi cảm thấy thực sự ăn năn, những tội lỗi của ông sẽ dần vơi đi. Ông có thể chọn nhiều cách đền đáp cộng đồng thay vì đem trả tiền cho nhà máy. Ông cũng cần phải nói với bạn bè và họ hàng của mình không được lợi dụng của công. Cứ chăm chỉ làm những việc tốt như vậy, theo thời gian ông sẽ bù đắp lại cho các sai lầm trước kia".
Nửa tháng sau, người đàn ông đến cảm ơn vị thầy tu. Lần này, ông ta đứng thẳng, còn vén áo cho thầy tu xem, rằng ông ta không cần phải đeo đai lưng nữa và có thể đi lại, làm việc bình thường.