Liệu Pháp có thể hoàn thành vai trò trung gian trong tình huống này khi Tổng thống Emmanuel Macron mong muốn thiết lập các kênh liên lạc với Tehran, cũng như nâng cao tỷ lệ tín nhiệm của ông bằng các chính sách đối ngoại sau phong trào biểu tình “Áo Vàng” kéo dài nửa năm ở quốc gia này?
Trong cuộc phỏng vấn với đài Sputnik (Nga), cựu Đại sứ Pháp tại Iran, ông Francois Nicoullau cho rằng kế hoạch này sẽ không dễ dàng gì đối với các quốc gia châu Âu. Ông nói: “Chúng tôi, người Pháp, không muốn chia rẽ với người Anh, song chúng tôi tin rằng người Anh đã tự rơi vào bẫy”.
Sputnik cũng đã thảo luận chủ đề này với Tiến sĩ Emmanuel Dupuy, Chủ tịch Viện Nghiên cứu An ninh và Viễn cảnh châu Âu cùng ông Thierry Coville, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Chiến lược và Quốc tế (IRIS) ở Paris.
Ông Coville chia sẻ quan điểm: “Iran sẽ nhìn nhận việc triển khai các lực lượng châu Âu tại Vịnh Ba Tư là một hình thức phối hợp của châu Âu với Mỹ nhằm gia tăng sức ép lên Tehran. Điều này không có lợi cho chính sách ngoại giao của châu Âu, vốn đang nỗ lực giữ chân Iran trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Các tuyên bố đã được đưa ra, song tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu châu Âu thực hiện sáng kiến này".
Trong khi đó, liên quan đến lời mời tham gia liên minh tuần tra do Mỹ dẫn đầu tại Vịnh Ba Tư, Đức đã từ chối, còn Pháp vẫn do dự và mới chỉ có Anh đồng ý.
Hãng tin Bloomberg đánh giá thử thách xây dựng liên minh hải quân chung trên Vịnh Ba Tư chính là một bài kiểm tra liệu Mỹ - hay ít nhất là Tổng thống Donald Trump – có bất kỳ đồng minh nào ở châu Âu thân thiết hơn Thủ tướng Anh Boris Johnson hay không.
Chắc chắn Mỹ vẫn có thể tự đảm bảo an ninh Eo biển Hormuz mà không cần đồng minh châu Âu trợ giúp, nhưng khó khăn trong tìm kiếm ủng hộ rộng rãi hơn đang cho thấy sự lỏng lẻo trong cốt lỗi của liên minh quân sự xuyên Thái Bình Dương.
Vị thế của Pháp là gì? Ông Emmanuel Macron đang tìm cách thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Tuy nhiên, các quyết định thiếu khả thi (bao gồm cả hệ thống thanh toán INSTEX) mà Paris đề xuất sau khi Washington rút khỏi JCPOA, đã không gây hứng thú ở Tehran.
Nhà nghiên cứu Emmanuel Dupuy chỉ ra rằng Pháp đang gặp khó tại bước này: “Dường như Pháp đang đi trên dây. Một mặt, Tổng thống Macron nhiều lần bày tỏ mong muốn đóng vai trò trung gian hòa giải. Để hỗ trợ cho ý định của mình, ông hai lần cử cố vấn ngoại giao mới Emmanuel Bonne tới Tehran. Mới đây, ông đã tiếp đón Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araghichi đến Điện Elysee để gửi thông điệp của Tổng thống Rouhani đến ông. Cùng lúc đó, dường như Pháp lại muốn hành động đơn độc mà không cần các nước châu Âu khác tham gia. Điều này đồng nghĩa với việc lời đề nghị hòa giải của châu Âu sẽ không đến quá sớm hay quá muộn, tại thời điểm người Mỹ đang lôi kéo người Anh”.
Tổng hợp tất cả yếu tố trên, tình hình tại Eo biển Hormuz sẽ phụ thuộc vào sự điều chỉnh nội bộ các lực lượng tại Mỹ, Anh và Pháp – đất nước đang đối mặt với cuộc khủng hoảng “Áo Vàng”. Điện Elysees muốn củng cố hơn nữa vị thế của ông Macron trên trường quốc tế. Mục đích này được thể hiện trong chuyến công du của ông tới Belgrade và Tunisia trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm nước có nền công nghiệp phát triển (G-7) diễn ra tại Biarritz, Pháp ngày 24 – 26/8 tới.
Độc giả đọc tin gốc tại đây