Vài ngày nay, dòng xe ùn ùn nối đuôi nhau tiến đến ngôi làng nhỏ trên núi có tên Hậu Trương ở xã Hồ Trạch, huyện Bàn An, thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Không phải đi vãn cảnh, những người này ai cũng mang theo thuổng, cuốc. Họ đình làm gì với những dụng cụ này?
Trang báo điện tử Sina cho hay, cách đây vài ngày, nơi đây xuất hiện thông tin người dân tìm được đá quý. "Có người đào được viên đá quý, bán được 50.000 NDT (khoảng 170 triệu đồng), thậm chí có viên khách trả giá 250.000 NDT mà người ta vẫn chưa bán".
Những viên "đá quý" được gom lại.
Thông tin về thứ "lộc trời cho" tại thôn Hậu Trương nhanh chóng được truyền ra bên ngoài và đó chính là nguyên nhân khiến dòng người đổ đến ngôi làng nhỏ ngày một nhiều.
Những chiếc xe ô tô đỗ dọc ven đường vài thôn trang miền núi.
Anh Phan, 36 tuổi – một người dân làng Hậu Trương cho hay, những người lạ mặt đổ đến vùng quê yên tĩnh, tranh nhau đào bới để kiếm tìm đá quý.
Không chỉ dốc sức "cày cuốc" vào ban ngày, những người tìm "đá quý" bao gồm cả người địa phương và người nơi khác còn tận dụng cả ban đêm để làm việc vì họ cho rằng vào ban đêm, những viên đá quý sẽ tự phát sáng, rất dễ tìm kiếm.
Một người đàn ông đang soi viên đá dưới ánh sáng của điện thoại.
Tham gia vào công việc này còn có cả trẻ con và người già, số lượng người đào bới đất trung bình mỗi ngày lên đến 600-700 người.
Một đám người đang ra sức đào bới đất tìm đá quý.
Theo anh Phan, do mọi người đổ xô đi đào bới đất nên một số lượng lớn cây nông nghiệp như ngô, dưa hấu, lạc, cây trà bị giẫm nát, người trong làng đã rất khó chịu vì điều này nhưng cũng không thể làm được gì để ngăn cản dòng người này.
Những cây trà xanh bị bật gốc vì hoạt động đào bới của dòng người tìm kiếm đá quý.
Từ những hình ảnh chụp lại tại hiện trường, dễ dàng nhận thấy có rất nhiều ô tô đến từ các địa phương khác nhau của tỉnh Chiết Giang. Trong số này, có không ít xe sang mang thương hiệu Mercedes.
Xe ô tô đỗ kín các khoảnh đất trống trong làng Hậu Trương.
Khi tìm đến "bãi đá quý" phóng viên tờ Tiền Giang buổi tối phát hiện những viên đá này được những người "săn đá" gọi là "hồng bảo ngọc" vì khi soi dưới ánh đèn, chúng phát ra ánh sáng màu hồng.
Theo anh Phan, loại đá này phía sau ngọn núi nơi dân làng sinh sống có rất nhiều và người dân nơi đây đều biết.
"Khi tôi còn nhỏ, đã có một đội địa chất của huyện đến đây thăm dò. Họ đến 2 năm liền, mỗi lần ở lại 2 tháng nhưng sau không thấy quay trở lại.
Người dân nơi đây đều biết trong thôn có thứ đá trong suốt phát ra ánh ánh hồng nhưng chỉ nói đùa với nhau là đá quý mà thôi chứ không thực sự coi đó là đá quý và cũng chưa từng có ai dành thời gian công sức đi đào loại đá này".
Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ sau khi có người trong làng bán một viên đá có kích thước bằng móng tay với giá 400 NDT (khoảng hơn 1,4 triệu đồng).