Được công chúng quan tâm và chú ý từ năm 2017 khi là 1 trong 4 vị "cá mập" của chương trình Thương vụ bạc tỷ mùa 1, những năm gần đây, Shark Linh (Thái Vân Linh) đã đến gần với khán giả qua những vlog kể chuyện về đầu tư, phát triển bản thân và quản lý tài chính cá nhân.
Trong một vlog giải đáp thắc mắc của khán giả về vấn đề quản lý tài chính cá nhân, khi được hỏi làm thế nào để hạn chế tình trạng "mua xong rồi hối hận", Shark Linh vừa cười vừa thừa nhận bản thân cô cũng từng có thói quen chi tiêu theo cảm xúc ở những năm đầu 20. Sau đó, cô chia sẻ 5 "mẹo nhỏ" mà bản thân đã áp dụng thành công, để chấm dứt thói quen chi tiêu có phần bốc đồng.
1 - Tạo ngân sách tài chính cá nhân mỗi tháng
Shark Linh cho biết cô sẽ lập ngân sách cụ thể cho những thứ mình cần mua và những thứ mình muốn mua. Để biết được mình có bao nhiêu tiền cho 2 đầu việc này, Shark Linh áp dụng công thức sau:
Ngân sách (cho những thứ cần mua, muốn mua) = Thu nhập tháng - Tiền tiết kiệm/đầu tư - Chi phí sinh hoạt thiết yếu.
Sau khi tìm ra được con số cho ngân sách "những thứ cần mua" và "những thứ muốn mua", bạn hãy phân bổ số tiền này tùy theo nhu cầu cá nhân và phải đảm bảo không bội chi.
Nếu bạn chưa biết phải làm sao để nhận diện và phân biệt "những thứ cần mua" với "những thứ muốn mua", hãy đặt câu hỏi: "Món đồ này có hỗ trợ mình gia tăng thu nhập hay không?", hoặc "Không có món đồ này, chất lượng cuộc sống của mình có bị suy giảm không?". Nếu đáp án bạn đưa ra là "không", đó đích thị là món đồ bạn chỉ đang muốn mua vì cảm xúc nhất thời chứ không thực sự cần thiết.
2 - Lên danh sách những thứ cần mua và so sánh giá ở các điểm bán
Cầm danh sách đã lên đi tới siêu thị/cửa hàng thời trang/cửa hàng mỹ phẩm và chỉ chọn đúng món đồ đã được liệt kê, tuyệt đối không động vào những thứ không có tên trong danh sách. Ngắm thôi thì được!
Shark Linh cho biết trước mỗi lần đi siêu thị, cô sẽ dán một tờ giấy lên cánh tủ lạnh, các thành viên trong gia đình sẽ viết lên những thứ mình cần.
Sau đó, cô sẽ xem sét lại danh sách này và thảo luận cùng các thành viên trong gia đình về tính thiết thực với những món đồ chưa thực sự cần thiết.
Cuối cùng, cô sẽ so sánh mức giá bán từng món đồ ở từng nơi khác nhau và chọn mua ở nơi có mức giá tốt nhất.
Việc lên danh sách đồ cần mua và so sánh giá giữa các điểm bán giúp Shark Linh không tốn tiền cho những món đồ cô vô tình trông thấy, đồng thời mua được món đồ mình cần với mức giá phải chăng nhất.
3 - Đầu tư thời gian, tiền bạc vào những thói quen có ý nghĩaShark Linh cho rằng thay vì dành thời gian dạo chơi trong TTTM hoặc mua sắm online những lúc cảm thấy chán, bạn nên nghĩ tới việc đầu tư đăng ký các khóa học online để phát triển bản thân; hoặc thay vì đi ăn ở ngoài, bạn cũng có thể dành thời gian tìm hiểu công thức nấu ăn và vào bếp nấu một bữa trọn vẹn cho người thân, gia đình.
Đây chỉ là 2 trong nhiều hoạt động vừa không tốn tiền bạc, vừa mang lại nhiều ý nghĩa tích cực cho cuộc sống mà bạn có thể tham khảo.
4 - Cân nhắc trao đổi đồ với người thân, bạn bè trước khi quyết định mua đồ mới 100%
Trước khi chốt mua một món đồ mới mà bản thân bạn cảm thấy nó thực sự cần thiết cho cuộc sống của mình, Shark Linh khuyên bạn hãy suy nghĩ xem liệu mình có thể trao đổi món đồ mình đang có, nhưng không/ít sử dụng với người thân hoặc bạn bè, để lấy món đồ mình đang cần mua mới hay không.
Ngoài việc giúp bạn giảm chi và tiết kiệm được tiền, việc này còn giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Shark Linh cho rằng "món đồ cũ với bạn nhưng mới với mình thì vẫn là đồ mới".
5 - Đợi một tuần rồi mới chốt đơn món đồ mình muốn mua
Có thể bạn cũng đã quen với cách này để "ngăn mình chốt đơn". Shark Linh cũng vậy, nhưng thay vì đợi 1-2 ngày, Shark Linh cho mình hẳn 1 tuần để suy nghĩ kỹ xem liệu bản thân có thực sự thích hay thực sự cần món đồ đó hay không.
Cô cho rằng đôi khi 1-2 ngày là không đủ để những ham muốn nhất thời trong việc mua sắm "lắng xuống". Thế nên vị "cá mập" này đợi hẳn 1 tuần cho chắc ăn!