Rõ ràng, không gì có thể sánh bằng sự yêu thương mà cha mẹ dành cho con. Tuy nhiên, yêu chiều, dạy dỗ con ra sao cho phải đạo - đã trở thành vấn đề khiến vô số bậc sinh thành phải băn khoăn.
Nghiêm khắc, kỷ luật thép quá đà là không được, nhưng yêu chiều quá đáng lại càng nguy hiểm hơn. Dưới đây là ví dụ về thất bại của người làm mẹ trong việc dạy con, bất cứ ai đọc được cũng thấy giận run người.
Steven Chu, cựu bộ trưởng năng lượng Mỹ, đã kể lại câu chuyện về một người bạn của ông.
Steven Chu.
Ông Chu có một cô bạn ở Trung Quốc mắc ung thư cổ tử cung, gia đình đều vào viện chăm nom khi cô sắp tiến hành phẫu thuật, chỉ trừ con gái 22 tuổi là chẳng thấy đâu.
Khi vào viện thăm mẹ, cô con gái buông ra những lời khiến bậc làm cha mẹ tan nát cõi lòng:
"Con không ở bệnh viện đâu, con không phải bác sĩ, biết làm gì chứ?"
Trước khi quay đi, cô gái 22 tuổi không quên nói tiếp: "Mẹ nằm ở đây rồi thì ai nấu cơm cho con?"
Hóa ra, điều mà cô gái đôi mươi này lo lắng nhất khi mẹ bị ung thư phải nhập viện, không phải là sức khỏe của mẹ - mà là ai sẽ nấu cơm cho mình ăn, điều mà từ bé cô con gái này không được dạy.
Khép lại câu chuyện trong tiếng thở dài, ông Chu nhấn mạnh: "Thất bại lớn nhất của người làm cha mẹ, là cho con mọi thứ nhưng không dạy chúng các kỹ năng để trở thành người độc lập."
Ông Chu kể, ngay từ nhỏ, cha mẹ đã dạy ông những kỹ năng từ lớn tới nhỏ như nấu cơm, quét dọn. Ông khẳng định "với trẻ em, làm việc nhà cũng giống như luyện tập sự khéo léo."
Còn việc nấu nướng, giống như một buổi học thí nghiệm, trẻ em có thể được rèn luyện khả năng tập trung và giải quyết nhiều vấn đề.
"Bảo con mở tủ lạnh, lấy ra đúng 1 nguyên liệu và yêu cầu con tạo ra nhiều món ăn nhất có thể từ những gì bị hạn chế. Đó chính là cách rèn luyện tư duy sáng tạo, đổi mới."
Vị cựu bộ trưởng này chia sẻ thêm rằng, những việc nhỏ nhặt tưởng chừng đơn giản như gấp quần áo rồi chia theo từng loại riêng biệt - cũng giúp trẻ tăng khả năng ghi nhớ và phân loại.
Quan sát bố mẹ làm việc nhà, nấu nướng, giặt giũ cũng giúp trẻ rèn luyện khả năng quan sát, học hỏi.
Thậm chí, đơn giản như việc tưới cây thôi, cũng là cách trẻ rèn luyện mỹ học.
"Tuy vặt vãnh, nhỏ nhặt nhưng lặp đi lặp lại thường xuyên sẽ giúp cho đứa trẻ rèn luyện về kỹ năng vận động, đôi tay trở nên khéo léo hơn.
Những việc đó không chỉ giúp trang bị kĩ năng thực tế mà còn giúp trẻ sớm hình thành tính tự lập trong tương lai," ông Chu khẳng định.
Những đứa trẻ được dạy làm việc nhà từ sớm sẽ có tương lai sáng sủa hơn
Vào năm 1938, Đại học Harvard đã thực hiện công trình nghiên cứu có tên Grand Study, dẫn dắt bởi Giáo sư Arlie Bock. Kết quả đã thu hút sự chú ý của giới khoa học, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Arlie Bock đã tổng hợp, ghi chép lại trạng thái tâm lý, các bước ngoặt trong đời của một nhóm người từ khi còn trẻ đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Trong đó: 268 nam sinh viên ưu tú của Đại học Harvard và 456 thanh niên sinh ra trong các gia đình nghèo khó ở Boston, Mỹ được tìm hiểu, phân tích toàn diện trong hơn 75 năm.
Hiện nay, có khoảng 60 người vẫn còn sống khỏe mạnh và vẫn tiếp tục tham gia vào cuộc nghiên cứu, hầu hết họ đã trên 90 tuổi.
Vào năm 2015, người chịu trách nhiệm đời thứ 4 của công trình nghiên cứu Grand Study là giáo sư Robert Waldinger đến từ khoa Y Đại học Harvard đã trình bày kết quả nghiên cứu:
Robert Waldinger.
Những điểm đáng chú ý trong kết quả nghiên cứu:
- Thu nhập trung bình của những đứa trẻ thích làm việc nhà, cao hơn 20% so với trẻ được nuông chiều, không làm việc nhà
- Giữa nhóm trẻ làm việc nhà và không làm việc nhà, tỷ lệ có việc làm là 15:1; đến tuổi trưởng thành, tỷ lệ phạm tội là 1:10
Hóa ra, làm việc nhà ngỡ như chân tay đơn giản, lại đem lại những ý nghĩa to lớn trong cuộc đời mỗi con người.
Cuối cùng, nghiên cứu Grand Study kết luận: Song song với việc học kiến thức, văn hóa - còn phải học kỹ năng sống. Hai kỹ năng này luôn bổ trợ cho nhau, nếu để chúng tách rời, con cái sẽ khó lòng thành công trong cuộc sống.