Ngày 15/6 tờ National Interest xuất bản bài viết "Tấn công Iran sẽ giải phóng sự hỗn loạn ở Trung Đông" (Attacking Iran would unlease chaos on the Middle Easts) của hai tác giả Robert Gaines và Scott Horton.
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về cuộc xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Iran, cũng như hệ quả của nó với khu vực và thế giới, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Cáo buộc sản xuất vũ khí hạt nhân, tài trợ khủng bố: Vậy Iran có phải kẻ thù của Hoa Kỳ?
Tỏ ra không nản chí trước hàng thập kỷ tàn sát và hậu quả thảm khốc của các cuộc xung đột trước đó, phe "diều hâu" trong Chính quyền Hoa Kỳ của ông Trump đang kêu gọi hành động quân sự nhằm vào Iran.
Lập luận cho sự leo thang này khá mơ hồ. Các cáo buộc đầu tiên là những lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran, bất chấp việc Iran đã tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân được giám sát bởi IAEA.
Thủ tướng Israel Netanyahu cáo buộc Iran tích lũy nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân.
Tiếp theo là cáo buộc Iran tài trợ cho các tổ chức khủng bố hoặc tấn công vào các lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực, đây có lẽ là cái cớ chính để tiến hành chiến dịch quân sự.
Tài trợ cho các tổ chức khủng bố hoặc các nhóm cực đoan là một đặc trưng của gần như tất cả các quốc gia Trung Đông. Arab Saudi , Qatar và Kuwait đều hỗ trợ tài chính và vật chất cho các nhóm cực đoan Sunni liên quan đến Nội chiến Syria, tuy nhiên cả hai vẫn là đồng minh của Mỹ.
Ngay cả Israel cũng đã hỗ trợ các nhóm phiến quân ở Syria gần khu vực Golan mà họ chiếm đóng. Iran không nằm ngoài vòng xoáy lịch sử này và mối quan hệ của họ với Hezbollah và Hamas.
Tuy nhiên, các nhóm vũ trang nói trên, dù nằm trong danh sách khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ lại không phải là mối đe dọa trực tiếp với Hoa Kỳ.Cáo buộc Iran, một quốc gia Hồi giáo Shia chứa chấp hoặc hỗ trợ tổ chức khủng bố Hồi giáo Sunni đối địch Al-Qaeda là hoàn toàn vô lý.
Mohsen Hojaji là một cố vấn và thành viên của lực lượng IRGC Iran đã bị IS bắt và chặt đầu sau một cuộc phục kích năm 2017 tại Syria.
Iran chứ không phải ai khác "giúp" Mỹ đánh al-Qaeda và mong muốn hòa bình
Trước khi Hoa Kỳ bắt đầu cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, Iran đã ủng hộ kẻ địch của Al-Qaeda ở Afghanistan, liên minh các lãnh chúa được gọi là Liên minh phương Bắc.
Sau các cuộc tấn công ngày 11/9/2001, chính phủ Iran đã trao bản sao của 300 hộ chiếu nghi ngờ là các thành viên Al-Qaeda cho Liên Hiệp Quốc. Nhiều người đã bị trục xuất trở về Arab Saudi và các nước Arab Sunni khác.
Trong một cử chỉ thiện chí, Iran đề nghị cung cấp hỗ trợ tìm kiếm và cứu hộ, cứu trợ nhân đạo và xác định mục tiêu của Taliban và al-Qaeda cho lực lượng Hoa Kỳ ở Afghanistan.
Vào thời điểm đó Đặc phái viên Hoa Kỳ James Dobbins đã tuyên bố rằng Iran là những người "hữu ích - toàn diện" trong giai đoạn 9/11.
Iran được cho là giúp đỡ Mỹ về thông tin chống khủng bố tốt nhất sau sự kiện 11/9.
Mặc dù "lòng tốt" của Iran bị quay lưng bởi bài phát biểu về "Trục Ma quỷ" của Tổng thống Mỹ lúc đó là George W. Bush, Iran vẫn tăng cường cam kết của họ chống al-Qaeda và mối quan hệ song phương tích cực với Hoa Kỳ.
Trong một bản ghi nhớ được Nhà lãnh đạo Ayatollah Khamenei chứng thực và được giao với sự trợ giúp của Nhà ngoại giao Thụy Sĩ Tim Guldimann, chính phủ Iran đã đề nghị hỗ trợ Hoa Kỳ tấn công al-Qaeda.
Ngoài ra Iran sẵn sàng chứng minh sự minh bạch trong chương trình hạt nhân, ngừng hỗ trợ cho các nhóm vũ trang Palestine, gây áp lực với Hezbollah để trở thành một tổ chức chính trị thuần túy ở Lebanon.
Và quan trọng nhất là Iran công nhận hai khái niệm nhà nước cho Israel-Palestine được đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab diễn ra tại Beirut.
Từ các tài liệu thu được từ nơi cư trú của thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden tại Abbottabad cho thấy nhiều thành viên của nhóm đã cố gắng chạy trốn sang Iran sau khi Hoa Kỳ tấn công Afghanistan.
Đa phần chúng đã bị quân đội và tình báo Iran bắt giữ. Đến tháng 4/2003, Iran đã bắt được một số thành viên cao cấp nhất của al-Qaeda.
Trên thực tế, khi phân tích chi tiết các hồ sơ của Osama bin Laden bởi Trung tâm chống khủng bố (CTC) của West Point cho thấy, mối quan hệ giữa al Qaeda và Iran luôn đối nghịch nhau.
Sự hiện diện của al-Qaeda ở Iran chỉ được đại diện bởi các tù nhân. Với việc al-Qaeda hoạt động mạnh ở các quốc gia lân cận, Iran giam giữ thành viên al-Qaeda thể hiện sự răn đe chống lại các cuộc tấn công khủng bố trong tương lai.
Cuộc tấn công vào tháng 2 của cchi nhánh al-Qaeda tại Iran nhằm vào Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc rằng Iran đang trở thành một thiên đường cho các nhóm cực đoan.
Để chống lại chúng, Iran đã triển khai dân quân đến các chiến trường Syria và Iraq, hy sinh đáng kể trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS). Những đóng góp này nên được coi là một yếu tố quan trọng trong việc đánh bại al-Qaeda và các phân nhánh ở cả hai quốc gia.
Nhưng các nhân vật "diều hâu" như cựu giám đốc CIA và Bộ trưởng Ngoại giao hiện tại của chính quyền Trump, ông Mike Pompeo vẫn khẳng định rằng mối quan hệ tồn tại giữa Iran và al-Qaeda.
Điều này không gây ngạc nhiên, vì những tuyên bố như thế này là một yếu tố chính trong các chiến dịch tuyên truyền trước khi chiến tranh xâm lược nổ ra.
Lực lượng đặc biệt của Hezbollah Lebanon (Iran hậu thuẫn) trong một cuộc phục kích thành viên IS tại Syria năm 2018.
Nếu Mỹ tấn công Iran, al-Qaeda là kẻ sẽ "vỗ tay" đầu tiên khi Trung Đông "bùng cháy"
Cần phải xem xét vấn đề ở khía cạnh Iran là một quốc gia Hồi giáo bảo thủ trong một khu vực tràn ngập chủ nghĩa cấp tiến. Bất kỳ hành động quân sự nào được thực hiện bởi Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của họ chống lại Tehran có thể sẽ trở thành một sai lầm nghiêm trọng.
Thêm nữa, một chiến dịch quân sự của Mỹ chống lại Iran sẽ chỉ thành công với cái giá phải trả rất đắt.
Lực lượng vũ trang Iran được tổ chức và trang bị tốt hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Thông qua việc sử dụng các tên lửa tầm trung, Iran có thể tấn công một cách hiệu quả các cơ sở của Mỹ ở Iraq, Kuwait, Afghanistan, Qatar, Bahrain và các quốc gia ở Vịnh Ba Tư.
Đó là chưa kể tới hàng trăm nghìn dân quân thân Iran đang hoạt động khắp khu vực.
Dân quân người Afghanistan tham chiến tại Syria được Iran vũ trang và chỉ huy.
Các tàu hải quân Mỹ cũng có thể sẽ bị phá hủy hoặc hư hỏng bởi tên lửa chống hạm hiện đại của Iran.
Có thể Hoa Kỳ sẽ hủy diệt các hệ thống phòng không của Iran, nhanh chóng lật đổ Tehran. Tuy nhiên, tương lai chiếm đóng và giữ ổn định một quốc gia có dân số và đất đai vượt xa Iraq sẽ là một "lời cảnh báo".
Người Mỹ đã phải bỏ ra chi phí quân sự ước tính 2.000 tỷ USD và một thập kỷ chiếm đóng nhưng Iraq vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn.
Vậy một quốc gia gấp hơn ba lần về kích thước, với địa hình không kém phần đa dạng và các xung đột dân tộc và tôn giáo âm ỉ có phải là một "bài toán dễ giải"?
Chính phủ Iran mặc dù không hoàn hảo nhưng vẫn duy trì sự cân bằng giữa Hồi giáo Shia và Sunni ở nước này.
Dưới sự hỗn loạn của chiến tranh và sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài, sự bùng nổ của chiến tranh giữa các giáo phái như ở Iraq là một khả năng có thể thấy trước bởi mong muốn "hủy diệt" người Shia của al-Qaeda và IS đang ẩn náu và chờ đợi ở các nước láng giềng.
Như với tất cả các chiến dịch quân sự do Hoa Kỳ thực hiện trong Chiến tranh toàn cầu chống khủng bố, kẻ chiến thắng sau cùng sẽ là các thành viên al-Qaeda.
Chúng đã tìm cách đưa lực lượng Hoa Kỳ sa lầy ở Trung Đông với mục đích tiến hành một cuộc chiến tranh tài chính dẫn đến sự bất ổn trong chính nội bộ Hoa Kỳ.
Chắc chắn khi chiến sự nổ ra, ở dưới địa ngục Osama Binladen sẽ rất thích thú khi quan sát Hoa Kỳ lật đổ một kẻ thù khác của al-Qaeda. Hắn cũng sẽ khoái trá khi lực lượng chiếm đóng Hoa Kỳ kích hoạt một cuộc chiến tranh tôn giáo mới với hàng triệu người Iran tham chiến.
23 thành viên IRGC Iran bị sát hại trong một vụ đánh bom có liên quan tới IS và al-Qaeda tại Iran vào tháng 2.