Tối 11/9, Chi bộ Ban Tuyên giáo TƯ Đoàn phối hợp với Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức sinh hoạt truyền thống, trải nghiệm chương trình “Đêm thiêng liêng – Ngời sáng tinh thần Việt”.
Các đại biểu tham quan nhà tù Hỏa Lò
Chương trình bắt đầu lúc 19h. Trước khi vào chương trình trải nghiệm, các đại biểu được mời thưởng thức trà vối, một đặc sản mà theo giới thiệu của hướng dẫn viên là “năm xưa chính các tù nhân nhà tù Hỏa Lò cũng uống trà vối như thế này”.
Mỗi người được phát một bộ tai nghe. Theo giải thích, do bên trong Nhà tù Hỏa Lò có các phòng tường dày, cách âm, nên nếu không có tai nghe, rất khó để nghe hướng dẫn viên thuyết minh. Ngoài ra, bên cạnh tiếng thuyết minh, Nhà tù Hỏa Lò còn có âm thanh tái hiện, mô phỏng những âm thanh như tiếng hét, tiếng mở cửa tù, tiếng kêu la…
Mô hình mô phỏng tù nhân trong khu Ngục tối
Cùm chân nguyên bản còn được lưu giữ trong khu Ngục tối tại Nhà tù Hỏa Lò
Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng năm 1896, trên đất làng Phụ Khánh vốn thuộc tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Theo hướng dẫn viên, Phụ Khánh nguyên là hai thôn Nguyên Khánh và Nam Phụ hợp nhất và đến thế kỷ XIX, làng Phụ Khánh là nơi duy nhất ở kinh thành Thăng Long có nghề thủ công truyền thống, chuyên làm các loại đồ gia dụng như: siêu, ấm, bếp lò bằng đất nung nên còn có tên Nôm là làng Hỏa Lò.
Khi thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội, chúng đã cho di chuyển toàn bộ dân làng cùng những ngôi đình, chùa cổ kính của làng Phụ Khánh đi nơi khác, như chùa Chân Tiên, đình Phụ Khánh dời xuống cuối phố Bà Triệu ngày nay, còn các chùa Bích Thư, Bích Họa thì bị phá hủy hoàn toàn.
Thực dân Pháp đã lấy toàn bộ đất làng xây dựng nhà tù, Tòa án và Sở Mật thám, tạo thành một hệ thống chuyên chế liên hoàn phục vụ đắc lực cho việc cai trị và đàn áp các phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam.
Hướng dẫn viên giới thiệu về khu sân của Nhà tù Hỏa Lò, nơi có cây bàng - nhiều tù nhân từng ăn quả bàng, lấy lá nấu nước uống; và giới thiệu về cuộc vượt ngục năm 1945
Nhà tù Hỏa Lò có tổng diện tích 12.908m2, là một trong những nhà tù lớn và kiên cố vào bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Kể từ năm 1896, người dân Hà Nội nói riêng, người dân Việt Nam nói chung đã vĩnh viễn mất đi một ngôi làng cổ có nghề thủ công truyền thống lâu đời.
Theo bản thiết kế đã được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt ngày 27/4/1896, Nhà tù Hỏa Lò gồm các hạng mục: Một nhà dùng cho việc canh gác; Hai nhà dùng làm bệnh xá; Một nhà dùng làm nhà thương bố thí; Hai nhà dùng để giam bị can; Một nhà dùng để làm phân xưởng; Năm nhà dùng để giam tù nhân. Bao quanh nhà tù là một bức tường đá kiên cố, cao 5m, dày 0,5m, trên cắm mảnh chai và chăng dây kẽm gai.
Dưới chân tường phía bên trong là đường tuần tra rộng hơn 2m. Bốn góc nhà tù là 4 tháp canh, từ đây có thể quan sát được toàn bộ phía trong và xung quanh phía ngoài nhà tù. Nguyên vật liệu được thực dân Pháp lựa chọn để đưa vào xây dựng có những yêu cầu rất cao về chất lượng với mục đích biến nơi đây thành một nơi giam giữ rất kiên cố, tù nhân không thể trốn thoát bằng bất cứ hình thức nào.
Hệ thống các phòng giam tại Nhà tù Hỏa Lò có diện tích khác nhau nhưng đều theo một thiết kế chung: nhà lợp ngói, tường xây rất kiên cố, quét vôi màu xám, cửa sổ được trổ sát mái khiến các phòng giam tối tăm, ngột ngạt.
Thùng phân lưu động được đặt ngay trong phòng giam, hàng ngày có hàng chục lượt người đi vệ sinh, nhiều ngày không được dọn, chất thải đầy, tràn cả ra ngoài gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tại Nhà tù Hỏa Lò còn có những khu giam “đặc biệt”, đó là cachot (ngục tối) và xà lim tử hình.
Tù nhân ở Nhà tù Hỏa Lò phải làm rất nhiều loại lao dịch, các công việc thường phải làm bao gồm: phục vụ các công sở bên ngoài, đi lao động đắp đê, duy tu đường xá, dọn bể chứa phân bên trong nhà tù… Tù nhân buộc phải lao động hết sức mình, vì hiệu suất công việc sẽ gắn với từng bữa ăn của họ, tù nhân sẽ không nhận được thức ăn nếu như không hoàn thành công việc được giao.
Tù nhân còn bị những hình phạt do nhà tù quy định như: bị giam vào ngục tối, bị xích bằng cùm đôi và nhốt lại sau bữa ăn tối, bị xích trong đêm, bị cưỡng chế lao động nặng nhọc…
Chế độ giam cầm hà khắc, lao dịch nặng nề, môi trường sống thiếu vệ sinh, chế độ ăn uống kham khổ đã nhanh chóng vắt kiệt sức lực của tù nhân, nhiều người đã chết tại Nhà tù khi chưa hết thời hạn bị giam giữ.
Đoàn đại biểu lần lượt được giới thiệu qua các khu của Nhà tù Hỏa Lò. Đặc biệt, tại khu Ngục tối (cachot), đại biểu được chứng kiến buồng giam những người bị trừng phạt vì vi phạm nội quy của nhà tù.
Đây được mệnh danh là “Địa ngục của địa ngục”, phòng giam chật hẹp, tối tăm. Tại đây, người tù bị nhốt biệt lập, bị cùm trong đêm, phải ăn, ngủ, vệ sinh tại chỗ. Người tù bị giam ở Cachot chỉ sau một thời gian ngắn là bị phù nề, mắt mờ, ghẻ lở đầy người do thiếu vệ sinh, ánh sáng và cả dưỡng khí. Năm 1932, Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trường Chinh đã bị phạt giam tại đây sau khi lãnh đạo tù chính trị tổ chức cuộc mít tinh trong tù để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5…
Mô hình mô phỏng trong Nhà tù Hỏa Lò
Tại Nhà tù Hỏa Lò, phải trực tiếp đương đầu với bộ máy cai trị của chính quyền thực dân Pháp, các chiến sỹ yêu nước, cách mạng, tiêu biểu là các chiến sỹ cộng sản đã nêu cao ý chí chiến đấu và tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh. Họ đã kiên quyết, khôn khéo, sáng tạo trong việc thành lập các tổ chức và tập hợp quần chúng đấu tranh phản đối chế độ giam giữ hà khắc, lao dịch nặng nề, sinh hoạt kham khổ, thiếu thốn.
Tận dụng những thời gian rảnh rỗi, anh em tù nhân tranh thủ học và dạy nhau học tập, nhiều lớp học được tổ chức ngay trong các phòng giam. Nhờ tinh thần tự giác học tập, rèn luyện và sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, đồng chí, của các tổ chức Đảng, đoàn thể, nhiều chiến sỹ cách mạng đã trưởng thành về lý luận chính trị, rèn luyện thêm về phẩm chất đạo đức và tích lũy được nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm đấu tranh.
Tranh thủ những lúc được ra sân, tù nhân nhặt những mẩu gạch non và than củi giấu trong người, đem về phòng giam dùng thay phấn để viết, lấy sàn nhà hay tường của phòng giam làm bảng. Họ còn tự tạo ra những chiếc bút mà quản bút được làm từ cành bàng khô, ngòi bút là nụ hoa ăng ti gôn, mực viết là thuốc xanhmêtilen xin ở trạm xá nhà tù…
Máy chém được trưng bày trong Nhà tù Hỏa Lo
Một đại biểu đọc thông tin giới thiệu tại Nhà tù Hỏa Lò
Vào tháng 3/1945, lợi dụng cơ hội Nhật đảo chính Pháp, nhận định đây là thời cơ có một không hai để thoát ra khỏi nhà tù, hơn 100 tù chính trị đã tìm cách chui qua cửa cống để vượt ngục. Sau khi trốn thoát, họ đã nhanh chóng tỏa về khắp các địa phương trong cả nước, bắt liên lạc lại với tổ chức, tham gia và lãnh đạo nhân dân kháng Nhật và khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945…
Tại cuộc trải nghiệm, đoàn đại biểu cũng được nghe về tấm gương dũng cảm của chị Nguyễn Thị Quang Thái; xem tiểu cảnh về tấm gương anh dũng của anh Nguyễn Văn Cảnh tại khu Xà lim tử hình; làm lễ tưởng niệm tại đài tưởng niệm trong khuôn viên Nhà tù Hỏa Lò.
Nước trà và thạch nấu từ lá bàng của Nhà tù Hỏa Lò
Kết thúc chương trình, đoàn đại biểu được trải nghiệm uống trà lá bàng, ăn hạt bàng, thạch làm từ lá bàng… Đây đều là các sản phẩm của Nhà tù Hỏa Lò, với mong muốn du khách trải nghiệm một phần cảm giác của thế hệ cha ông ngày xưa trong Nhà tù Hỏa Lò.
Theo anh Nguyễn Thái An, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, chương trình “Đêm thiêng liêng – Ngời sáng tinh thần Việt” thực sự ấn tượng, đã góp phần giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về công lao của các thế hệ đi trước, những vất vả, hy sinh gian khổ của những tù nhân chính trị xưa ở nhà tù Hỏa Lò, giúp bồi đắp tinh thần yêu nước, yêu quê hương, trân trọng giá trị của độc lập, tự do, hòa bình.