Bài toán đầu ra luôn làm đau đầu rất nhiều nông dân Việt. Tại tỉnh Bến Tre, thủ phủ của trái dừa, nơi chiếm đến hơn 40% tổng diện tích trồng dừa của Việt Nam, tình hình cũng không khả quan hơn.
Có những thời điểm giá dừa xuống còn 10.000-12000/chục, chi phí thu về không đủ bù đắp nguồn vốn và công sức bỏ ra, hàng ngàn hộ nông dân ngậm ngùi khi 5.000m2 trồng dừa không bằng thu nhập một lao động làm trong khu công nghiệp.
Nhưng nay với rất nhiều hộ, câu chuyện đã khác. Từ khi một công ty tư nhân đứng ra hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu hữa cơ, người nông dân được hỗ trợ vật tư trồng trọt như phân bón, thuốc trừ sâu; tập huấn kĩ thuật canh tác để sản xuất dừa theo phương pháp “sạch”.
Sản phẩm trái dừa được thu mua tận vườn theo giá cả thị trường, nhưng thấp nhất là 50.000 đồng/chục, không còn tình trạng bị thương lái chèn ép.
Công ty được nhắc đến chính là Betrimex, một thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), và dừa tươi mua từ nông dân sẽ được dùng để chế biến dòng sản phẩm nước dừa đóng hộp Cocoxim, vốn xuất hiện trên thị trường từ hơn 1 năm trước.
Betrimex và chuyện sản xuất nước dừa tươi
Thật ra Betrimex là cái tên khá lâu đời trên thị trường kinh doanh các sản phẩm từ cây dừa. Với hơn 40 năm kinh nghiệm, công ty CP XNK Bến Tre (Betrimex), thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) từng được biết đến với các dòng sản phẩm đa dạng như cơm dừa sấy khô, than dừa, lưới và chỉ sơ dừa…
Tuy nhiên vì chỉ dừng lại ở các sản phẩm này nên công ty đã bỏ qua một phụ phẩm dồi dào là nước dừa. Thông thường, sau khi chế biến, nước dừa được gom vào các thùng lớn, bán lại trên thị trường để nấu ăn hay làm thạch. Vì là phụ phẩm nên giá cả tương đối thấp, có thời điểm một can nước dừa 30 lít chỉ bán được với giá 5.000 đồng.
Trong khi đó, nước dừa là sản phẩm giải khát được ưa chuộng trên thế giới. Từ năm 2008 đến 2013, sản lượng tiêu thụ nước dừa đã tăng gấp đôi, từ 51 triệu lít lên 116 triệu lít.
Tại Brazil, nước dừa là loại đồ uống phổ biến nhất trong vòng 400 năm qua, còn tại một số quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… doanh thu từ tiêu thụ nước dừa lên tới hàng trăm triệu đô la mỗi năm.
Yếu tố này đã thôi thúc Betrimex đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nước dừa đóng hộp với công suất lên tới 37 triệu lít sản phẩm/năm.
Bà Châu Kim Yến, tổng giám đốc Betrimex từng thừa nhận: “Tính ra giá trị của nước dừa đã tăng tới gần 300 lần so với trước đây”.
Sau 1 năm cho ra mắt, sản phẩm nước dừa Cocoxim của Betrimex đã đến tay người tiêu dùng Việt thông qua hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Mức giá được cho là khá “vừa túi tiền”: 13.000/ hộp 330ml.
Chị Vũ Vân, một khách hàng tại khu vực Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Mình đã thử cả 4 dòng sản phẩm nước dừa đóng hộp của Cocoxim thì thấy khá ổn. Hương vị giống dừa tươi đến 80%, 20% còn lại là do có trộn thêm một số vị nữa để tạo thành Dừa xiêm Tắc, Dừa xiêm Dứa...”.
Anh Văn Đàm, một khách nam ở quận Cầu Giấy thì nhận xét: "Nước dừa đóng hộp khá tiện lợi khi mang đi chơi xa, cũng dễ tìm ở siêu thị. Gọn nhẹ hơn nhiều so với dừa tươi và không phải lo chuyện chặt lấy nước. Nhà tôi cho trẻ con uống thay hoàn toàn nước ngọt có ga".
Không phải là đơn vị đầu tiên đem nước dừa đi đóng gói
Betrimex không phải là cái tên đầu tiên bước chân vào lĩnh vựa sản xuất nước dừa. Cách đây 4 năm, hai công ty của Việt Nam là Lương Quới (công ty TNHH chế biến dừa Lương Qưới) và Delta (Công ty cổ phần thương mại và sản xuất Delta Việt Nam) đã tham gia vào thị trường chế biến nước dừa tươi. Hai năm sau, Betrimex mới vào cuộc.
Tuy nhiên, nếu hai công ty đi trước sản xuất nước dừa dưới dạng đóng lon thì Betrimex chọn hình thức hộp giấy với nắp vận phía trên. Theo đại diện Betrimex, đây là công nghệ tiệt trùng UHT (untra high temperature) từ công ty Tetra Pak (Thụy Điển), cho phép giữ nguyên hương vị tươi ngon của nước dừa mà không cần đến sự can thiệp của chất bảo quản hay chất tạo màu.
Ngoài ra, chất lượng dừa Bến Tre được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội so với mặt bằng chung của thế giới.
“Sản phẩm nước dừa đóng hộp Cocoxim có đủ chứng nhận về chất lượng để có thể xuất khẩu vào bất cứ quốc gia nào trên thế giới”, bà Châu Kim Yến khẳng định. Hiện sản phẩm này đã xuất khẩu ra hơn 40 thị trường nước ngoài, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Trong tương lai, Betrimex định hướng 30-35% sản phẩm làm ra dành cho tiêu thụ nội địa, còn lại sẽ dành để xuất khẩu. Sản phẩm hiện đã lên kệ Alibaba, sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Còn ai dám nói nước dừa chỉ là phụ phẩm?