Ẩn số Iran ở chiến trường Syria: Nếu Ankara đi quá đà, Tehran liệu có "nóng mắt-tất tay"?

Hoài Giang |

Trong những lúc "nước sôi lửa bỏng" ở Idlib trước đây, Iran đã tỏ ra kiềm chế. Nhưng nếu "lợi ích cốt lõi" của họ ở Syria tiếp tục bị Thổ cản trở họ chắc chắn sẽ "ra tay".

Gần đây, tổ chức phân tích Atlantic Council (Hội đồng Đại Tây Dương) xuất bản bài viết: "Idlib is a stress test for Iranian-Turkish relations" (tạm dịch: Chiến sự Idlib là một thử thách "cân não" cho mối quan hệ giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ) của các tác giả Sina Azodi and Giorgio Cafiero.

Nhằm đem lại cái nhìn khách quan trong bối cảnh Nga đã ra "tối hậu thư" cho phiến quân phải rút khỏi khu vực phía nam cao tốc M4 trước cuối tháng 3, nếu không sẽ phải đối mặt với đợt tấn công mới, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Tehran trước "bàn cân" quan hệ với Damascus và Ankara

Khó có thể phủ nhận việc Iran đã nỗ lực để "chống đỡ" chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad trong suốt cuộc chiến 9 năm qua tại Syria. Tehran đã đổ máu và số tiền khổng lồ để hỗ trợ đồng minh chiến lược lâu dài của mình ở Trung Đông.

Theo các ràng buộc 3 bên giữa Nga-Thổ-Iran trước đây, lực lượng Iran chủ yếu đóng quân ở ngoài khu vực tỉnh Idlib. Nhưng kể từ đầu năm 2020 Tehran đã nhanh chóng tập trung hơn vào khu vực tây bắc Syria, nằm dọc biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay sau cái chết của Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) do máy bay không người lái của Mỹ tấn công tại Iraq ngày 3/1, Iran ngày càng không che giấu việc can thiệp vào chiến sự ở Idlib.

Nhiều nguồn tin cho biết khoảng 400 đến 800 tay súng từ Liwa al-Fatemiyoun, một nhóm dân quân Hồi giáo Shia Afghanistan do Iran tài trợ, đã tập trung tại tây bắc Syria vào cuối tháng 1/2020.

Ẩn số Iran ở chiến trường Syria: Nếu Ankara đi quá đà, Tehran liệu có nóng mắt-tất tay? - Ảnh 1.

Các tay súng thuộc nhóm dân quân Liwa al-Fatemiyoun tại Syria.

Có thể nói hành động của Iran ở Idlib là một phần của các biện pháp trả đũa nhằm vào Washington trong khu vực, bao gồm việc bảo vệ Israel khỏi các nhóm vũ trang thân Tehran .

Ngoài ra, sự có mặt của các dân quân Shia cũng sẽ tăng ưu thế quân sự nhằm đem lại chiến thắng chung cuộc ở Idlib và khẳng định ảnh hưởng của Iran ở Syria trong thời kỳ "hậu Soleimani".

Các cuộc không kích khiến các tay súng Hezbollah thiệt mạng của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) trong hoạt động quân sự nhằm vào Quân đội Arab Syria (SAA) tại Idlib vào ngày 28/2 đã đặt Tehran trước tình tế nan giải khi phải đặt lên "bàn cân" quan hệ với cả Damascus và Ankara.

Ẩn số Iran ở chiến trường Syria: Nếu Ankara đi quá đà, Tehran liệu có nóng mắt-tất tay? - Ảnh 2.

Vào đầu tháng 3/2020, lực lượng IRGC Iran được cho là đã chuyển chỉ huy sở từ Damascus tới Aleppo do lo ngại các cuộc không kích của máy bay Israel và Mỹ.

Cuộc "quyết chiến" ở Idlib của Iran và Thổ?

Tehran muốn đạt được cả hai mục tiêu là Damascus chiến thắng trên chiến trường Syria và duy trì mối quan hệ tương đối tích cực giữa Iran và Thổ (quan hệ với Ankara rất quan trọng, đặc biệt là để "đối phó" với các biện pháp bao vây và gây sức ép của Mỹ đối với họ).

Tuy nhiên, việc duy trì "sự cân bằng" này ngày càng khó khăn cho Iran, đặc biệt là liên quan tới các sự kiện diễn ra ở Idlib. Bất chấp căng thẳng chính trị với Tehran, từ lâu, Ankara đã cố gắng duy trì "mối quan hệ thân mật" với Iran, chủ yếu vì lý do kinh tế.

Khi các lệnh trừng phạt của Mỹ gia tăng, nhiều người Iran đã phải tính đến việc mua bất động sản ở Thổ như một "Kế hoạch B", mỗi năm có tới hàng nghìn người Iran đã du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ (trước khi dịch COVID-19 nổ ra) đóng góp đáng kể cho ngành du lịch của quốc gia này.

Căng thẳng tăng cao tới mức nghiêm trọng với Iran có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, nơi cũng đang hứng chịu ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu.

Vào ngày 1/3, Trung tâm Tư vấn Quân sự của Iran (MAC), một đơn vị trực thuộc IRGC chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động của Iran tại Syria, đã bị TAF tấn công ở tây bắc Syria.

Phản ứng lại, MAC đã lên án Thổ vì ủng hộ các nhóm vũ trang Idlib bị Iran liệt vào danh sách khủng bố như Hayyat Tahrir al-Sham (HTS) và Đảng Hồi giáo Turkestani (TIP), kêu gọi Ankara "hành động khôn ngoan" ở Idlib và thực hiện các động thái phục vụ lợi ích của người dân Syria,

MAC cũng tuyên bố rằng Iran sẽ giúp SAA bảo vệ cao tốc M5 trước "kẻ địch " và đồng thời cảnh báo rằng các lực lượng Iran ở Idlib có đầy đủ khả năng trả đũa TAF nếu Ankara tiếp tục các hoạt động quân sự nhằm vào SAA.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong một tuyên bố đã nhấn mạnh rằng Tehran quyết tâm theo đuổi "quá trình Astana" (một loạt nỗ lực của Nga-Thổ-Iran nhằm chấm dứt chiến tranh ở Syria thông qua biện pháp ngoại giao).

Cả Tehran và Moscow đều công nhận rằng việc hợp tác với Ankara là điều cần thiết vì Thổ có đường biên giới dài với Syria và quan hệ với các nhóm chống chính phủ (có thể là "hòn đá ngáng đường cho các kế hoạch của Iran và Nga ở Syria).

Mối lo ngại lớn đối với Tehran là các sự kiện gần đây ở Idlib đang đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi "tiến trình Astana" và đẩy họ tới gần hơn với Mỹ, NATO và Israel.

Cuộc không kích khiến hàng chục binh lính TAF thiệt mạng vào ngày 27/2 chỉ làm tăng thêm mối lo ngại rằng tiến trình này đang sụp đổ.

Các chính trị gia Mỹ hiện đang tranh luận với nhau về việc có nên bán hệ thống phòng không Patriot để TAF có thể bổ sung năng lực phòng không hay không (trớ trêu thay, trước đó Ankara đã từng đối đầu với Washington về vấn đề mua sắm hệ thống phòng không S-400 từ Moscow).

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) khai hỏa hệ thống pháo phản lực tầm xa T-300 trong hoạt động quân sự tại tỉnh Idlib, Syria.

Vai trò của người Nga trong mối quan hệ Iran-Thổ Nhĩ Kỳ

Tình thế hiện tại ở Idlib sẽ tác động đến mối quan hệ đối tác giữa Iran với Nga ra sao?

Năm 2019, khi SAA với hậu thuẫn của Nga liên tục giành lại các vùng lãnh thổ Syria do đối phương kiểm soát thì các chuyên gia đã nổ ra một cuộc tranh luận về cách thức và thời điểm bùng nổ "xung đột lợi ích" giữa Tehran và Moscow khi chiến tranh Syria dần đi vào hồi kết.

Đầu năm 2020, các quan chức Iran đã tỏ rõ sự thất vọng với Điện Kremlin vì "mối quan hệ vụng trộm (với Thổ)" trong mắt của Tehran và không thể bảo vệ SAA khỏi các cuộc tấn công của TAF ở Idlib.

Thỏa thuận Moscow được Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Erdogan ký vào ngày 5/3 hiện đã trở thành "hệ thống phanh" trước tế bế tắc quân sự của cả hai phía ở Idlib, niềm tin của Iran đối với mối quan hệ đối tác với Nga có thể được khôi phục phần nào.

Metin Gurcan, một nhà phân tích Thổ khẳng định rằng Thỏa thuận Moscow chỉ "tạm dừng" đối đầu chứ không phải là một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng ở Idlib.

Một khi giao tranh trở lại, những tình huống khó xử lớn hơn sẽ xảy ra đối với cả Ankara, Damascus, Moscow và Tehran. Trong hoàn cảnh như vậy, cách Syria "định vị" mình giữa Iran và Nga sẽ khó dự đoán.

Mặc dù Damascus đã liên tục tìm cách cân bằng mối quan hệ với Iran và Nga (để mình không trở thành một "con rối") vòng xoáy chiến sự Idlib tiếp theo có thể đẩy họ đến gần Iran hơn tùy thuộc vào Nga có thể hoặc sẽ làm gì để khiến TAF ngừng các cuộc tấn công vào SAA.

Ẩn số Iran ở chiến trường Syria: Nếu Ankara đi quá đà, Tehran liệu có nóng mắt-tất tay? - Ảnh 5.

Một tay súng được cho là lính Nga đeo phù hiệu của lực lượng Hezbollah tại Idlib.

Con đường phía trước

Ở thời điểm đụng độ ác liệt giữa TAF và SAA tại Idlib trong tháng 2/2020, Tehran đã thể hiện sự kiềm chế, tuy nhiên không có gì đảm bảo họ sẽ không thực hiện các biện pháp bổ sung nếu Thổ quyết tâm cản trở "lợi ích cốt lõi" ở Syria.

Tehran đã công khai phản đối các chiến dịch quân sự trước đây của Ankara ở miền bắc Syria như chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" năm 2019 và "Cành Olive" năm 2018 và hiện tại vẫn tiếp tục lên án các hoạt động quân sự của TAF ở Idlib.

Nói cách khác, các lãnh đạo Iran muốn tất cả các bên tham chiến, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra tôn trọng và công nhận vai trò của họ ở Idlib.

Trong khi Tehran muốn "tối đa hóa" thắng lợi của Damascus và loại bỏ các nhóm vũ trang đối địch với SAA thì Ankara đã thể hiện khả năng "hà hơi thổi ngạt" cho phe đối lập Syria bằng cách làm khó khăn hơn cho hoạt động quân sự của SAA.

Các chuyên gia đang quan sát quá trình thực thi Thỏa thuận Moscow để thấy cách Iran và Thổ giải quyết "mâu thuẫn" tại Idlib.

Trong thời gian tới, một "trận đánh cuối cùng" sau khi lệnh ngừng bắn ở Idlib sụp đổ sẽ khẳng định Damascus mới là chủ nhân đất nước, điều mà Ankara có thể coi là một thảm họa với hàng trăm nghìn người tị nạn gần biên giới.

Những gì xảy ra ở Idlib từ đầu năm đến nay đã đặt Iran và Thổ vào tình huống cực kỳ khó khăn.

Một mặt, sau khi đổ tiền của và cả máu vào Syria, Tehran không thể "ngồi yên" khi Ankara thu thập "chiến lợi phẩm" ở miền bắc Syria, mặt khác, họ cũng không muốn "lưỡng đầu thọ địch" với Thổ Nhĩ Kỳ về phe Mỹ (và NATO, Israel).

Không nghi ngờ gì về việc phải đối mặt với một thách thức lớn ở tây bắc Syria, Tehran sẽ phải hành động nhưng thận trọng nhằm giúp duy trì mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, khi cả hai nước đã đầu tư vào việc tiếp tục hợp tác trong nhiều lĩnh vực tương đồng về lợi ích.

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ cầu nguyện trước khi tham chiến tại tây bắc Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại