Europa là một trong 4 mặt trăng Galilean của Sao Mộc, bên cạnh mặt trăng núi lửa Io, mặt trăng to hơn hành tinh Ganymede và "mặt trăng màu tím" Calisto. Europa được biết đến như một "mặt trăng sự sống ", không phải sự sống đã tuyệt chủng như Sao Hỏa mà là sự sống đang tồn tại.
Đêm 26-9, hành tinh mẹ của nó - Sao Mộc - sẽ đến gần Trái Đất nhất trong 59 năm với khoảng cách hơn 590 triệu km theo tính toán của NASA, nhờ 2 hiện tượng trùng lặp. Một là Sao Mộc đang đi vào điểm xung đối, tức nó và Mặt Trời đối xứng qua tâm là Trái Đất trên một đường thẳng. Hai là quỹ đạo elip của Sao Mộc và Trái Đất vô tình đẩy chúng lại gần nhau nhất.
4 mặt trăng Galilean của Sao Mộc, từ trên xuống: Ganymede, Calisto, Europa và Io - Ảnh: NASA/ASTRONOMY
Thông thường nếu thời tiết tốt, bầu trời không bị bao phủ bởi mây mù, bạn luôn có thể nhìn thấy Sao Mộc bằng mắt thường dưới ánh sáng màu vàng trắng, bởi nó quá khổng lồ, khối lượng gấp 318 lần Trái Đất.
Ngoạn mục hơn, mỗi khi Sao Mộc đi vào điểm xung đối, nó sẽ khoe 4 mặt trăng Galilean trước mắt người Trái Đất. Nhưng vì quá xa, bạn sẽ cần một chiếc ống nhòm đủ tốt để quan sát, tốt nhất là loại có giá đỡ vì bạn sẽ cần giữ yên nó.
Đó đã là một dịp may hiếm thấy, vì thường các mặt trăng này chỉ có thể được quan sát bằng kính thiên văn. Sao Mộc gần nhất trong 59 năm cũng đồng nghĩa 4 mặt trăng này sẽ hiện rõ nhất trong 59 năm.
Cách để quan sát chúng cũng tương đồng cách quan sát các thiên thể nói chung: Tốt nhất nên chọn nơi thoáng đãng, nhìn được một khoảng trời rộng ví dụ trên sân thượng. Để mắt làm quen với bóng tối một lúc và tìm Sao Mộc trên trời. Tùy vào giờ quan sát, nó sẽ nằm ở các vị trí khác nhau nhưng nhìn chung đều thấy rõ bằng mắt thường.
Phóng tầm nhìn của ống nhòm về phía hành tinh khổng lồ, bạn có thể nhìn thấy 3-4 mặt trăng Galilean.
Trở lại với Europa, dấu hiệu rõ ràng của oxy, nước và các chất hóa học cần thiết cho sự sống khác đã từng được xác định trên thiên thể này bởi hai tàu vũ trụ thăm dò Sao Mộc Galieo và Juno. Galileo (phóng vào năm 1989) là kẻ may mắn đầu tiên khi... bị hơi nước phun thẳng vào khi bay ngang mặt trăng sự sống này.
Kết cấu của Europa như một "Trái Đất ngược đời", nơi thế giới sống được tồn tại bên dưới lớp vỏ thay vì phía trên, nhưng các yếu tố phù hợp cho sự sống thì tương tự - Ảnh:
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy các bằng chứng rằng mặt trăng này sống được vì sở hữu đại dương ngầm ở vỏ băng, nơi nước ấm áp và có hệ thống thủy nhiệt y hệt ở Hawaii hay Nam Cực, "suối nguồn sự sống" của Trái Đất. Khác biệt duy nhất là nó giống một "Trái Đất ngược đời" bởi thế giới sống được nằm bên dưới lớp vỏ thay vì bên trên.
Gần đây nhất, nghiên cứu từ Trường Đại học Texas tại Austin - Mỹ cho rằng sự sống vẫn đang tồn tại ở nơi này.
Với niềm tin tương tự, hai cơ quan vũ trụ lớn nhất thế giới là NASA và ESA (cơ quan vũ trụ của Mỹ và châu Âu) đều có kế hoạch gửi tàu thám hiểm hạ cánh trực tiếp trên Europa, mà sớm nhất là Europa Clipper của NASA (dự kiến phóng năm 2024), mang theo radar xuyên băng và một đàn robot siêu nhỏ tìm cách đục vỏ băng chui xuống đại dương ngầm săn sự sống.