Nhà Minh - một triều đại kéo dài gần 300 năm ở Trung Quốc, với nhiều vị hoàng đế tài giỏi đã để lại cho hậu thế những công trình còn lưu giữ đến tận ngày nay, bao gồm Tử Cấm Thành, Vạn Lý Trường Thành (trùng tu, gia cố những đoạn hư hỏng).
Là một trong những vị hoàng đế trị vì lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc, Minh Thế Tông Gia Tĩnh Đế (trị vì 1521-1567) - hoàng đế thứ 12 của nhà Minh cũng có nhiều công sức đóng góp chấn hưng Đại Minh.
Sử gia sau này đánh giá rất cao giai đoạn Gia Tĩnh trung hưng, thời kỳ mà Gia Tĩnh Đế đã thực hiện một loạt chính sách kinh tế, cải cách thuế... nhờ đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế lúc bấy giờ, giảm bớt gánh nặng và khôi phục lại sức mạnh quốc gia. Dân chúng nhờ đó được ấm no, hạnh phúc. Ở một mức độ nhất định, những xung đột giai cấp và xã hội vốn đã căng thẳng đã được xoa dịu.
Biến trong đêm
Tuy nhiên, những năm cuối trên ngai vàng, Gia Tĩnh Đế dần dần bỏ bê triều chính, ham vui và làm nhiều việc khiến quan trong triều và hậu cung "dậy sóng".
Đỉnh điểm của sự nổi loạn này là một sự việc vô tiền khoáng hậu trong lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc.
"Sử ký nhà Minh" ghi rằng, vào một đêm muộn năm Gia Tĩnh thứ 21 (tức năm 1542), một sự việc khó tin đã xảy ra ở Tử Cấm Thành: Khi ấy, bốn bề yên tĩnh, Hoàng đế Gia Tĩnh đang say giấc, một bóng người lặng lẽ tiến đến gần hoàng đế. Người này tên là Dương Kim Anh.
Sau khi thám thính kỹ càng, Dương Kim Anh chắc chắn rằng hoàng đế đang ngủ say, rồi mở cửa, một nhóm hơn 10 cung nữ tiến vào trong tẩm cung, chuẩn bị thực hiện âm mưu ám sát hoàng đế.
Khi Hoàng đế Gia Tĩnh bừng tỉnh dậy, ông ta kinh hoàng phát hiện nhiều người đang cố tình giết hại mình. Có người dùng dây lụa siết cổ, người bịt miệng bằng vải, người giữ chặt tay chân, người lấy châm cài tóc đâm vào người hoàng đế.
Loại cảnh tượng này trước nay chưa từng có, Gia Tĩnh Đế sửng sốt, liều mạng vùng vẫy nhưng không thể phát ra âm thanh hay cử động, bất lực nhìn sợi dây quanh cổ mình từng chút một bị siết chặt.
Tất cả quá trình này chỉ mất một vài phút nhưng đối với các cung nữ, thời gian đó đằng đẵng như một đời người.
Sử gia gọi đây là vụ ám sát hoàng đế duy nhất do các cung nữ cầm đầu trong lịch sử. Tuy nhiên, vụ ám sát bất thành do sự “thiếu kinh nghiệm” của các cung nữ; và do bị một cung nữ phản bội.
Khi sự phản kháng của hoàng đế ngày càng yếu đi, một sự cố khác đã xảy ra làm đảo lộn mọi chuyện. Một cung nữ tên Trương Kim Thúy, thuộc nhóm đang ám sát hoàng đế, bỗng sợ hãi mà "tỉnh ngộ", cho rằng hoàng đế không phải người phàm, mà là "con trời", không thể chết. Đoạn, người này lẻn đi mật báo cho Phương Hoàng hậu.
Hay tin, hoàng hậu cho người đến ứng cứu. Lúc này, Gia Tĩnh Đế đã ngất xỉu, sắc mặt xanh tím, toàn thân đầy máu. Nhờ thái y tận tình cứu chữa, không lâu sau hoàng đế tỉnh dậy.
Lúc này, hoàng hậu nhân danh hoàng đế ra lệnh bắt khẩn cấp 16 cung nữ cả gan phạm tội tày đình. Sau khi bị tra tấn dã man, tất cả các cung nữ đã cúi đầu nhận tội. Hoàng hậu xuống tay không không chút may mảy thương tiếc: Xử tử 16 cung nữ (trừ Trương Kim Thúy). Tất cả người thân của 16 cung nữ cũng bị cho vào nhà giam, tài sản bị tịch thu tất thảy.
Người ta kể rằng vào ngày các cung nữ bị hành quyết và trong nhiều ngày sau đó, khắp kinh thành tràn ngập sương mù dày đặc.
Hậu cung "dậy sóng" là có lý do?
Câu hỏi đặt ra: Tại sao các cung nữ yếu đuối, trong tay không tấc sắt lại liều lĩnh làm việc tày đình như vậy?
Lịch sử nhà Minh là bí mật, ghi chép về sự việc này tương đối đơn giản, may mắn thay, cũng có những ghi chép trong sử sách không chính thức đại khái khôi phục lại sự thật vào đêm năm 1542.
Hoàng đế Gia Tĩnh vốn là một người đam mê sắc tửu. Giữa chốn hậu cung nghìn người toàn mỹ nữ, hoàng đế trỗi lòng tham muốn trường sinh bất tử nên ngày đêm sai người "luyện thuốc" cho ông.
Nghe lời nịnh hót của một nhà giả kim về một phương thuốc gọi là "chì đỏ", nói rằng thứ này không những tráng dương mà còn kéo dài tuổi thọ, Gia Tĩnh Đế lệnh cho quần thần nhanh chóng chiêu mộ "thành phần" để tạo xuân dược.
Người ta nói rằng chỉ có trinh nữ và nam nhân thôi thì chưa đủ (trinh nữ và nam nhân được gọi vào cung để lấy các thành phần tạo xuân dược), những người này còn phải ăn uống theo yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt của các nhà giả kim như uống sương, ăn lá dâu...
Theo lý giải của y học hiện đại, những thứ gọi là thần dược này thực chất là những chất rất độc, có tính nóng, người ta sau khi uống vào thường gây bồn chồn, khó kiểm soát cảm xúc, tính khí thất thường.
Những cung nữ nào bất tuân, đều bị Gia Tĩnh Đế không tiếc tay sai người ngược đãi, đánh đập, giết hại các cung nữ khi họ phạm sai lầm nhỏ khiến xuân dược chưa phát huy được tác dụng.
Đau đớn, uất hận, các cung nữ liên kết với nhau - đứng đầu là Dương Kim Anh - đứng lên thực hiện âm mưu ám sát hoàng đế với lời thề: Thà chết còn hơn.
Trong vụ cung biến này, còn nhiều khúc mắc xoay quanh. Vì sử sách không đề cập nên nhiều người cho rằng, nội tình của sự việc có thể đến từ việc hậu cung tranh đấu, hoặc cũng có thể là âm mưu từ bên ngoài.
Cuối cùng, 25 năm sau khi bị cung nữ ám sát bất thành, Gia Tĩnh Đế băng hà, thọ 60 tuổi.
Trong lịch sử Trung Quốc, từng có hoàng đế cũng chết vì lạm dụng phương thuốc mà thời đó gọi là thuốc trường sinh bất tử. Vị hoàng đế ấy không ai khác chính là Tần Thủy Hoàng.
Thành phần của phương thuốc này là thủy ngân - vốn là một chất rất độc. Vì lạm dụng thuốc mà Tần Thủy Hoàng băng hà sớm, thọ 49 tuổi.
Tham khảo: Sohu, Baidu, Chinanews, Sogou