Mai táng những nạn nhân trong vụ thảm sát.
Vụ thảm sát được báo trước
6 giờ chiều ngày 3-6, một số người dân sống dưới sự lãnh đạo của ông Boureima, tiểu vương tỉnh Yagha, Burkina Faso, khi lùa bò về chuồng đã phát hiện khoảng 100 tay súng đi trên hàng chục xe gắn máy, tập trung tại một khu rừng cách làng Solhan 20km.
Qua những trao đổi mà họ loáng thoáng nghe được, họ đoán những người này sẽ tấn công làng Solhan nên đã báo cho tiểu vương Boureima.
Lập tức, ông Boureima điện thoại gọi một đơn vị quân đội gần đó nhưng thay vì đến làng Solhan thì họ lại tổ chức bố phòng ở làng Sebba, cách Solhan 39km vì họ cho rằng Solhan chỉ là đòn nghi binh, còn Sobba mới là mục tiêu chính.
Hơn nữa, làng Solhan lại có một lực lượng dân quân gọi là "Tình nguyện viên bảo vệ tổ quốc" nên người chỉ huy đơn vị quân đội tin rằng lực lượng này đủ khả năng bảo vệ làng.
Ông Aly Bokoum, thành viên "Hội đồng Thanh niên" khu vực quận Sahel nói với các hãng thông tấn cả trong lẫn ngoài nước sau khi xảy ra vụ thảm sát:
"Lẽ ra khi nhận được điện thoại của Tiểu vương Boureima, quân đội phải đến khu rừng nơi bọn sát nhân tụ tập để kiểm tra nhưng họ đã không làm. Ngay cả khi tôi liên lạc với cấp chỉ huy, báo về mối đe dọa thì ông ấy chỉ trấn an: "Đây là nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi đã có kế hoạch…".
Khu hầm mỏ là mục tiêu tấn công đầu tiên của bọn khủng bố.
Từ năm 2010 đến nay, các mỏ vàng khai thác trái phép ở Burkina Faso cũng như ở các nước láng giềng Mali và Niger đã trở thành nguồn tài trợ chính cho các nhóm "chiến binh thánh chiến".
Ông Bachir Ismael Ouedraogo, Bộ trưởng Năng lượng, Mỏ, của Chính phủ Burkina Faso khi trả lời phỏng vấn Đài truyền hình CNN đã cho biết nước này mất 20 tấn vàng trị giá khoảng 1 tỷ USD mỗi năm vì các hoạt động khai thác, xuất khẩu không chính thức.
Ông Ouedraogo nói: "Đó là một trong những nền kinh tế chiến tranh, một bộ máy hoạt động nhịp nhàng trên khắp lục địa châu Phi. Khi những nhà buôn mua số vàng này, họ đã tiếp tay cho khủng bố, gây ra cái chết cho hàng chục nghìn thường dân vô tội…".
Trở lại vụ thảm sát, địa điểm đầu tiên bị các tay súng tấn công là các hầm đào vàng ở Mousiga, cách làng Solhan 6km. Kể từ khi đi vào khai thác, nhiều thợ mỏ thường ngủ lại gần hầm để đỡ tốn thời gian về làng.
Một người sống sót kể với trang tin Châu Phi ngày nay - Africa Today:
"Lúc 2 giờ 30 sáng, tôi giật mình thức giấc vì tiếng xe máy gầm rú rồi tiếp theo là tiếng súng. Bước ra khỏi nhà, dưới ánh đèn xe, tôi thấy nhóm người này che mặt bằng khăn quàng cổ. Họ bắn vào những ngôi nhà nằm ngay đầu lối đi rồi lần lượt đến những nhà kế tiếp. Quá sợ hãi, tôi nhảy xuống một cái hố gần đó...".
Một thợ mỏ khác cũng may mắn sống sót kể tiếp: "Những đứa trẻ mới chỉ 12, 13 tuổi dừng xe lại nhưng không tắt máy. Chúng xông vào từng nhà rồi nổ súng. Gần chỗ tôi trốn, tôi nhìn thấy một phụ nữ ra lệnh cho đám trẻ: "Bắn đứa này, đứa kia, bắn luôn đứa đó".
Ông Abdou Hoeffi, thuộc Phong trào vì nhân quyền và nhân dân Burkina Faso (MBDHP) cho biết qua lời kể của các nhân chứng, người phụ nữ ấy đóng vai trò cổ vũ những tay súng trẻ em: "Bạn thật là cừ khôi! Làm tiếp đi. Dọn sạch đám thối tha ấy đi!".
Trong tổng số 70 thợ mỏ ở Mousiga, 3 người thoát chết nhờ nhanh chân chạy trốn, 6 người khác cũng thoát vì họ ở lại dưới hầm mỏ đào bới cả đêm với hy vọng tìm thêm ít vàng. 41 người bị giết, 20 người còn lại bị thương.
Những tràng súng nổ từ hướng Mousiga đã khiến dân làng Solhan hiểu sai. Theo họ, đó là súng của quân đội Burkina Faso nên họ không hề có bất kỳ một động thái nào để đối phó.
Đến khoảng 2 giờ 50 phút, sau trận tàn sát ở Mousiga, những tay súng lên xe máy, lao về phía làng Solhan. Khi còn cách làng gần 2km, chúng tấn công một trạm kiểm soát của lực lượng dân quân "Tình nguyện viên bảo vệ tổ quốc", giết chết 2 người trong trạm.
3 giờ 10 phút, đoàn xe gắn máy tiến vào làng Solhan. Tại cổng làng, chúng chia thành 2 nhóm, một nhóm rẽ trái đến khu hầm mỏ nằm cạnh làng còn nhóm kia xông vào trung tâm làng. Ở khu hầm mỏ, cũng theo thói quen, nhiều thợ mỏ không về nhà mà ngủ lại ngoài trời để tránh cái không khí nóng bức.
Họ là những người đầu tiên bị giết. Nhiều người chết khi vẫn còn nằm trên mặt đất và cũng không ít người chết khi ngồi dậy để xem chuyện gì xảy ra.
Một số người khác nằm ở xa hơn đã tìm cách chạy xuống mỏ. Đống vỏ đạn vàng chóe vương vãi cạnh một gốc cây cho thấy bọn sát nhân đã đặt một khẩu trung liên ở đó, bắn vào những người bỏ chạy.
Quan chức đứng đầu lực lượng cảnh sát ở quận Sahel nói với phóng viên Đài CNN rằng những kẻ tấn công đã dành thời gian nghiên cứu mục tiêu vì khi xông vào làng, chúng tỏ ra rất rành rẽ đường đi lối lại.
Một người sống sót cho Đài CNN biết đêm hôm ấy, thay vì ngủ trong căn phòng chính nhưng do vợ anh mới sinh được 5 ngày mà trời thì rất nóng nên anh đưa vợ con ra căn phòng nhỏ phía sau để đón chút gió mát.
Khi 3 tay súng xông vào, chúng bắn mấy loạt đạn lên chiếc giường trống rồi đi sang nhà khác. Anh nói: "May mà chúng không vòng ra đằng sau...".
4 giờ sáng, bọn khủng bố rút lui. Mãi gần 5 giờ, những người còn sống mới dám rời bỏ nơi ẩn nấp. Theo họ, xác chết nằm la liệt khắp nơi, khắp làng chỗ nào cũng có người chết. Ngay cả một số người chạy xuống những hầm mỏ sâu 20, 30m cũng chết vì bị lưu đạn ném xuống trong lúc đến 7 giờ quân đội mới xuất hiện.
Có ít nhất 6 nhân chứng nói với CNN: "Khi quân đội đến, họ chẳng còn việc gì phải làm ngoài đếm xác. Nếu họ đến sớm hơn, nhiều người có thể sẽ không bị giết".
5 giờ chiều, quân đội rút lui sau khi thông báo tổng số người chết là 117, riêng số vàng bị mất thì chẳng biết là bao nhiêu vì thợ mỏ thường giấu kín sản lượng khai thác nhằm tránh bị cướp.
Chỉ khi nào họ bán thì những đại lý thu mua mới biết. Trước khi rút lui, quân đội yêu cầu những người còn lại "quay về nhà, khóa kín cửa, không che giấu bất kỳ kẻ tình nghi nào".
Nhưng chẳng ai ngờ rằng bọn khủng bố chỉ đi khỏi làng Solhan khoảng 15 cây số rồi dừng lại nghỉ ngơi ăn uống trong một khu rừng ở phía bắc, nơi có một lạch nước nhỏ. Cũng chẳng ai ngờ ngay đêm hôm đó, chúng quay lại rồi thực hiện vụ thảm sát thứ 2.
Đêm kinh hoàng thứ 2
Bắt đầu từ năm 2015, quận Sahel - nơi có làng Solhan - là một dải đất khô cằn nằm kẹp giữa sa mạc Sahara và thảo nguyên châu Phi trở nên bất ổn.
Ngoài chi nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda hoạt động ở vùng này thì những chiến binh thánh chiến người Burkina Faso thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau khi thảm bại ở Syria, Iraq, Afghanistan..., cũng chạy về đây.
Với một cộng đồng ở nơi xa xôi, yếu kém về luật pháp như làng Solhan thì cả Al-Qaeda lẫn IS đều có quyền tự tung tự tác.
Sự can thiệp bằng quân sự của quân đội Pháp, sự xuất hiện của các lực lượng Liên minh châu Âu (EU) và sự hỗ trợ lâu dài của Lầu Năm Góc với hàng tỷ USD đã được chi cho việc huấn luyện, trang bị vũ khí, tăng cường lực lượng an ninh địa phương thì thay vì đem lại bình an, nó lại khiến bạo lực bùng phát.
3 năm trước ngày xảy ra vụ thảm sát ở làng Solhan, sáng sớm 22-11-2019, các tay súng vũ trang phóng xe gắn máy đến ngôi làng Tchombangou thuộc thị trấn Ouallam.
Và khi dân làng vẫn đang chìm trong giấc ngủ, chúng đã lôi ông Boubacar Lawey, 95 tuổi, trưởng làng ra chặt đầu nhưng Lawey không phải là người duy nhất vì cũng buổi sáng hôm ấy, 3 người đứng đầu của 3 ngôi làng khác gần đó cũng bị xử tử, chưa kể hàng trăm vụ tấn công khủng bố khác diễn ra trên khắp đất nước Burkina Faso từ 2015 đến nay.
Các nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng ở Burkina Faso là mối đe dọa sẽ xảy ra đối với an ninh của cả châu Âu lẫn Mỹ vì các quốc gia châu Phi nghèo đói đã cung cấp một địa bàn rộng rãi và an toàn cho các mạng lưới khủng bố.
Một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả "ngọn lửa khủng bố" ở làng Solhan cho dù gây ra bởi Al -Qaeda hay IS chăng nữa, cũng đều nhằm mục đích "tạo nên một "Tiểu vương quốc Hồi giáo mới ở Tây phi".
Ông nói: "Vụ giết chóc lập lại 2 đêm liên tiếp, một phần do những tay súng trẻ em gây ra nhưng quân đội Burkina Faso được chúng tôi hậu thuẫn lại bất lực trong việc ngăn chặn là việc rất đáng lo ngại...".
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến bất đồng về động cơ của vụ thảm sát: Giết người lấy vàng để nuôi dưỡng lực lượng thánh chiến hay sự trả thù những người dân trung thành với Chính phủ Burkina Faso?
Vụ thảm sát thứ 2 diễn ra lúc 1 giờ sáng. Một nhân chứng kể lại với Đài CNN: "Lúc ấy tôi nghe tiếng xe gắn máy gầm rú từ xa. Linh tính cho biết chúng đang quay lại. Tôi chỉ kịp gọi vài nhà hàng xóm rồi dẫn họ chạy vào rừng...".
Một số người khác cũng nghe thấy tiếng xe và cũng bỏ chạy. Lần này, ngoài bắn giết, các tay súng cướp tất cả những gì có thể mang theo được. Tại các cửa hàng bách hóa, chúng lấy quần áo, thực phẩm gồm gạo, đường, sữa, thức ăn đóng hộp, đồ uống.
Ở những tiệm thuốc Tây, chúng vét sạch, không chừa lại một thứ gì, kể cả cuộn băng keo. Ở một nông trại, chúng bắn chết 80 con cừu rồi chất lên xe máy. Cuối cùng, tất cả những ngôi nhà trong làng đều bị đốt cháy.
Số người chết là 58 cộng với 25 người chết sau khi đưa vào bệnh viện nâng tổng số tử vong của cả 2 đợt tấn công lên 200.
Ông Ousseni Tamboura, người phát ngôn của Chính phủ Burkina Faso nói với Đài phát thanh quốc tế Pháp (France Internationale) rằng 2 nghi phạm đã bị bắt giữ. Qua khai thác, các quan chức an ninh Burkina Faso cho biết những kẻ chủ mưu có liên quan đến một nhóm gọi là Mujahed al-Qaeda.
Ông Tamboura nói "vàng là yếu tố thúc đẩy vụ thảm sát, chúng tôi đã tuyên bố 3 ngày quốc tang" nhưng ông biện hộ về sự vắng mặt của quân đội ở Solhan vào đêm hôm đó:
"Quân đội Burkina Faso tuân theo tất cả các quy chế đặt ra giữa họ và người Mỹ như một điều kiện để được viện trợ…".
Trước vụ việc này, chi nhánh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Burkina Faso khẳng định chi nhánh Al-Qaeda Burkina Faso là thủ phạm nhưng Al-Qaeda Burkina Faso lại cho rằng IS mới chính là kẻ thủ ác nhưng theo Cơ quan tình báo Pháp, kiểu giết người ồ ạt, hàng loạt như ở làng Solhan thì chỉ có thể do IS mà thôi.
Với những người sống sót, họ vô cùng căm phẫn khi quân đội bỏ rơi họ:
"Nếu quân đội ở lại với dân thì vụ thảm sát đã không xảy ra vì lúc quân đội rút đi, những kẻ khủng bố lại đến. Đây là một đất nước kỳ lạ. Mặc dù làng Solhan chẳng còn gì nữa nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, nỗi sợ hãi về một vụ diệt chủng khác lại ập về".
Và trong khi tấn thảm kịch làng Solhan chưa nguôi trong tâm trí người dân cả nước thì ngày 23-12-2021, một nhóm khủng bố lại tấn công đoàn xe chở các doanh nhân ở gần thị trấn Ouahigouya, không xa biên giới với Mali, giết chết 41 người, trong đó có 21 người nước ngoài. Đoàn xe được lực lượng dân quân "Tình nguyện viên bảo vệ tổ quốc" hộ tống.
Một lần nữa, Burkina Faso lại… quốc tang!