Chiến dịch đánh trả Cuộc tiến công đường không của không quân Mỹ, trong 12 ngày đêm Tháng 12 năm 1972, quân dân Hà Nội - Hải Phòng đã liên tục tổ chức nhiều trận đánh "vít cổ" không quân chiến lược và không quân chiến thuật Mỹ.
Sau trận mở màn thắng lợi, có đêm ta tổ chức trận đánh tiêu diệt lớn, đến ngày và đêm 26 tháng 12, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã tổ chức đánh trả quyêt liệt, thắng lớn, trận đêm 26-12, được coi là "Trận then chốt quyết định" toàn chiến dịch.
Đến lúc này, không quân Mỹ mới chùn bước thực sự, cường độ tập kích của B-52 giảm hẳn, cán cân thắng-bại thực sự nghiêng về Việt Nam.
Tên lửa SAM-2.
Những thay đổi về chiến thuật của B-52 sau đêm Noel
Sau những ngày pháo đài bay B-52 và các loại máy bay chiến thuật bị rơi liên tục. Không quân Mỹ thực dụng, đã có những động thái thay đổi rõ rệt về nhiều thủ đoạn. BTL liên quân Mỹ ở Thái Bình Dương nhận ra, các tốp máy bay lặp lại như nguyên các đường bay mà "SAM-2" đã đón đánh từ trận đầu.
Theo các nhà bình luận quân sự Mỹ, sai lầm thuộc về Bộ Tư lệnh liên quân Thái Bình Dương, phi đoàn không kích kéo dài đội hình trên không với dài, liên tục, thậm chí nối nhau tới 113 km.
Các phi công gọi là "cuộc dạo chơi của các chú voi", trên một đường bay cố định với tốc độ cố định và độ cao ít thay đổi. Điều đó đã tạo nên một tuyến "quy luật", thuận lợi cho SAM-2 bắn hạ.
Người Mỹ cũng nhận ra một điều, sau khi ném bom, B-52 cùng quay ra một hướng, như nhau,. Điều này do "điều lệ tác chiến" ném bom hạt nhân quy định, (lo mất an toàn phóng xạ), nhưng vẫn chưa sửa đổi cho phù hợp!
Những mục tiêu trong nội đô Hà Nội, buộc B-52 phải lao vào với những hướng bị đón đánh rất quyết liệt từ các trận địa chính diện, đánh vỗ mặt của SAM.
Lần này, chúng huy động 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống và máy bay B-52, đánh ồ ạt, liên tục, đánh đồng thời từ nhiều hướng vào nhiều mục tiêu trên cả 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. "B-52 sẽ đột nhập cùng một lúc nhiều hướng, làm cho ta lúng túng trong cách đánh".
Thủ đoạn gây nhiễu cũng tăng cường, việc phóng các thùng nhiễu kim loại cũng được tính toán kỹ hơn, theo tốc độ gió hiện tại, để thời điểm B-52 vào ồ ạt, đúng lúc nhiễu bay lơ lửng, dày đặc tới "vùng chiến", kích nổ các đầu đạn SAM.
Đêm 26-12, Mỹ tăng cường máy bay gây nhiễu EB-66 và máy gây nhiễu ngoài hạm, 2 máy bay tuần tra EC-121 cũng lảng vảng sát biên giới.
Theo tạp chí Air Forces (số 7-1977) "tới ngày 25 tháng 12 khi số B-52 bị rơi cao tới mức không thể chấp nhận được, lúc đó Mỹ mới nghiên cứu tới việc phối hợp đánh vào đối thủ chính, đó là tên lửa SAM".
Quả nhiên trong ngày 26 tháng 12, số lượng máy bay F-4, cùng các máy bay chiến thuật khác tăng hẳn, bắn rất nhiểu tên lửa vào các trận địa tên lửa,trước và trong trận đánh, mà Không quân Mỹ đã trinh sát kỹ.
Ở hướng Hải Phòng, các tốp máy bay cường kích của hải quân Mỹ hoạt động liên tục, xăm soi các đài tên lửa, ném bom từ 18 giờ 12 phút đến 20 giờ 35 phút để "dọn đường" cho B-52 vào đánh.
20 chiếc được phân công F-4 vừa gây nhiễu thụ động và chặn MiG-21 tại các sân bay như Kép, Hoà lạc, Nôị Bài. Có tới 10 máy bay ném bom, F-105 và A-7 - chuyên chế áp hệ thống phòng không.
Phảo đài bay B-52 thả bom rải thảm.
Vận dụng cách đánh hết sức linh hoạt và sáng tạo
Sáng tạo và điều chỉnh những gì? Sau mấy chục năm, bây giờ nhiều chuyện đã được "giải mật", rải rác trên các hồi ký, bài báo, phỏng vấn các chỉ huy...
Sau hơn 1 tuần đối mặt với khá nhiều thủ đoạn đánh phá của các loại F và B52, các trạm radar bố trí chếch trên 45 độ so với trục bay chính của B-52 thường là những trân địa phát hiện tốt. Việc kiến nghị điều chỉnh đội hình radar của Bộ Tham mưu đã góp phần phát hiện xa và chính xác các đợt đánh phá vào Hà Nội.
Các tiểu đoàn hoả lực tên lửa lúc đầu bắn B-52 bằng một phương pháp điều khiển đã tiến đến vận dụng đánh bằng tất cả các phương pháp điều khiển, chuyển hoá các phương pháp rất linh hoạt. Thậm chí trong một trận có đơn vị đã vận dụng sáng tạo quy tắc xạ kích, kết hợp được nhiều phương pháp điều khiển, đạt hiệu quả tiêu diệt cao.
Không để chúng lừa bằng các biện pháp phóng nhử, biết chọn đúng dải nhiễu B-52, phân biệt được chúng khi nhiễu tách nhau…
Chỉ huy Phòng không cấp trung đoàn đã lệnh tên lửa đánh tập trung, đánh từ nhiều phía, đánh chéo cánh sẻ vào các tốp B-52. Về mặt xạ kích, các đơn vị đã chọn cự ly phóng thích hợp, ở đoạn bay thích hợp trên từng trận địa.
Thực tế chiến đấu cho thấy khi B-52 bay đến cự ly "thuận lợi nhất" thì phát sóng, thu tín hiệu mục tiêu tăng xác suất tiêu diệt B-52 tại chỗ. Nhiều tiểu đoàn phát sóng ở cự ly 24 km trở vào, mặc dù thời gian còn rất ít, nhưng trình độ thao tác rất đồng nhịp và nhanh, nên kịp phóng đạn.
Nhiều sĩ quan điều khiển đã bình tĩnh "gạt" tên lửa tự dẫn sơ-rai của địch một cách có hiệu quả.
Đối với không quân, những ngày đầu đã vượt mọi khó khăn về điều kiện sân bay bị đánh phá, tích cực cất cánh, đánh đúng đối tượng B-52.
Tạo được hiệu quả ngăn chặn, phá thế liên kết từ xa của địch. Quân chủng đã tập trung chỉ đạo không quân một cách cụ thể về phương pháp tiếp cận và biện pháp chọc qua hàng rào máy bay F-4 bảo vệ để tiêu diệt B-52, đồng thời tạo mọi điều kiện cho không quân đánh được B-52.
Xác máy bay B-52 bị Bộ đội PK-KQ Việt Nam bắn rơi tại chỗ.
Theo cuốn "Bộ tham mưu PK-KQ trong chiến tranh", trong những đêm đầu B-52 đánh vào Hà Nội, hầu hết các tiểu đoàn tên lửa đều bắt được tín hiệu B-52 trên nhiễu tạp với tỷ lệ 12/13 tiểu đoàn thấy mục tiêu trên màn hiện sóng tên lửa.
Ta đã chủ động chuyển hoá thế trận, bố trí đội hình chiến đấu nên khi B-52 vào đánh Hà Nội, yếu tố bất ngờ dùng thủ đoạn nhiễu tổng hợp bảo vệ B-52 không còn nữa.
Cường độ nhiễu đã bị phân tán, có thể một hướng nào đó bị nhiễu nặng, nhưng các đơn vị tên lửa ở các hướng khác, bên sườn, phía trước, phía sau có thể bắt được tín hiệu mục tiêu B-52 trên nền nhiễu...vẫn có cơ hội giáng trả. Ta chủ động đánh đánh bọc lót cho nhau, tổ chức trận địa giả lừa địch, hút sa-rai vào vùng trống.
Thực chiến! Ngày 26 tháng 12, Quân chủng PKKQ nhận định, địch có thể đánh lớn. Mọi công tác chuẩn bị về cơ động trận địa, điều chỉnh tham số, bảo đảm đạn… Cho đến giờ phút này, lực lượng tên lửa bảo vệ Hà Nội đã có đến hơn mười tiểu đoàn.
Hai tiểu đoàn 71, 72 từ Hải Phòng lên đã sẵn sàng chiến đấu tăng cường hỏa lực cho hướng đông, đông-bắc là hướng dự kiến B-52 sẽ đột nhập. Khí tài Tiểu đoàn 76 bị địch đánh hỏng vào cuối đợt 1 cũng đã sửa xong.
Ta đã cơ động Mig-21… Quân chủng đã tập trung chỉ đạo không quân một cách cụ thể về phương pháp tiếp cận và biện pháp chọc qua hàng rào máy bay F-4 bảo vệ để tiêu diệt B-52, đồng thời tạo mọi điều kiện cho không quân đánh được B-52, tạo được hiệu quả ngăn chặn, phá thế liên kết từ xa của địch.
Lực lượng cao xạ được tăng cường đủ các tầm, các cỡ, được bố trí rộng khắp và dày đặc.
Như vậy, tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Hà Nội là 100 phần trăm.
Sau 36 giờ nghỉ lễ Noel, đêm 26 không quân Mỹ dồn mọi cố gắng tập trung lực lượng ở mức cao nhất dùng 105 máy bay chiến thuật và B-52, tổ chức đánh đồng thời vào cả ba khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, tiến công đồng thời trên cả ba hướng tạo ra tình huống trên không vô cùng phức tạp hòng gây cho ta khó khăn, phân tán lực lượng.
Lúc này ta chủ trương giành đạn tên lửa đánh B-52 - mục tiêu chủ yếu.
Đúng là trận này có mật độ B-52 cao nhất trong chiến dịch 12 ngày đêm. 20 giờ 33 phút, một EB-66 hoạt động ở đông Sầm Nưa, nam Nà Sản. 20 giờ 35 phút, một tốp hai chiếc hoạt động hướng đông-nam, từ đông Ròn đến nam cửa Văn Lý.
21 giờ 48 phút, hai tốp tám chiếc tiêm kích, độ cao bảy km bay lượng từ Lào, Tây Bắc, Vĩnh Yên, Sơn Tây, dọc theo đường số 6 sang Hòa Bình, vòng lên Nghĩa Lộ, Phú Thọ. Rất dễ dàng nhận thấy bọn chặn kích và kết hợp thả nhiễu tiêu cực phủ kín một hành lang dài từ tây lên tây-bắc, cách Hà Nội khoảng 40 đến 50 km.
Các nhà KHQS Nga thì tổng kết, ngày này, có 147 máy bay, trong đó có 63 máy bay ném bom chiến lược B-52, 54 máy bay chiến đấu-ném bom, 10 máy bay F-105, F-4 chặn kích, hộ tống, gây nhiễu thụ động và đánh các sân bay.
B-52 ném bom.
Vào chiến đấu, bộ đội tên lửa phòng không dũng cảm, mưu trí, sáng tạo. 13 giờ ngày 26-12-1972, địch sử dụng 56 lần chiếc máy bay cường kích các loại ném bom dữ dội vào các khu vực trận địa tên lửa và trạm biến thế Đông Anh. Tiểu đoàn 72 (Trung đoàn 285) đã bắn rơi 1 máy bay F-4.
Từ 21 giờ 10 phút đến 21 giờ 48 phút, chúng cho thêm nhiều tốp F-4 vào thả nhiễu tiêu cực dày đặc từ Tây Bắc xuống Tây Nam Hà Nội, cách Hà Nội 40 đến 50km, nhằm tạo mục tiêu giả.
Bởi vậy, tất cả màn hiện sóng radar trinh sát tình báo, radar dẫn đường của không quân và radar nhìn vòng của tên lửa, pháo phòng không hầu như trắng xóa.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm có được qua các trận đánh trước đó, bộ đội ta đã phát hiện được các tốp B-52 trên cả 2 hướng Đông Nam và Tây Nam Hà Nội; phân biệt được dải nhiễu của B-52 với nhiễu của các máy bay chiến thuật, nhiễu tiêu cực và nhiễu ngoài đội hình.
Theo báo cáo của Trung đoàn 261, trong vòng 15 phút, địch đánh vào cả 3 hướng, các tiểu đoàn tập trung đánh theo lệnh, theo nhóm tốp. Có tiểu đoàn phát hiện địch từ 69km vào gần đánh chắc thắng. Có tiểu đoàn bị sơ-rai bắn thủng đạn, có tiểu đoàn phát hiên tốp B-52 giả, nhờ PA-00 phát giác, chuyển kịp mục tiêu…
Trung đoàn 257, các tiểu đoàn đều chọn kíp giỏi trực, phát hiện nhanh, thao tác chuẩn, đánh quyết liệt. Tiểu đoàn 77 có lợi thế trận địa, kíp chiến đấu vững, luôn chọn cự ly rất gần để đánh, tập trung đánh chiếc đi đầu, vận dụng tốt phương pháp bắn đón nửa góc, bám sát mục tiêu tự động khả năng đánh trúng rất cao…
Kết quả, trong vòng gần một giờ đồng hồ 8 máy bay B-52 bị tên lửa các trung đoàn tiêu diệt, trong đó có bốn chiếc rơi tại chỗ. Cả trên ba khu vực đánh phá của địch (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên), máy bay B-52 đều bị bắn rơi.
Tại Hà Nội, địch sử dụng 66 lần chiếc B-52 cùng một lúc đột nhập vào 3 hướng Tây Bắc, Tây Nam và Đông Bắc, rải bom xuống các khu vực nhà máy pin, kho và ga Văn Điển, khu vực kho xăng dầu Đức Giang, ga Đông Anh, kho Giáp Bát, khu vực Bạch Mai, sân bay Nội Bài, Cổ Loa, Uy Nỗ và khu công nghiệp Thượng Đình.
100 mục tiêu Mỹ ném bom cả thảy. Cuộc chiến đấu giữa tên lửa, pháo phòng không ta với máy bay B-52 mỗi lúc một ác liệt.
Riêng Hà Nội bắn rơi 5 chiếc, có 4 chiếc rơi tại chỗ. Đây là trận Mỹ bị tổn thất B-52 nhiều nhất trong 9 ngày của Chiến dịch. Trận đánh có tính chất quyết định đã làm suy sụp tinh thần và ý chí của Nhà trắng, Lầu năm góc và bọn giặc lái. Đây được coi là trận đánh mang tính then chốt của Chiến dịch.
Trong quá trình tác chiến chiến dịch, vấn đề nổi lên là giành và giữ chủ động. Một trong những quy luật khách quan của tác chiến là: bên nào giành và giữ được chủ động, thì bên đó sẽ có ưu thế giành phần thắng. Do đó, cả địch và ta đều tập trung mọi nỗ lực để giành và giữ cho được chủ động.
Trong trận đánh này, năng lực tác chiến của các đơn vị tên lửa đạt mức 75%. Hiệu suất bắn trung bình đạt thấp 0,25, mức tiêu hao tên lửa là 7,5 đạn trên 1 máy bay.
Hiệu quả tác chiến cao do các kíp trắc thủ từ cấp chỉ huy đến cấp tiểu đoàn tên lửa đã nhuần nhuyễn kỹ năng tác chiến, thành thục trong khai thác sử dụng tên lửa đồng thời kinh nghiệm cũng như độ ổn định tâm lý chiến đấu đạt ở cấp độ cao.
Trong đêm, một tốp B-52 đã ném bom rải thảm khu phố Khâm Thiên. Vệt bom trùm gần hết chiều dài khu phố, làm 287 người chết và 290 người bị thương. Bom địch cũng phá sập gần 2.000 ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá.
Cũng trong đêm 26 rạng sáng ngày 27-12, pháo 100mm của Trung đoàn 256 (Quân khu Việt Bắc) lại lập công bắn rơi một chiếc B-52. Tại Hải Phòng, Tiểu đoàn tên lửa 81 (Trung đoàn tên lửa 238, Sư đoàn phòng không 363) cũng bắn rơi một B-52.
Pháo 100mm của Đại đội 174 (Trung đoàn pháo phòng không 252) cũng góp công khi bắn rơi một B-52 vào lúc 22 giờ 24 phút.
Tính tới rạng sáng ngày 27-12-1972 đã có 18 máy bay Mỹ bị tiêu diệt, trong đó có 8 B-52 (có 4 chiếc rơi tại chỗ)... Thực trạng trên khiến báo chí phương Tây nhận định chua cay: "Cứ với tốc độ này, chỉ 3 tháng nữa B-52 sẽ bị tuyệt chủng!".
Trong trận đánh ngày 26.12.1972, các chuyên gia Mỹ nhận định đây là một ngày thảm họa. Các tốp máy bay B-52 bay vào Hà Nội, đã bị lực lượng radar không quân và tên lửa phát hiện sớm, đồng thời xác định rất rõ tốc độ, độ cao, đường bay và phân biệt chính xác các tốp F-4 với các pháo đài bay B-52.
Chính Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ cũng đánh giá: "Không thể tiếp tục làm nhiệm vụ nếu để mất mỗi đêm 6 máy bay B-52 hoặc thậm chí chỉ 3 chiếc thôi".
Như vậy, đêm cố gắng cao nhất của Không quân Mỹ, lại là đêm tổn thất B-52 lớn nhất. Trận đánh đêm 26 có ý nghĩa then chốt quyết định của chiến dịch.
Với ta, trận đánh đêm 26-12 chứng tỏ cách đánh của ta trong chiến dịch rất có hiệu quả, đã có thể khẳng định, ta có đủ khả năng đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược chủ yếu bằng B-52 của địch.
Quả nhiên sau trận đánh then chốt quyết định này, bị tổn thất nặng không chịu đựng nổi nữa mà mưu đồ chính trị vẫn không đạt được, giặc lái hoang mang, nội tình nước Mỹ rối loạn, buộc Ních- xơn phải giảm dần cường độ sử dụng B-52, đánh thêm một vài đêm tránh xa khu vực Hà Nội rồi kết thúc.
Biết tập trung mọi nỗ lực, mọi sáng tạo, kiên cường chiến đấu cho trận then chốt quyết định cũng là bài học quý cho tác chiến chiến dịch Phòng Không của QĐND Việt Nam.