Liên danh tư vấn lập quy hoạch Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) - Trung tâm Tư vấn Đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) vừa đề xuất phương án quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tuyến đường sắt có 10 tuyến, gồm 5 tuyến hiện có và 5 tuyến xây dựng mới.
Theo đó, tuyến đường sắt vành đai phía Đông dài khoảng 65 km sẽ chạy vượt trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, vượt qua đê Tả Hồng, đường tỉnh 199B, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 5. Tuyến đường sắt này sẽ đi qua các ga thuộc TP Hà Nội gồm: Ngọc Hồi, Trung Màu, Yên Thường, Đông Anh, Bắc Hồng, Thạch Lỗi. Ngoài ra, trên tuyến có ga Hưng Long và ga Lạc Đạo thuộc tỉnh Hưng Yên.
Tuyến đường sắt vành đai phía Tây (Thạch Lỗi - Tây Hà Nội - Ngọc Hồi), dài khoảng 50,2 km, được quy hoạch kết nối đường sắt Hà Nội - Lào Cai, sau đó đi theo vành đai 4, vượt sông Hồng tại cầu mới Hồng Hà, qua Hà Đông và hướng về phía nam ga Ngọc Hồi.
Tuyến đường sắt này có các ga lớn như Phùng (Đan Phượng), Tây Hà Nội (Hoài Đức) và ga Hà Đông (Thanh Oai). Trên địa phận Hà Nội, tuyến đường sắt giao cắt khác mức với cao tốc, quốc lộ và đường tỉnh, như vượt trên đường Mê Linh, đại lộ Thăng Long, quốc lộ 6, đường trục phía Nam.
Riêng tuyến tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đang được nghiên cứu, với chiều dài hướng tuyến trong khu đầu mối TP Hà Nội khoảng 65 km.
Điểm đầu là ga đường sắt tốc độ cao tại tổ hợp Ngọc Hồi, kết nối tàu đường sắt tốc độ cao vào ga trung tâm Hà Nội bằng tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội. Điểm cuối tại Km65+060 thuộc địa phận tỉnh Hà Nam. Đoạn qua Hà Nội có chiều dài khoảng 28,71 km, bố trí một ga là ga Ngọc Hồi; đoạn qua tỉnh Hà Nam khoảng 36 km, có ga Phủ Lý.
Trên địa phận Hà Nội, đường sắt tốc độ cao đi trên cao có chiều dài khoảng 28,7 km. Đoạn qua tỉnh Hà Nam có chiều dài khoảng 36 km, được quy hoạch giao cắt khác mức với đường bộ cao tốc, quốc lộ và đường tỉnh.
Theo đơn vị tư vấn quy hoạch, hệ thống đường sắt quốc gia trong khu vực Hà Nội dự kiến không tổ chức xuyên tâm hoặc hướng tâm vào sâu trong đô thị lõi, việc kết nối sẽ thông qua hệ thống giao thông công cộng. Kết nối từ ga đầu mối Ngọc Hồi với trung tâm Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (có thể kéo dài kết nối cảng hàng không thứ 2 Hà Nội).
Ngoài ra, đơn vị tư vấn kiến nghị điều chỉnh ga cuối của tuyến đường sắt đô thị số 6 Ngọc Hồi - sân bay Nội Bài từ Vĩnh Quỳnh sang ga Ngọc Hồi để tăng kết nối với đường sắt tốc độ cao. Tư vấn đề xuất sơ bộ khái toán tổng mức đầu tư đường sắt khu đầu mối TP Hà Nội là 367.380 tỷ đồng.