Theo đó, trả lời câu hỏi của báo giới về đề xuất của Hà Nội cho phép các phương tiện khác được sử dụng chung làn đường buýt nhanh BRT trong một số khung giờ, ông Ngô Mạnh Tuấn cho biết: Vừa rồi một số báo thông tin Hà Nội cho phép tuyến BRT cho tuyến xe khác đi chung, đó chỉ là quan điểm của một đơn vị thảo luận đưa ra tại một buổi làm việc.
“Tuy nhiên, quan điểm của thành phố, làn đường dành cho xe buýt nhanh BRT là tuyến đi riêng, không tuyến buýt nào đi chung vào đấy cả”, ông Tuấn khẳng định.
Trước đó vào cuối tháng 2 năm 2018, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa đưa ra đề xuất: Trong một số khung giờ cho các phương tiện khác được sử dụng chung làn đường buýt nhanh BRT.
Cụ thể, Trung tâm đề xuất TP Hà Nội cho phép các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng của tuyến buýt nhanh BRT01 (bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã) từ 4h đến 23h hàng ngày.
Các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h đến 4h ngày hôm sau.
Trung tâm cũng đề xuất xén vỉa hè để di chuyển 10 điểm dừng xe buýt tiếp cận với nhà chờ BRT để giảm khoảng cách đi bộ của hành khách trung chuyển với xe buýt thường xuống dưới 100m.
Đồng thời đề xuất cải thiện hạ tầng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn tiếp cận nhà chờ BRT; bố trí dải phân cách cứng giữa làn BRT và làn đường giao thông chung để hạn chế tình trạng các phương tiện khác đi lấn vào làn đường BRT.
Ngoài ra, tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà chờ của tuyến BRT tạo thuận lợi để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng tuyến BRT; rà soát và lắp đặt đèn tín hiệu ưu tiên cho hành khách sang đường tiếp cận nhà chờ sử dụng BRT...