Trong khuôn khổ phiên họp lần thứ 10, sáng 7-8 tại Hà Nội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ y tế cơ sở gồm tuyến huyện và tuyến xã còn nhiều hạn chế về chất lượng chuyên môn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, khiến người bệnh chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) tại một số bệnh viện huyện, trạm y tế xã và thường vượt lên tuyến.
Cụ thể, số lượng và chất lượng dịch vụ của tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các huyện vùng khó khăn, ở trạm y tế xã vẫn còn hạn chế; chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế cơ sở chưa thỏa đáng; nhận thức, quan điểm chỉ đạo của cấp chính quyền và cơ quan y tế chưa quan tâm đến y tế cơ sở...
Cùng tham gia giải trình, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã làm rõ việc đảm bảo nguồn lực cho y tế cơ sở, phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) và giám sát nâng cao chất lượng y tế cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng tự chủ tài chính bệnh viện đã thúc đẩy các bệnh viện tăng thu người bệnh, kéo dài thời gian nằm viện để tăng số tiền thanh toán với cơ quan BHXH.
Đơn cử, ở một số bệnh viện bệnh nhân phẫu thuật Phaco phải nằm viện từ 5-7 ngày hay đẻ thường nằm viện tới 5-6 ngày. Hay có những bệnh nhân chỉ bị viêm họng nhưng y tế cơ sở vẫn giữ lại điều trị tới 3 ngày để được BHYT chi trả nhiều hơn.
Cũng do tự chủ tài chính nên bệnh viện huyện, trạm y tế chỉ định quá mức quy định, kê thêm giường, sử dụng thuốc vật tư chưa hợp lý.
Đại diện BHXH Việt Nam cho rằng Quốc hội cần điều chỉnh chính sách thông tuyến KCB BHYT để tránh tình trạng người dân đi khám chữa bệnh không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, kéo theo việc giảm vai trò của trạm y tế xã trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu và điều trị các bệnh thông thường.
Đối với các bệnh thông thường mà người bệnh điều trị ở tuyến trên, cần tăng mức đồng chi trả hoặc không thanh toán BHYT.
Người bệnh chấp nhận trả tiền túi để vượt tuyến khám chữa bệnh
Các ý kiến phản biện của đại biểu tại phiên họp đã đề nghị Bộ Y tế nêu rõ trách nhiệm của mình và chính quyền các địa phương về những yếu kém của y tế cơ sở và việc xây dựng y tế theo hướng phát triển bệnh viện chứ chưa quan tâm đúng mức đến y tế dự phòng như vừa qua.
Bộ Y tế cần cân bằng giữa việc phát triển y tế chuyên sâu với y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Nêu vấn đề vì sao nhiều trạm y tế xã được đầu tư xây dựng khang trang, có bác sĩ, dược sĩ nhưng hàng ngày chỉ đón tiếp số ít người bệnh đến khám bệnh, ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng việc khoán KCB BHYT cho tuyến xã tối đa 20%.
Vì vậy, dù danh mục nhiều thuốc, nhiều dịch vụ như thông tư 39 về gói dịch vụ y tế cơ bản cũng chạm trần 20% nên người dân ít muốn đến trạm y tế.
"Theo báo cáo của Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế, 31% trường hợp khám bệnh ở tuyến Trung ương có thể giải quyết ở tỉnh, 41% KCB ở tuyến tỉnh có thể chữa ở huyện...
Tuy nhiên, hiện chưa có quy định pháp lý để BV tuyến Trung ương, tuyến tỉnh hạn chế nhận KCB bệnh nhân thông thường ở tuyến dưới"- ông Tiên dẫn chứng.
GS-TS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, cho biết dù đã có nhiều văn bản, nghị quyết đề cập đến y tế cơ sở, đầu tư kinh phí khá nhiều nhưng hiệu quả chưa cao và chưa bền vững, chưa thấy chuyển biến rõ nét trong thực tế.
"Hiện cơ cấu bệnh tật đã thay đổi, các bệnh không lây phổ biến hơn nhiều so với trước nhưng khuyết điểm của ngành y tế là không kịp thời đưa nội dung các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, ung thư, tiểu đường - là nguyên nhân tử vong hàng đầu gây tử vong thay cho các bệnh truyền nhiễm) vào nội dung của chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
Điều này làm cho người dân ngộ nhận chăm sóc sức khoẻ ban đầu chỉ là công việc vận động xây nhà vệ sinh, vệ sinh môi trường, tiêm chủng"- GS Hùng dẫn chứng.
Theo GS Hùng, ngành y tế phải xác định cụ thể nội dung hoạt động của y tế cơ sở, gắn chặt với chăm sóc sức khoẻ ban đầu với các hoạt động: dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng và nâng cao sức khoẻ.
Quỹ BHYT cần chi trả BHYT cho việc người dân khám bệnh định kỳ, sàng lọc bệnh mãn tính cho người dân thay vì người dân có bệnh nặng phải nhập viện mới được quỹ BHYT thanh toán như hiện nay.