Chiều 11-10, Hội đồng Lý luận trung ương phối hợp với Thành ủy TP HCM tổ chức hội thảo khoa học về quản lý đô thị trên địa bàn TP: Thực trạng, vấn đề và giải pháp. Tại hội thảo, các đại biểu đã gợi mở cho TP nhiều giải pháp để quản lý đô thị tốt hơn.
Mở rộng về hướng Long An
GS-KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng TP là đô thị đặc biệt, đô thị lớn của Việt Nam.
Vì thế, cần có giải pháp nghiên cứu để làm sao TP là đô thị mang tầm quốc tế. Theo GS-KTS Chính, TP đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đáng chú ý là áp lực giao thông và chống ngập.
"Giải quyết những vấn đề trên, cần gắn TP vào nghiên cứu quy hoạch vùng để gắn kết với nhau. Hơn nữa, TP có lợi thế là đô thị có không gian phong phú, gần biển, nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa và liên quan đến những vùng lân cận.
Do đó, chúng ta không thể tách TP ra để nghiên cứu riêng mà phải nghiên cứu gắn với vùng" - ông Chính gợi ý.
Tuy nhiên, để đáp ứng cho TP phát triển hơn nữa, GS-KTS Trần Ngọc Chính đề nghị Chính phủ, trung ương nên nghiên cứu phương án mở rộng ranh giới TP ra ít nhất thêm 600 km2.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nói: "Có lẽ không một nhà quản lý nào ở TP đề xuất chuyện này nhưng dưới góc độ là chuyên gia nghiên cứu độc lập, tôi nghĩ nên như thế.
Hướng mở rộng chúng ta có thể tính toán là Cần Giuộc, Cần Đước thuộc tỉnh Long An. Khu vực ấy sẽ tạo điều kiện cho phía Nam TP phát triển tốt".
Đồng tình với với phương án liên kết vùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Bùi Xuân Cường quan ngại diện tích phương tiện công cộng ở TP chỉ bao phủ được hơn 67%. Ngoài ra, TP còn phải đối diện với nhiều thách thức về giao thông khi đô thị phát triển về 2 hướng Đông và Nam. Dân số tiếp tục gia tăng, nhu cầu đi lại gia tăng và khoảng cách di chuyển cũng ngày càng tăng. Trong khi đó, loại hình vận tải công cộng không theo kịp và không đáp ứng được nhu cầu đi lại. Theo "tư lệnh" ngành giao thông, TP cần tập trung làm tốt quy hoạch đô thị, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch gắn với các không gian đô thị trên tinh thần giao thông đi trước, không chạy theo sự phát triển như hiện nay; phát triển đô thị theo hướng phát triển giao thông. "Tập trung đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là ở lĩnh vực giao thông. Dễ dàng nhận thấy nếu cầu Rạch Miễu ở Bến Tre mà tắc thì TP HCM cũng sẽ ảnh hưởng. Giao thông vùng hết sức quan trọng nên phải ưu tiên phát triển" - ông Cường nhấn mạnh.
Phát triển đô thị đa trung tâm
Ở một khía cạnh khác, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP Phạm Chánh Trực chỉ ra TP đang mâu thuẫn giữa phát triển tập trung và phân tán. "Đáng lý TP phải phát triển đa tâm nhưng mình đang thực hiện ngược lại khi tất cả sự phát triển đều hút vô quận 1, 3.
Việc xây dựng đô thị nén như vậy là một sai lầm, nếu không muốn nói là sai lầm nghiêm trọng" - ông Trực cảnh báo.
Theo ông, TP phải quy hoạch không gian đô thị là đô thị đa trung tâm để người dân sinh sống, làm việc, hưởng thụ tại chỗ mà không cần phải đi xa. Thực hiện giải pháp đa trung tâm thì bài toán ngập nước, kẹt xe sẽ dễ tìm lời giải hơn nhiều.
PGS-TS-KTS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng, tiếp tục đưa ra cảnh báo khác cho TP là tình trạng lún bề mặt rất đáng lo ngại.
Ông Cường cho hay nhiều khu vực ở TP đang lún nhanh và không có dấu hiệu dừng lại. Trong 116 tuyến đường thường xuyên bị ngập do triều cường thì có 79 tuyến bị ảnh hưởng do lún mặt đất…
Những dấu hiệu lún mặt đất ở đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Đó là những vụ sụp đất ở huyện Hóc Môn, quận 9 và hiện tượng các đường ống của nhiều giếng khoan ở quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè lồi lên khỏi mặt đất.
PGS-TS-KTS Lưu Đức Cường lo ngại khi nhiều khu vực trên địa bàn TP có sự thay đổi lớn về độ cao, lún từ 20-30 cm, thậm chí có nơi lún tới 50 cm.
"Diễn biến lún có mối liên quan với tốc độ phát triển đô thị. Thời điểm nhiều khu vực lún nhanh trùng lắp với khoảng thời gian khi mà tốc độ đô thị hóa tăng mạnh" - ông Cường nói. Do đó, ông cho rằng TP phải kiểm soát phát triển đô thị hợp lý.
Cụ thể là cần thiết lập khu vực khuyến khích đô thị hóa và khu vực đô thị hóa có kiểm soát trên cơ sở xem xét điều kiện đất đai như một trong những tiêu chí hàng đầu.
Bốn vấn đề cần giải quyết
Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong quá trình hoàn thiện quy hoạch có 4 vấn đề TP phải giải quyết. Thứ nhất là về quy hoạch tổng thể TP, có quy hoạch đô thị khu vực trung tâm và khu vực vệ tinh.
Quy hoạch gắn với giao thông TP gắn với liên kết vùng. Phát triển đô thị TP ban đầu theo hướng Đông Bắc là chính, hướng phụ là phía Nam. Đến năm 1998, phát triển thêm hướng Nam, Đông Nam, hướng phụ là Tây Bắc và hướng Tây.
Đây là vấn đề cần xem xét lại. Vì trong đô thị gắn với xây nhà là xây nhà trên vùng đất cao, không xây nhà vùng đất thấp.
Trong khi đó, vùng phía Nam TP là đất thấp, cho nên việc xây dựng ở phía Nam phải có mật độ vừa phải, phải giữ cho được vùng đất trũng, giữ vùng sinh quyển Cần Giờ.
Thứ hai là về chức năng kinh tế và cơ cấu kinh tế của TP. TP đang đề xuất trong khối dịch vụ gắn với công nghiệp hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông. Đây là nơi mật độ cao nhất về công nghiệp công nghệ cao, cao nhất về trí tuệ sáng tạo TP.
Thứ ba, giải quyết mâu thuẫn bài toán dân số tăng nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng kịp. Do đó, trong quy hoạch phải có cơ chế phối hợp vùng để giúp các vùng phát triển nhanh hơn, thu nhập cao hơn, áp lực dân số từ các vùng trở về TP giảm.
Thứ tư, mô hình quản lý hành chính có sự phân hóa về diện tích và dân số. Do đó, TP sử dụng tốt hai vùng Cần Giờ và Củ Chi vì diện tích còn rất lớn. TP phải nghiên cứu xác định lại cơ cấu quận, huyện như thế nào để bảo đảm vận hành đô thị lớn hợp lý hơn.
GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận trung ương, nhấn mạnh quản lý đô thị là vấn đề đặt biệt quan trọng.
Do đó, các địa phương vùng lân cận phải chia sẻ với TP HCM. TP phải tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch cũng như thực hiện quy hoạch.
Có quy hoạch không gian kiến trúc chiến lược gắn chặt chẽ với không gian vùng. Không gian quy hoạch kiến trúc TP phải gắn với không gian kiến trúc của vùng.
Cần cố gắng đổi mới và xây dựng mô hình quản lý kết nối tương tác giữa các sở, ngành với quận, huyện. Hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, giải pháp đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề, xây dựng nếp sống thị dân.
Để thực hiện các định hướng giải pháp, TP phải đổi mới mạnh mẽ tư duy về quản lý đô thị, giải quyết mối quan hệ trung ương, vùng và TP.
96.000 tỉ đồng để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông
UBND TP HCM vừa ban hành quyết định về kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2020.
Tổng nguồn lực tập trung thực hiện chương trình là 96.159 tỉ đồng, trong đó kinh phí thực hiện các dự án là 84.645 tỉ đồng.
Ùn tắc giao thông đang là vấn đề nan giải ở TP HCM. Ảnh: GIA MINH
Để thực hiện, TP đã đề ra nhiều giải pháp. Cụ thể, ưu tiên sử dụng ngân sách để thực hiện các công trình giao thông thực sự cần thiết; xây dựng đề án huy động tổng thể các nguồn lực để phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2022; tập trung các nguồn lực để phát triển vận tải hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy), hệ thống bến bãi phục vụ vận tải nhằm thu hút người dân tham gia, đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp để hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng liên quan trong việc kiểm soát các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông và điểm đen về tai nạn giao thông.
Hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông hiện hữu phục vụ công tác điều hành giao thông đô thị trong năm 2018; mở rộng việc thu phí đỗ xe dưới lòng đường trên toàn địa bàn TP...
N.Phan