“Yếu tố đặc thù” sau sáp nhập
Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo thực hiện đề án sáp nhập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2025, có tổng số 56 tỉnh, thành, với 50 đơn vị cấp huyện và 1.243 cấp xã trong diện phải sắp xếp. Sau sắp xếp, cấp huyện giảm 14 đơn vị, còn cấp xã giảm 619 đơn vị.
Đặc biệt về thời gian, chủ trương này phải được hoàn thành trước tháng 10 năm nay. Lý do là để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025.
Từ thực tế triển khai, nhiều địa phương đã đưa ra những đề xuất cụ thể xoay quanh vấn đề tiêu chuẩn đô thị, sắp xếp cán bộ dôi dư và xử lý tài sản công sau sáp nhập.
Trong đó, Hà Nội đề xuất Bộ Nội vụ báo cáo cấp có thẩm quyền cho thành phố này được áp dụng “yếu tố đặc thù” đối với cấp xã sau khi sắp xếp chưa bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
TP. Hà Nội cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích của đơn vị hành chính các cấp, do tiêu chuẩn hiện nay không phù hợp với thực tế tại thành phố Hà Nội.
“Đây là việc cực kỳ khó, rất phức tạp, cần sự phối hợp, thống nhất, cùng chia sẻ với các địa phương để làm. Mục tiêu là quyết tâm với tinh thần linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, với yêu cầu cao nhất là đạt mục tiêu, chủ trương chung được Đảng và Quốc hội giao”, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Cùng phản ánh vướng mắc, tỉnh Bình Phước cho rằng, hiện nay pháp luật về quy hoạch đô thị chưa quy định rõ trình tự, thẩm quyền tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt đối với các đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp, nên địa phương còn lúng túng trong quá trình thực hiện…
Từ đó, tỉnh Bình Phước đề nghị Bộ Xây dựng sớm có văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong công tác lập quy hoạch và chương trình phát triển đô thị phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính.
Dồn lực để giải quyết các khó khăn, vướng mắc
Một vướng mắc, khó khăn khác không ít địa phương đang gặp phải là việc sắp xếp, xử lý nhà, đất, tài sản công sau sáp nhập. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh, gặp nhiều khó khăn trong việc bán khu đất có diện tích lớn cũng như việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất…
Tỉnh đề nghị bổ sung quy định về hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với cơ sở nhà, đất đang sử dụng phù hợp với mục đích được Nhà nước giao; đồng thời cần bổ sung quy định được thanh lý nhà, tài sản gắn liền với đất; quy định về lập phương án đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai .
Ngoài khó khăn trong xử lý trụ sở, tài sản công, tỉnh Đắk Lắk còn cho rằng, việc bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính gặp nhiều khó khăn khi thực hiện cùng lúc với chủ trương tinh giản biên chế của Bộ Chính trị, Trung ương.
Liên quan đến vấn đề này, tỉnh Hưng Yên cho biết, số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư cấp ủy... sau sắp xếp dôi dư rất lớn. Trong khi đó, quy định tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã về làm công chức cấp huyện, cấp tỉnh gặp khó khăn.
Từ thực tế trên, tỉnh Hưng Yên đề nghị Trung ương xem xét, có cơ chế đặc thù về số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư cấp ủy, cũng như số lượng ủy viên, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy của Đảng bộ mới hình thành sau sáp nhập.
Tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị Trung ương xem xét về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp (được kéo dài thời gian sắp xếp trong vòng 5 năm như cán bộ, công chức cấp xã).
Trước những thách thức này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, hơn lúc nào hết, phải dồn lực để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của địa phương. Với vướng mắc về phân loại đô thị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, sẽ làm việc với Bộ Xây dựng để giải quyết về vấn đề này. Còn về cán bộ dôi dư, tài sản công, trong đề án đã bao gồm tất cả các yêu cầu này.
“Quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc gì từ địa phương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp các thành viên trong Ban Chỉ đạo để giải quyết luôn”, bà Trà nhấn mạnh.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy lưu ý, các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhấn mạnh đến việc phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn đơn vị hành chính, đặc biệt là tiêu chuẩn về loại đô thị.
Theo bà Thủy, đây là vấn đề hết sức khó để làm sao vừa đảm bảo theo yêu cầu Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa phải đáp ứng được yêu cầu về mặt tiến độ. Do vậy, Chính phủ nên tổng hợp kiến nghị, vướng mắc của các địa phương để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có cần đưa ra các phương án xử lý vướng mắc cụ thể.
“Nếu nợ về tiêu chí, tiêu chuẩn thì rất khó để thuyết phục. Nếu đây là một vướng mắc mang tính phổ biến thì cũng nên báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này và có đề xuất, kiến nghị cụ thể hơn”, bà Thủy cho hay.