Trong dự thảo Luật Nhà giáo mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp cho ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của giáo viên từ cấp mầm non đến đại học. Chi phí dự kiến cho chính sách này là hơn 9.200 tỷ đồng mỗi năm.
Cũng như nhiều người dân khác đang thảo luận sôi nổi về chủ đề này mấy ngày qua, tôi rất mong các cơ quan chức năng nghiên cứu và cân nhắc kỹ, vì xét tổng thể, đề xuất đó chưa thực sự hợp lý.
Với truyền thống tôn sư trọng đạo, coi trọng vai trò của giáo dục cũng như sự cống hiến của các nhà giáo, thấu hiểu sự vất vả khó khăn của họ, trong những năm qua Nhà nước đã nỗ lực để cải thiện đãi ngộ dành cho giáo viên. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp hạng cao trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Thu nhập của giáo viên chưa cao nhưng cũng không phải rất thấp, sau khi tăng lương cơ sở thì dao động trong khoảng từ 4,9 đến 15,87 triệu đồng một tháng tùy bậc học, chưa bao gồm phụ cấp như ưu đãi nghề, thâm niên, khu vực. Nếu miễn học phí là để giảm khó khăn cho nhà giáo, người lao động ở các ngành nghề khác cũng có quyền đòi hỏi sự ưu đãi tương tự, vì nhiều người có thu nhập thấp và kém ổn định hơn.
Nếu miễn học phí là hình thức ghi nhận cống hiến của nhà giáo cho xã hội, thì nhân sự trong các ngành nghề khác cũng có thể tự hào rằng đóng góp của họ có ý nghĩa quan trọng không kém, như bác sỹ, bộ đội, công an, nhà khoa học, công nhân môi trường…
Miễn học phí không phải làm tan biến gánh nặng tài chính, mà là chuyển dời gánh nặng đó sang chỗ khác, nghĩa là Nhà nước phải tìm nguồn tiền để chi 9.200 tỷ mỗi năm. Nguồn tiền này là nỗ lực của cả xã hội, vì vậy sẽ là chính đáng nếu công nhân, nhân viên y tế, viên chức… cũng muốn con họ được miễn học phí. Họ có quyền đặt câu hỏi: “Chúng tôi cũng nghèo, chúng tôi cũng cống hiến, sao lại chỉ miễn học phí cho con giáo viên? Nghề giáo rất cao quý, nhưng công việc của chúng tôi cũng không thể bị xem nhẹ”.
Khi thảo luận về đề xuất miễn học phí cho con giáo viên trong dự thảo Luật Nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nói: "Ưu đãi, chế độ đặc thù thì được nhưng đặc quyền đặc lợi thì không nên".
Tôi tin rằng đến một ngày nào đó, đất nước ta sẽ đủ giàu mạnh để miễn học phí cho mọi học sinh, sinh viên. Nhưng khi chưa có khả năng này, chúng ta buộc phải liệu cơm gắp mắm, các chính sách ưu tiên phải vừa thể hiện tính nhân văn, có tác dụng hỗ trợ, khuyến khích người được ưu đãi, vừa đảm bảo công bằng và sự đồng thuận trong xã hội.
Nếu chỉ miễn học phí cho con nhà giáo, sẽ khó tránh lối suy diễn tiêu cực “làm nghề nào ăn nghề ấy” với những tị nạnh kiểu “vậy thì con bác sỹ lẽ ra cũng không phải đóng viện phí, con nhân viên ngành Điện lực không phải đóng tiền điện…”
Đời sống giáo viên còn khó khăn là sự thật, xã hội cần tìm cách cải thiện để các thầy cô yên tâm dốc sức cho sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, chúng ta nên tìm một phương án khác để hỗ trợ thay vì miễn học phí cho riêng con em họ. Có thể ra chính sách miễn học phí cho con em giáo viên ở một số vùng khó khăn, giáo viên mầm non vốn có thu nhập thấp. Tuy nhiên, ngay cả với phương án này, cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu để áp dụng đồng bộ cho cả người lao động các ngành nghề khác chứ không riêng ngành Giáo dục.