Vốn chữ Nho của tôi từ thuở thò lò mũi xanh là mấy từ trong Tam Thiên Tự (3000 chữ) "Thiên trời, địa đất, từ cất, tồn còn…", dù chẳng biết chữ "Thiên" viết thế nào, "Tử chết" và "Tử con" khác nhau ra sao. Cứ nghĩ học cái chữ này chẳng có tương lai.
Sau này mới biết, trong 10 ngôn ngữ dùng thông dụng trên thế giới thì tiếng Trung đứng số 1 với hơn một tỷ người nói, tiếng Anh đứng thứ 2 với gần 800 triệu, tiếng Tây Ban Nha đứng hàng thứ 3 với gần 500 triệu, và tiếng Nhật đứng thứ 10 bằng dân số Nhật gần 130 triệu.
Trên internet tiếng Anh đứng đầu với 536 triệu người, tiếng Trung đứng thứ 2 với 444 triệu, tiếp đó mới là Tây Ban Nha với 153 triệu và tiếng Nhật chỉ có gần 100 triệu, trong một thế giới 7 tỷ người.
Như vậy, theo số đông thì nên học tiếng Trung để du lịch và làm ăn với hàng xóm, nhưng để hội nhập xa, tiếng Anh nên là lựa chọn.
Nước Nhật với chữ tượng hình đang thay đổi
Trong lúc tại Việt Nam đang tranh cãi về ý kiến của PGS Đoàn Lê Giang muốn dùng tiếng Việt trong sáng học sinh phải học chữ Hán, thì cách Hà Nội khoảng 5 giờ bay tại Tokyo, chính phủ nước này đang đưa chiến lược dạy tiếng Anh trong trường.
Đầu tháng 8-2016, thủ tướng Shinzo Abe đã công bố kế hoạch phổ biến rộng rãi tiếng Anh cho các em từ tuổi lên 8 thay vì 10 tuổi như trước đây, tập trung vào đọc, viết và ngữ pháp.
Người Nhật cũng giống người Trung Quốc không cần ngoại ngữ cũng có thể phát triển kinh tế có thứ hạng toàn cầu. Và họ có lý. Trung Quốc có nền kinh tế thứ 2 và Nhật sau một bậc.
Tới sân bay Narita du khách vui vì gặp người giúp mang hành lý lên xe bus, lái taxi lịch sự, dịch vụ hoàn hảo với những cái cúi gập lưng tưởng chừng gẫy cả xương sống, nhưng hỏi vài câu tiếng Anh thì bắt đầu thất vọng.
Trong các nước G7, Nhật đứng hạng chót trong xếp hạng nói tiếng Anh. Bộ trưởng phát biểu cứ tưởng tiếng Nhật có nhiều từ giống tiếng Anh.
Năm 2015, điểm trung bình TOEFL của người Nhật đứng thứ 70 trong 120 quốc gia, thấp nhất trong các nước Đông Á, chỉ hơn Lào và Campuchia.
Giáo sư Hideyuki Takashima của đại học Tokyo cho rằng, nước Nhật cần tiếng Anh để hiểu các nền văn hóa khác và nhờ đó có thể lan tỏa văn hóa Nhật. Đối với chính phủ thì tiếng Anh giúp phát triển kinh tế và hội nhập.
Công cuộc toàn cầu hóa đã làm cho nước Nhật bị bỏ lại phía sau do việc làm bị Trung Quốc và Ấn Độ chiếm. Muốn gượng dậythì phải học ngoại ngữ.
Nhiều công ty Nhật đã bắt đầu chú trọng ngoại ngữ. Sony đòi hỏi các nhân viên phải biết giải thích về sản phẩm bằng tiếng Anh. Honda dự định tới năm 2020 sẽ chuyển đổi sang ngoại ngữ.
Dù văn hóa đóng kín của người Nhật sẽ tiếp tục trên đất nước này với chữ tượng hình nhưng hội nhập với thế giới thì chỉ còn cách đi theo trào lưu của thế giới.
Các nhà khoa học dự đoán 80% dân Nhật không cần tiếng Anh vẫn sống tốt. Nhưng với xu hướng người già nhiều, lao động trẻcó trình độ cao thiếu, thủ tướng Shinzo Abe không thể hài lòng với những dòng tượng hình nếu không thêm tiếng Anh phía dưới.
Chữ Hán Nôm và văn hóa Việt
Trung Quốc có nền văn hóa đồ sộ 5000 năm lịch sử, ảnh hưởng đến mọi ngõ ngách của thế giới. Người Hoa đi cư khắp nơi và để lại những China Town, khu người Hoa và chính họ cũng hòa nhập với người bản địa.
Với 1000 năm đô hộ của phương Bắc, Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn bởi văn hóa Trung Hoa, từ phong tục tập quán, chùa chiền miếu mạo, tới cả chữ viết.
Khi tìm tên cho đứa con đầu lòng, tôi thích chữ MINH vì trong chữ Nho thì MINH (明) bao gồm hai chữ mặt trời (日)và mặt trăng (月).Mặt trời sáng ban ngày, trăng sáng ban đêm. MINH là sáng cả đêm lẫn ngày thì chắc chắn rất sáng.
Từ đó, tôi thấy chữ Nho có những giá trị phong phú, nếu không hiểu thật đáng tiếc. Thăm đền chùa, tôi hay hỏi các vị sư chủ trì về các chữ viết trên câu đối và thích thú khi nghe giải thích ý nghĩa của từng chữ.
Chữ Nho là một phần không thể thiếu của người Việt. Để mai một hay trường tồn phụ thuộc vào các nhà văn hóa và lãnh đạo có tầm nhìn.
Lựa chọn thế nào?
Ngày nay Trung Quốc với số dân gần 1,4 tỷ, nền kinh tế thứ 2 thế giới, sự phát triển mà phương Tây vừa nể vừa lo ngại.
Thấy người Mỹ học tiếng Trung để tìm việc ở Bắc Kinh thì phải hiểu đó là sự hội nhập. Tháng 9 năm ngoái, TT Obama công bố muốn có 1 triệu người Mỹ biết tiếng Trung vì cho rằng, hai quốc gia muốn hợp tác tốt thì phải có con người cụ thể biết tiếng của nhau.
PGS Giang kêu gọi dạy Hán Nôm trong trường là một ý tốt. Hiểu được di sản cha ông để lại sẽ tìm được ngọc trong đá cho quốc gia phát triển.
Đất nước đang khủng hoảng niềm tin, văn hóa bị xô lệch từ Á sang Âu, từ Nga sang Trung cho tới Nhật, việc nhận biết mình là ai, đâu là thế mạnh, thì chắc chắn phải hiểu nguồn gốc. Chữ Hán Nôm là một công cụ.
Về đối ngoại, hàng xóm lúc vui, lúc buồn, lúc thân tình, lúc thù hận, nếu hiểu người ta thì dễ sống hơn là phủ nhận. Cách tốt nhất để không bị lệ thuộc Trung Quốc, lan tỏa ngược văn hóa Việt hay hợp tác win win thì nên biết đối tác như người Nhật đang học tiếng Anh.
Con trai của tôi hiện đang học PTTH tại Mỹ. Nhớ có lần giải thích cho cháu về chữ MINH. Không rõ cháu có hiểu, nhưng khi vào lớp 8, cháu đã chọn tiếng Trung là một ngoại ngữ. Trong trường, học sinh được lựa các môn mà các cháu cho là thế mạnh và có đam mê. Thích lịch sử thì học nhẹ toán, thích IT có thể bớt môn sinh vật.
Với học sinh tại Việt Nam cũng nên để những lựa chọn tự nhiên cho các cháu. Cháu nào thích khoa học kỹ thuật nên chọn tiếng Anh hay Pháp. Mê văn hóa phương Đông thì tiếng Trung hay Nhật là những ngôn ngữ đáng học. Mê lịch sử, văn hóa cổ chọn nghiên cứu Hán Nôm.
Nếu được lựa như menu trong nhà hàng thì phụ huynh và học sinh sẽ biết học cho sự đam mê và khởi nguồn cho sáng tạo.
Để có sự trong sáng của tiếng Việt thì nên Việt hóa thay vì dùng các từ bị Hán hóa một cách vô thức. Và không thể bắt bọn trẻ ngồi nhai từng chữ rắc rối như thế hệ cách đây nửa thế kỷ"Thiên trời địa đất...".