PGS Bùi Hiền từ chối bình luận về đề xuất
Cử nhân ngoại ngữ Phạm Gia Dũng, hiện đang làm dịch thuật tại Q.1, TP Hồ Chí Minh đã đề xuất bộ chữ Tiếng Việt cải tiến theo âm tiết La-tinh, không dùng ký tự dấu, trong đó Luật giáo dục sẽ được viết thành "Luaath Jaox zukh", Tiếng Việt thành "Tieeqx Vieeth".
PGS.TS Bùi Hiền, người đề xuất cải tiến bảng chữ cái Tiếng Việt đang gây tranh cãi thời gian qua cho biết, cá nhân ông ủng hộ mọi đề xuất, sáng kiến như của ông Dũng trong nghiên cứu, cải tiến bảng chữ cái Tiếng Việt.
Tuy nhiên, ông từ chối bình luận thêm về đề xuất của cử nhân Dũng vì đang tập trung tiếp tục nghiên cứu công trình cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt của mình. Đồng thời, theo ông, đề xuất của cử nhân Dũng cần phải có sự đánh giá, nghiên cứu kỹ thêm dưới góc độ khoa học.
Còn PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam cũng cho rằng, cá nhân ông và Hội luôn ghi nhận các ý kiến, đề xuất cải tiến đối với ngôn ngữ Tiếng Việt của các nhà khoa học, cá nhân tâm huyết.
Ví dụ được ông Dũng đưa ra.
Nhưng theo ông, vấn đề liên quan đến cải tiến ngôn ngữ Tiếng Việt rất phức tạp và phải xuất phát từ những khảo sát rất cẩn thận, khoa học.
"Ngay cả khi khảo sát rất cẩn thận cũng khó nên chúng ta ghi nhận đề xuất như của ông Dũng còn không nên bàn kỹ vấn đề này, nhất vào thời điểm hiện tại, khi dư luận vừa có phản ứng rất mạnh mẽ với đề xuất của PGS Hiền. Việc bàn thêm sẽ chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa", PGS Tình nói.
Cũng theo PGS Tình, sắp tới, Hội sẽ tổ chức một Hội thảo bàn về cải tiến ngôn ngữ Tiếng Việt và khi đó, các nhà khoa học, cá nhân tâm huyết với tiếng Việt có thể trình bày nghiên cứu, phương án của họ sau.
"Vấn đề liên quan đến ngôn ngữ Tiếng Việt là rất lớn nên mọi đề xuất cần đưa qua Viện ngôn ngữ hoặc Hội ngôn ngữ học Việt Nam để có sự bàn thảo, đánh giá một cách thấu đáo, kỹ càng trước khi trình ra, nếu không người đề xuất sẽ lại bị ném đá ào ào như chơi", PGS Tình nêu rõ.
Cử nhân Phạm Gia Dũng, người đề xuất cải tiến Tiếng Việt thành "Tieeqx Vieeth".
Làm cho Tiếng Việt mất đi tình cảm
Một chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa nhận xét, với việc bỏ ký tự dấu như trong đề xuất của ông Dũng làm cho Tiếng Việt bị mất đi tượng hình, tình cảm và trở nên khô cứng, thậm chí "vô hồn".
"Chữ viết thể hiện văn hóa, tình cảm, con người Việt trong đó và ký tự dấu dù có thể nhiều người có thể coi là khó nhưng đây là nét riêng của Tiếng Việt đã ăn sâu vào mỗi người dân.
Việc đề xuất như của ông Dũng có thể sẽ gây tổn hại đến văn hóa, tốn kém vật chất của xã hội, mất thời gian và khiến câu chữ trở nên vô hồn, vô cảm", vị này nói đồng thời cho biết, không muốn bàn thêm về việc này.
Đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho hay, như đã có trả lời trước đó về đề xuất của PGS Bùi Hiền là Bộ trân trọng tất cả các công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học.
Tuy nhiên, Bộ không đủ thẩm quyền và không dự kiến áp dụng bất cứ phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Trước đó, cử nhân Phạm Gia Dũng cũng chia sẻ, sau khi đề xuất của ông được đăng tải đã có rất nhiều ý kiến phản hồi, trong đó, đa phần các ý kiến đều tập trung "ném đá".
"Tôi theo dõi nhiều bình luận thì thấy đa phần họ đều ném đá và cảm thấy rất chai mặt.
Nhưng nhiều người đang hiểu nhầm bởi đề xuất của tôi là một bộ ký tự chỉ dùng hỗ trợ song song nhất là trong hộ tịch, căn cước chứ phải là chữ viết thay thế hằng ngày, trừ một số trường hợp thích dùng phá cách để tạo bất ngờ.
Tôi không hề có ý nói nó là chữ viết để dùng hằng ngày, hay viết sách báo … và tôi làm không tính toán gì mà chỉ dùng cho công cộng và cứ đúng thế mà làm", ông Dũng chia sẻ.