Người bán hàng rong ở Tp.HCM bị ảnh hưởng lớn do đại dịch. Ảnh minh họa
Người lao động nghèo "chơi vơi" giữa đại dịch
Tp.HCM đã tiến hành giãn cách xã hội toàn thành phố từ ngày 31/5, cuộc sống Sài Gòn vốn tấp nập bỗng trở nên ảm đạm lạ thường. Những người bán hàng rong, bán vé số hay xe ôm bỗng cảm thấy chơi vơi, không biết bản thân mình trụ được bao lâu giữa Sài Gòn.
Bà P. (48 tuổi), bán đồ ăn vặt trên chiếc xe đẩy ở đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) thở dài cho PV Thanh Niên hay, từ sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Tp.HCM có ca nhiễm Covid-19 mới, quầy ăn vặt của bà "ế thảm thương". "Tôi chưa thấy cái đợt dịch nào như đợt dịch này, ế kinh khủng. Hồi mấy đợt trước, kiểu gì cũng có khách lai rai, cũng sống được chứ đợt này là vắng tanh luôn", bà P. ngao ngán nói.
Người bán hàng rong ở Tp.HCM bị ảnh hưởng lớn do đại dịch. Ảnh minh họa
Chung cảnh ngộ, ông Hoàn (51 tuổi, bán bánh ở giao lộ Phan Xích Long - Hoa Sứ, Q.Phú Nhuận) cũng không thoát khỏi cảnh ế ẩm vì dịch Covid-19. Theo lời ông Hoàn, chiếc xe chiên bánh này là nguồn thu nhập chính của gia đình, gặp dịch, ngày nào thu nhập cũng bị giảm một nửa.
"Bán hàng rong, ngày nào tiêu ngày đó, giờ mà nghỉ thì ai nuôi con, ai nuôi gia đình. Dịch thì sợ thiệt, mà đói cũng sợ luôn nên cứ phải trang bị phòng dịch và tiếp tục bán hàng", ông Hoàn bộc bạch.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm (74 tuổi, bán vé số dạo, tạm trú quận 8) buồn bã: "Khoảng thời gian này là thời điểm khó khăn nhất mà bà từng đối mặt kể từ khi rời quê vào Tp.HCM bán vé số dạo. Lúc chưa dịch, người ta đi chợ nhộn nhịp lắm. Tôi đi vài vòng chợ bán vé số cũng đủ tiền trang trải nhưng bây giờ phải nhịn đói, đi xin cơm từ thiện hoặc ăn cháo loãng qua bữa".
Người bán vé số tìm được khách mua hiếm hoi. Ảnh: LĐO
Không chỉ người bán vé số, thu mua ve chai bị ảnh hưởng, dịch bệnh cũng tác động mạnh mẽ lên sinh kế của người giúp việc, xe ôm,... Chị Cao Thị Thanh (54 tuổi, ở quận 4, Tp.HCM) cho Vietnamnet biết, trước khi dịch trở nên phức tạp, chị làm giúp việc nhưng bây giờ ai cũng ở nhà và để đảm bảo an toàn, họ tạm thời không cần giúp việc nữa. Đã thế, dịch bệnh cũng khiến chồng chị làm xe ôm không có khách. "Có hôm ngồi cả ngày trời ngoài đường, ông ấy không chạy được cuốc xe nào. Nói chung, cuộc sống rất chật vật", chị Thanh kể.
Người lái xe ôm vắng khách do giãn cách xã hội khiến người dân hạn chế ra đường. Ảnh: Internet
Cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 là những người chạy xe ôm ở Tp.HCM. Nhiều tài xế xe ôm truyền thống cho biết, thu nhập bị ảnh hưởng rất nhiều. Ông Quang, tài xế xe ôm truyền thống, chia sẻ với Vietnamnet: "Bây giờ, dịch bệnh, giãn cách xã hội, chúng tôi gần như ế khách, thu nhập giảm chạm đáy luôn". Cũng theo ông, dù sợ dịch bệnh, ế khách nhưng ông và những người làm nghề xe ôm không thể ở nhà bởi ở nhà là chết đói.
Đề xuất "bơm" 1.000 tỷ đồng hỗ trợ xe ôm, bán hàng rong,...
Nắm bắt được hoàn cảnh khó khăn của những người lao động bị ảnh hưởng bởi lệnh giãn cách xã hội toàn Tp.HCM như bán hàng rong, xe ôm, bán vé số,.. Sở Lao động Thương binh Xã hội TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Sở Kế hoạch Đầu tư về đề xuất hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 để báo cáo UBND TP.
Trong đó, lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do) mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bị giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Số lao động thuộc nhóm này, theo thống kê của Sở LĐTBXH Tp.HCM, là 230.000 người.
Đây là những lao động đã đăng ký tạm trú tại địa phương, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng, làm một trong các công việc như:
Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.
Bên cạnh đó, gói hỗ trợ 1 nghìn tỷ này của Tp.HCM cũng dành cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp,…
Dự báo về khó khăn của người lao động, đặc biệt là lao động tự do và lao động nghèo do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều phương án hỗ trợ người lao động đang được đề xuất và đưa vào thực hiện tại TP.HCM. Mong rằng với sự đề xuất hỗ trợ kịp thời từ các cấp, các ngành, những người lao động tự do ở Tp.HCM có thể mạnh khỏe vượt qua dịch bệnh, để không để ai bị bỏ lại phía sau.
(Tổng hợp)