Đề Văn chọn học sinh giỏi cực thâm thuý: Bắt phân tích 2 lọ... chứa đầy sỏi, được 8 điểm đề này phải 'siêu nhân' lắm!

Nguyễn Hoa |

Trí tưởng tượng của dân chuyên Văn quả thật không phải dạng vừa khi giải quyết được câu hỏi này đây!

Văn học vốn là bộ môn khó nhằn và dễ gây buồn ngủ đối với tụi học trò. Hễ đến tiết Văn là đứa nào đứa nấy lại than trời, nhất là tụi bạn khô khan chỉ hợp với các môn Tự nhiên không thích bay bổng, tưởng tượng.

Nhưng đối với các bạn học chuyên môn này, Văn chương là một thứ gì đó mà chỉ cần đặt bút xuống là có thể phân tích mấy trang giấy liền.

Tuy nhiên, đề thi Học sinh giỏi chưa bao giờ là dễ thở đối với tụi học chuyên Văn. Để phân loại năng lực thí sinh, các đề thi thường mang tính đánh đố đòi hỏi sự mở rộng và liên hệ thực tiễn.

Như mới đây, đề thi chọn học sinh giỏi môn Văn lớp 12 cấp tỉnh Bình Định gây chú ý trong cõi mạng khiến tụi chuyên Văn cũng lắc đầu ngao ngán. Theo đó, đề văn gồm 2 câu tối đa 20 điểm và làm bài trong 180 phút.

Đề Văn chọn học sinh giỏi cực thâm thuý: Bắt phân tích 2 lọ... chứa đầy sỏi, được 8 điểm đề này phải siêu nhân lắm! - Ảnh 1.

(Ảnh Internet)

Đề Văn chọn học sinh giỏi cấp tỉnh của Bình Định năm nay có 2 câu: Nghị luận xã hội và nghị luận Văn học. Trong đó, câu hỏi nghị luận xã hội được đánh giá khá hay và sáng tạo, đòi hỏi học sinh phải có tư duy mở khi làm bài.

Câu 1: Nghị luận xã hội (8 điểm)

Từ hình ảnh trên, theo anh (chị), đối với học sinh Trung học phổ thông, những loại công việc nào là "hòn đá lớn"; "viên cuội bé"; "cát mịn"; "nước lã". Hãy chia sẻ phương án sử dụng thời gian của bản thân.

Câu 2: Nghị luận Văn học (12 điểm)

Nhà phê bình Hoài Thanh viết: "Thích một bài thơ, theo tôi nghĩ, trước hết là thích một cách nhìn, một cách nghĩ, một cách xúc cảm, một cách nói, nghĩa là trước hết là thích một con người".

Anh (chị) có suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên? Hãy làm rõ ý kiến của anh (chị) qua một số bài thơ thời kháng chiến chống Pháp (1946-1954) mà anh (chị) thích.

Nhìn vào đề bài trên, nhiều học sinh không khỏi toát mồ hôi hột. Thông thường, câu nghị luận xã hội thường “dễ thở” hơn và là câu kiếm điểm của tụi học trò. Thế nhưng ở đề thi này, sự đánh đố thông qua vỏn vẹn 2 bức ảnh đã làm khó không ít dân chuyên Xã hội.

Mặc dù kiểu ra đề này không phải là mới nhưng nó đòi hỏi trí sáng tạo và vận dụng thực tế của tụi học trò. Đúc kết lại qua 2 hình ảnh chính là bài học quản lý thời gian.

Đề Văn chọn học sinh giỏi cực thâm thuý: Bắt phân tích 2 lọ... chứa đầy sỏi, được 8 điểm đề này phải siêu nhân lắm! - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Dưới đây là phần gợi ý nhận được sự quan tâm nhiều nhất của cộng đồng mạng, cùng tìm hiểu xem ý đồ của tác giả khi đưa ra đề bài này nhé!

"- Ở câu 1, trước tiên phải tìm hiểu và làm rõ khái niệm ẩn ý đằng sau 2 bức ảnh trên.

Theo đó, có thể hiểu đơn giản như sau: Hòn cuội là định hướng nhỏ trong tương lai (điểm cao, học bổng, phong trào); viên đá to là công việc quan trọng (học tập, thi cử); hạt cát là những điều nhỏ bé bên lề (thú vui, các trò tiêu khiển) còn nước lã là những thứ chỉ lướt qua và không đọng lại ý nghĩa trong mỗi người (điểm kém, lời chê bai).

- Phân tích mối quan hệ giữa những sự vật này và công việc của học sinh THPT: Ban đầu, chúng chỉ là 2 lọ thủy tinh rỗng, nhưng nếu bỏ đầy những hòn đá, viên cuội, hạt cát và đổ nước vào thì các viên cuội sẽ lăn vào khe hở giữa những hòn đá và hạt cát theo đó cũng len lỏi và đổ xuống phía đáy bình. Suy rộng ra, những kế hoạch như đạt điểm cao có quan hệ mật thiết với việc học tập, những thú vui thực dụng thì để nó qua đi, cũng như những lần điểm kém thì không nên để tâm đến.

- Liên hệ với phương án sử dụng quỹ thời gian: Rất nhiều bạn trẻ đang tiêu tốn nhiều thời gian vào những trò giải trí vô bổ, mạng xã hội thực dụng mà không có sự định hướng về việc học tập. Nếu như bỏ đá trước, sau đó vẫn thêm được hòn cuội, hạt cát và sau cùng là nước. Tức là chúng ta có thể dung hòa mọi thứ. Vậy nên hãy sử dụng thời gian một cách hợp lý, ưu tiên cho những việc quan trọng."

Đề Văn chọn học sinh giỏi cực thâm thuý: Bắt phân tích 2 lọ... chứa đầy sỏi, được 8 điểm đề này phải siêu nhân lắm! - Ảnh 3.

Đọc xong đề thi có lẽ không ít người khóc thét! (Ảnh minh họa)

Đối với loại câu 12 điểm, thí sinh cần vận dụng kiến thức về lý luận văn chương, cụ thể là cá tính hay còn gọi là sự sáng tạo, phong cách nghệ thuật của tác giả. Câu hỏi này không quá đánh đố tụi chuyên Văn nên khả năng cao sẽ có đất diễn để "chém" đây mà.

Rất đông bạn trẻ đã trổ tài phân tích đề thi bằng những lý lẽ riêng mà chúng ta có thể tham khảo như sau:

"- Thích là một trạng thái cảm xúc yêu mến. Thích trong văn chương nói chung và thơ ca nói riêng tức là tác phẩm ấy phải có sức hấp dẫn riêng. Những yếu tố như cách nghĩ, cách xúc cảm hay cách nói nghĩa là sự lôi cuốn về mặt nội dung lẫn hệ thống các phương tiện biểu đạt.

- Con người ở đây chính là một cá tính văn chương, một gương mặt đại diện cho nghệ thuật. Theo Hoài Thanh, cảm nhận vẻ đẹp trong thơ chính là sự sáng tạo của người cầm bút. Phải có cá tính riêng thì thi nhân mới tạo nên được tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

- Liên hệ và phân tích qua một số bài thơ thời kháng chiến chống Pháp (1946-1954) như Tây Tiến - Quang Dũng, Việt Bắc - Tố Hữu..."

Chính dạng đề mở không theo khuôn mẫu có sẵn thế này mới đánh giá được khả năng mở rộng, liên hệ thực tiễn của người học. Dù là đề thi học sinh Giỏi nhưng những bạn đại trà cũng nên tham khảo những gợi ý bổ ích trên để có thêm tư liệu trong cuộc sống nhé!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại