Highlights Việt Nam vs Indonesia: Thất bại nghiệt ngã
Mới đây, khi chia sẻ trước truyền thông Việt Nam, Tổng thư ký VFF ông Dương Nghiệp Khôi chia sẻ:
"HLV Troussier cần sự hỗ trợ của Ban trọng tài VFF. Tôi từng đề xuất với ông Troussier như vậy, ban đầu ông ấy không hiểu tại sao. Sau đó tôi phải giải thích rằng các cầu thủ Việt Nam thực ra chưa hiểu về VAR, chưa biết cách ứng xử trên sân để tránh những lỗi lầm, thẻ đỏ đáng tiếc.
Ban trọng tài sẽ hỗ trợ cho cầu thủ để họ hiểu rõ việc phải hành xử thế nào cho đúng luật. Các tuyển thủ Việt Nam cần phải được trang bị cách ứng xử, để tránh rơi vào những tình huống phạm lỗi".
Sở dĩ có câu chuyện giữa ĐT Việt Nam và VAR là bởi tại VCK Asian Cup 2023, tuyển Việt Nam phải chịu tới 3 quả penalty. Trước Indonesia, chúng ta thua bàn duy nhất từ chấm 11m ở phút 42. Trước Iraq, chúng ta thậm chí chịu tới 2 quả penalty ở phút 83 và 90+12 (nhưng may mắn chỉ thua 1 bàn).
Trong số 3 quả penalty ĐT Việt Nam phải chịu ở VCK Asian Cup 2023, bàn thua trước Indonesia là cay đắng nhất.
Đội tuyển Việt Nam thủng lưới trong trận đấu với Indonesia.
Ở tình huống không quá cần thiết, không hiểu tại sao Thanh Bình lại kéo áo đối thủ tới… vài giây để rồi phải chịu phạt. Mà Thanh Bình thực tế đã bắt đầu chơi cho ĐT Việt Nam từ năm 2021, kinh qua vài trận đấu, kể cả các trận có VAR. Nếu để áp Thanh Bình vào trường hợp như Tổng thư ký Dương Nghiệp Khôi nói, là chưa hiểu về VAR, thì không hẳn.
Ý kiến Tổng thư ký Dương Nghiệp Khôi đưa ra, tức cần Ban trọng tài bổ túc thêm cho các cầu thủ, là cần thiết. Nhưng bên cạnh đó, như nhà báo Hữu Bình hiến kế với VFF, thì còn một điều khác cũng rất, rất cần phải làm.
Đấy là việc VFF cần Ban trọng tài ngồi lại với HLV của các CLB V.League và giải thấp hơn tại Việt Nam, phổ biến kĩ về VAR, về những điều HLV cần nhắc cầu thủ không nên làm khi thi đấu.
Hiện tại, V.League đã có vài trận sử dụng VAR, nhưng đa số còn lại là chưa nên mức độ các CLB V.League thông thạo cách vận hành của VAR còn thấp.
Quan trọng hơn, một thực tế đã tồn tại rất lâu của bóng đá Việt Nam, đấy là cách chơi tưởng như "khôn ngoan" nhưng hóa ra lại thành lợi người, hại mình.
Ví dụ như có những CLB dạy cầu thủ cách phạm lỗi mà… né trọng tài. Hoặc thậm chí, dạy cách chơi bóng quyết liệt ngoài mức cho phép để truy cản đối phương.
Cách chơi "khôn lỏi" ấy dĩ nhiên có điểm trừ đầu tiên là xấu xí trong mắt NHM, thứ đến là có thể "đá đổ bát cơm" của đồng nghiệp. Và giờ, khi các trọng tài được hỗ trợ nhiều để dễ quan sát, đưa ra quyết định đúng đắn hơn, thì lối chơi "khôn lỏi" ấy dễ bị "phản đòn".
Các cầu thủ Việt Nam biết cách để ứng xử với trọng tài, với công nghệ VAR là một chuyện. Nhưng quan trọng hơn là trong họ, cần xây dựng tinh thần chơi bóng đá đẹp, hướng về việc hơn thua đối thủ ở chuyên môn chứ không phải tiểu xảo.
Để có thứ tinh thần ấy, bản thân cầu thủ là một chuyện nhưng quan trọng hơn sẽ là cách đào tạo từ trẻ tới lớn, tới cách sử dụng hàng tuần ở mỗi CLB. Điều đó tất nhiên là trách nhiệm từ BLĐ tới BHL của các đội bóng.
Chung tay để cùng tạo nên phong cách chơi đẹp là điều bóng đá Việt Nam chưa làm được nhiều năm qua. Nhưng bây giờ, chúng ta cần thay đổi tinh thần ấy chứ không chỉ là hô hào về việc nâng cao trình độ chuyên môn.
Chẳng nhìn đâu lạ, chính hình mẫu mà bóng đá Việt Nam đang hướng tới – Nhật Bản, cũng như vậy. Người Nhật bên cạnh việc nâng cao thể chất, thể hình, tinh thần, kĩ chiến thuật, tốc độ thì cũng luôn chơi bóng rất đẹp, tạo nên hình tượng hoa mỹ trong mắt NHM. Và kéo theo đó, họ cũng ít chịu các pha… "chết đứng" như ĐT Việt Nam vừa nhận trước Indonesia.
Xem Trực tiếp & Trọn vẹn Asian Cup 2023 trên FPT Play, tại: https://fptplay.vn/