Toán là một trong những môn học quan trọng đối với học sinh phổ thông, ngay từ tiểu học, chúng ta được làm quen với các phép tính cộng trừ nhân chia đơn giản, lớn lên, sẽ bắt đầu được dạy các kiến thức nâng cao hơn. Không như môn Văn, môn Toán đòi hỏi học sinh khi làm bài phải cho ra một kết quả chung nhất, đề bài vì thế lúc nào cũng phải mang tính logic nhất định. Tuy nhiên, đôi khi có những bài toán khiến người đọc khá đau đầu vì những chi tiết có vẻ vô lý.
Một bài toán tiểu học mới đây đã khiến cư dân mạng có phần thắc mắc. Bài toán có nội dung:
Hiện nay Nam 4 tuổi, tuổi của bố gấp bốn lần tuổi Nam. Tuổi của mẹ nhỏ hơn bố Nam 3 tuổi. Hỏi bố Nam và mẹ Nam bao nhiêu tuổi?
Học trò thực hiện các bước giải khá đầy đủ và chi tiết, đáp án cũng không có gì để bàn cãi vì với các dữ kiện đề bài cho thì hẳn nhiên nhiều người cũng có kết quả như vậy là bố 16 tuổi và mẹ 12 tuổi.
Nhưng khoan, dừng lại một chút để thấy có gì phi lý ở đây. Bố và mẹ của Nam đều sinh Nam khi cả hai chưa đủ 18 tuổi, nhất là đã sinh Nam được những... 4 năm. Ái ngại hơn là tuổi của mẹ chỉ mới 12, tức là có thể chưa hoặc mới bắt đầu bước vào.... tuổi dậy thì.
Nếu theo đề bài, thì Nam được sinh ra ở thời điểm mà bố mới 12 tuổi và mẹ mới 8 tuổi. Điều này lại càng thiếu logic hơn nữa.
Khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn cụ thể như sau:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Như vậy, chỉ lướt sơ qua thôi, cũng đủ thấy bố mẹ Nam cưới nhau và sinh con không thuộc độ tuổi mà pháp luật Việt Nam cho phép, nếu ngoài đời thực thì có thể được xem là nạn "tảo hôn" mất rồi.
Với đề toán trên, cô giáo có thể sửa lại nhân vật trong câu hỏi là anh/chị của Nam có vẻ sẽ logic hơn rất nhiều!