Cụ thể, nội dung câu hỏi số 1 trong đề thi như sau:
"Suy ngẫm về những khoảnh khắc trong cuộc sống, thi sĩ Xuân Diệu muốn ngưng động thời gian để lưu giữ lại những điều tốt đẹp nhất:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
(Trích Vội Vàng)
Nhà sư Gyatso Rinpoche lại cho rằng mỗi người cần học cách buông bỏ để tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn: "Học được cách quên, hiểu được cách bỏ, cuộc sống vốn luôn tiến lên phía trước sau những cuộc chia tay" (Trích "Chớ vội vã dù dòng đời xô ngã", NXB Hồng Đức)
Theo em, giữa "lưu giữ" và "buông bỏ", sự lựa chọn nào sẽ mang đến hạnh phúc cho con người. (Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Văn năm học 2018-2019, ĐH Sư phạm TP.HCM)
Thật bất ngờ khi vấn đề "buông bỏ" trong Phật giáo lại đi vào một đề thi, lại càng bất ngờ hơn khi đề thi đó lại dành cho những học sinh mới chỉ vừa tốt nghiệp cấp 2, bởi ngay cả với những người đã sống qua tuổi xế chiều, đề tài ấy vẫn luôn khơi lên nhiều suy nghĩ. Buông hay giữ, lại thường là lựa chọn khó nhất vào những thời khắc quan trọng của cuộc đời.
Vô thường đến cả núi đồi cỏ cây
Đạo Phật đi vào đời đã rất tinh tế nhìn ra mầm mống của khổ đau ngay khi còn hạnh phúc: khi hoa nở đã nhuốm màu phôi pha, khi tụ hợp đã có mầm ly biệt. Những niềm vui ấy không kéo dài lâu bởi sự vật luôn biến đổi, và niềm vui chỉ là tương đối vì nó sẽ biến mất. Đau khổ vì tính chất hoại diệt của vạn vật, nhà Phật gọi đó là Hoại Khổ (vipariṇāma-duḥkha).
Có lẽ vì hiểu không thể giữ mãi được những khoảnh khắc đẹp đẽ đang hiện ra, nên nhà thơ Xuân Diệu mới có mong muốn kì lạ và lãng mạn đến thế, "tôi muốn buộc gió lại, cho hương đừng bay đi".
Mong muốn ấy không chỉ riêng nhà thơ có, mà tất cả mọi người đều chung một hi vọng rằng những gì đang tốt đẹp sẽ tốt đẹp mãi.
Nhưng khổ đau cũng bắt đầu từ đó.
Khi yêu, chúng ta muốn tình yêu sẽ còn mãi giữa hai người.
Khi đang giàu có, chúng ta muốn mình luôn được hưởng thụ sự thoải mái về vật chất.
Khi đang khỏe mạnh, chúng ta muốn mình luôn có đủ sức khỏe, không bao giờ bệnh tật.
Khi được nhiều người kính trọng, chúng ta muốn danh dự của bản thân không bao giờ mất đi.
Nhưng điều đó là không thể, bởi mọi thứ trên đời luôn vô thường, luôn biến đổi. Ngay cả khi có thể lưu giữ lại những điều tốt đẹp nhất để có được chút hạnh phúc thì phút giây hạnh phúc ấy cũng chỉ là nhất thời, không kéo dài lâu.
Một thi sĩ đã từng viết:
"Vô thường em
Vô thường tôi
Vô thường đến cả núi đồi cỏ cây
Vô thường như những vầng mây
Hợp là hợp để đến ngày ly tan"
(Trường ca vô thường – Trí Năng)
Trích "Trường ca vô thường" - Trí Năng.
Học được cách quên, hiểu được cách bỏ
Khi hạnh phúc, chúng ta muốn giữ lại. Khi khổ đau, chúng ta muốn quên hết. Nhưng làm sao có thể ép mình quên, khi không có một tri kiến vững vàng?
"Học được cách quên, hiểu được cách bỏ" như nhà sư Gyatso Rinpoche nói tới, đó là đi từ một nền tảng hiểu biết về sự vận hành của vạn vật trên đời, chúng có một quy luật chung là Vô Thường. Khi nào bạn chấp nhận được quy luật đó, không kháng cự lại nó, chính là lúc bạn đã biết cách quên, cách bỏ.
Bởi vì "vạn pháp vô thường" nên có sinh sẽ có diệt, có hợp sẽ có tan, đó là điều tất yếu mà bạn không thể níu giữ hay chối từ, sửa sang hay chuyển hóa.
Nhưng bạn luôn luôn, vào bất cứ lúc nào - không bao giờ là muộn - có thể làm được một điều, là tận hưởng trọn vẹn hiện tại đang diễn ra.
Phút giây bạn đang khỏe mạnh đừng lo về một thân thể bệnh tật giày vò, phút giây bạn đang thoải mái về vật chất đừng lo toan tiền bạc, phút giây bạn bạn đang tự do không gì trói buộc hãy làm điều mình thích… Vì những điều đó sẽ không kéo dài lâu, nên hãy sống với nó thật trọn vẹn.
Sẽ thật khó để buông bỏ khi bạn chưa biết cách buông, chưa chấp nhận buông, chưa hiểu tại sao phải buông. Nhưng chỉ cần bạn nhớ về sự đổi thay của cuộc đời là lẽ thường tình, buộc phải xảy ra, không thể tránh khỏi, thì chữ "buông" sẽ đến với bạn một cách tự nhiên, không cần cố gắng, trong sự chấp nhận đầy trí tuệ.
Và cứ thế, "cuộc sống vốn luôn tiến lên phía trước sau mỗi cuộc chia tay".