Cuối tuần qua, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhóm cố vấn kinh tế hàng đầu Trung Quốc cho biết nước này sẽ theo đuổi kế hoạch phát triển mới trong đó "tiêu thụ nội địa sẽ đóng vai trò chính".
"Trong tương lai, chúng ta phải coi nhu cầu tiêu thụ nội địa là điểm khởi đầu và bàn đạp để chúng ta tăng tốc xây dựng hệ thống tiêu thụ nội địa hoàn chỉnh, và tăng cường củng cố sự phát triển trong khoa học, công nghệ và những lĩnh vực khác," ông Tập nói.
Lời tuyên bố của ông Tập hàm ý rằng Bắc Kinh sẽ dần từ bỏ chiến lược "vươn ra thế giới" được áp dụng từ những năm 1990 vốn đã giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
"Đây là sự chuẩn bị cho viễn cảnh xấu nhất, bao gồm cắt đứt quan hệ thương mại với Mỹ và thậm chí tất cả các nước phương Tây," Hu Xingdou, một nhà kinh tế học tại Bắc Kinh, cho hay.
Ông Hu nói Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài đối diện với thách thức, nhưng cũng cảnh báo rằng Bắc Kinh không nên đảo ngược các cải cách thị trường và không quay trở về mô hình kinh tế chính phủ đưa ra toàn bộ quyết định.
Theo chiến lược xuất khẩu cũ, Trung Quốc đã hướng tới vị trí là mắt xích trong chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu, tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu và sau đó xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh cho các thị trường tiêu thụ.
Hệ thống này đã hoạt động ổn định sau khi Trung Quốc gia nhập tổ chức WTO vào năm 2001 và biến quốc gia này trở thành "công xưởng của thế giới". Tuy nhiên, mô hình này đã bắt đầu thoái trào trong những năm gần đây, khi Trung Quốc phải cố gắng cải thiện các dây chuyền sản xuất.
Tình hình hiện tại cùng với cuộc thương chiến với Mỹ và sự chia rẽ của kinh tế thế giới sau đại dịch sẽ buộc Bắc Kinh phải lựa chọn phương án "tự cung tự cấp" trong tương lai.
Theo ông Tập, Trung Quốc đang đối diện với những chông gai từ thế giới bên ngoài, bao gồm sự suy thoái nặng nề của kinh tế toàn cầu, sự gián đoạn của thương mại và đầu tư quốc tế cũng như rủi ro địa chính trị.
"Chúng ta sẽ phải tìm kiếm sự phát triển ở một thế giới không ổn định và không chắc chắn," ông Tập nói.
Ông Tập đề ra mục tiêu rằng Trung Quốc sẽ chủ động trong công nghệ, thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực như kinh tế số, sản xuất thông minh, y tế, khoa học đời sống và nghiên cứu những nguyên vật liệu mới.