Trung Quốc chi tiền và xây dựng tòa nhà trụ sở khang trang cho Liên minh châu Phi (AU) nhưng lại cài một cửa hậu trong hệ thống máy tính cho phép họ tiếp cận các tài liệu mật của tổ chức này.
Phẫn nộ
Tiết lộ chấn động trên nổi lên từ điều tra của báo Le Monde khiến Bắc Kinh hôm 29-1 phải bác bỏ kịch liệt. Theo tờ báo uy tín của Pháp, các nguồn tin giấu tên của họ ở AU cho biết vào tháng 1-2017, đơn vị công nghệ thông tin tại trụ sở AU ở Addis Ababa, thủ đô Ethiopia nhận thấy một hiện tượng lạ lùng. Dữ liệu máy tính được truyền tải ở mức cao điểm từ 0 đến 2 giờ mỗi ngày dù lúc này tòa nhà hầu như không có ai.
Mở rộng điều tra, giới chức trách phát hiện một điều thậm chí còn lạ lùng hơn: Các dữ liệu, trong đó có thông tin mật, được sao chép và gửi đến các máy chủ đóng ở TP Thượng Hải - Trung Quốc.
Hoạt động khó ngờ này kéo dài đều đặn suốt 5 năm, tức là từ khi tòa trụ sở sáng choang của AU do Bắc Kinh chi 200 triệu USD xây dựng này đi vào hoạt động năm 2012. Đây được xem như biểu tượng cho nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở châu Phi và con đường tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của lục địa đen.
Sau khi vụ việc bị phát hiện, hệ thống máy tính của tòa nhà được Trung Quốc gọi là "món quà tới những người bạn châu Phi", trong đó có các máy chủ, đều được thay mới đồng loạt. Trong suốt cuộc diệt trừ "rệp nghe lén" theo sau, giới chức trách tìm thấy nhiều tai nghe giấu dưới bàn và trên tường.
Theo tờ Financial Times, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 29-1 ra tuyên bố bác bỏ các cáo buộc nghe lén, chỉ trích thông tin của Le Monde là vô căn cứ và hoàn toàn phi lý. Trong khi người phát ngôn của AU từ chối đưa ra bình luận, một quan chức ngoại giao châu Phi tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên của tổ chức này hôm 29-1 nói rằng người dân châu Phi sẽ không dễ dàng bỏ qua một hành động gây phẫn nộ lớn như vậy.
Tuy vậy, một quan chức ngoại giao phương Tây tại khu vực nói rằng AU không nên bất ngờ về chuyện này một khi đã để Trung Quốc xây tòa nhà trụ sở 19 tầng che khuất cả đường chân trời ở Addis Ababa. "Khi bạn để họ xây dựng toàn bộ hệ thống, tất nhiên họ sẽ nghe ngóng nó" - quan chức này khẳng định. Một quan chức khác của AU khẳng định còn rất nhiều vấn đề với tòa nhà cần phải giải quyết với Trung Quốc chứ không riêng về an ninh mạng.
Lo ngại
Không chỉ tại thủ đô của Ethiopia, đầu tư của Trung Quốc còn thấm đẫm các công trình hạ tầng đường bộ và đường sắt khắp châu Phi. Tại Hội nghị Thượng đỉnh với các lãnh đạo châu Phi năm 2015 ở Nam Phi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết viện trợ và đầu tư 60 tỉ USD cho lục địa này.
Vụ nghe lén bị phanh phui ở AU, nếu được xác thực, phần nào cho thấy nỗi lo về nguy cơ bị Trung Quốc nghe lén tại Mỹ là có cơ sở. Mối đe dọa này từng khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ khuyến nghị ngăn chặn các công ty công nghệ Trung Quốc ZTE và Huawei lấn sân vào thị trường Mỹ năm 2012. Trong tháng 1 này, nhà mạng AT&T của Mỹ đột nhiên bãi bỏ thỏa thuận phân phối mẫu điện thoại thông minh chủ lực của Huawei tại Mỹ.
Trong một nỗ lực mang quy mô lớn hơn, đội ngũ an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc các biện pháp ngăn gián điệp Trung Quốc nghe lén cuộc gọi, trong đó có việc xây dựng mạng không dây 5G siêu tốc. Phương án trên đang được tranh luận trước khi dự kiến được trình lên ông chủ Nhà Trắng xem xét sau 6-8 tháng nữa.
Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ Mike Pompeo hôm 29-1 nhận định với đài BBC rằng những nỗ lực của Trung Quốc trong việc lan truyền ảnh hưởng tại các nước phương Tây cũng đáng lo ngại như Nga. Ông Pompeo nhấn mạnh đã đến lúc các quốc gia cần hành động nhiều hơn nữa để ngăn Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng tại phương Tây - được tiến hành thông qua những chiêu trò như "đánh cắp thông tin thương mại" - xâm nhập trường học, bệnh viện…