Tử vong nhưng người nhà cứ tưởng ngủ
Ngay đầu năm, nguy cơ ngộ độc rượu tăng lên rõ rệt. Sau khi uống rượu say mềm, nhiều quý ông lăn đùng ra ngủ ngay, thậm chí còn không kịp cởi giày, thay quần áo.
Điều này khiến các bà vợ cũng hài lòng vì không phải chứng kiến cảnh chồng quậy phá hay nói linh tinh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, điều này không hề tốt mà ngược lại còn cực kỳ nguy hiểm.
Trường hợp của ông Trần Văn Hướng (64 tuổi) trú tại Thái Bình là điển hình. Đêm 30 Tết, ông Hướng cùng nhiều người ngồi uống rượu. Sau khi uống say ông về nhà ngủ. Đến sang mùng Một tết, vợ và hai con thấy ông vẫn ngủ say nên chẳng ai gọi ông dậy mà bảo để cho ông ngủ.
Đến chiều, cả nhà đi Tết về vẫn thấy ông Hướng ngủ nên vợ ông mới chạy vào gọi thì lúc này ông đã cứng đờ người, tử vong lúc nào cũng không ai biết.
Trên thực tế, theo các bác sĩ, không ít trường hợp uống rượu say rồi ngủ và tử vong lúc nào người thân cũng không hay. Chính vì thế, các bác sĩ cho rằng, tuyệt đối không để người say rượu ngủ một mình.
Triệu chứng của say rượu cũng có nhiều trường hợp, hoặc là có biểu hiện thể nhẹ như mất điều hòa, giảm khả năng phán xét, kích thích, hung hãn.
Biểu hiện nặng như hôn mê, thở yếu, ngừng thở, sặc phổi, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, có thể có chấn thương, biến chứng hạ đường máu nhất là ở người gầy yếu hoặc không ăn khi uống rượu, tiêu cơ vân, viêm dạ dày, mất nước điện giải.
(Ảnh minh họa)
Cách sơ cứu người say rượu
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp, bằng cách cho bệnh nhân nằm cao đầu và nằm nghiêng sang một bên.
Lý giải việc cần để người bị say nằm nghiêng sang bên phải bác sĩ Nguyên cho biết: "Đây là tư thế nghiêng an toàn, có tác dụng dẫn lưu đờm dãi ra ngoài, hạn chế nguy cơ hít vào phổi, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân bị nôn.
Tư thế này cũng giúp dạ dày uốn cong, thức ăn trong dạ dày không bị kích thích, nôn ra ngoài. Ngoài ra, người nhà nên để ý tới người say rượu và vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, tránh bị hôn mê mà không biết".
Khi bệnh nhân uống rượu, người nhà tuyệt đối không được gây nôn, uống nước chanh vì trong nước chanh có axit, không được cho người uống rượu tắm, không sử dụng các thuốc chống say, giải rượu...
Nếu trường hợp bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng hoặc thức ăn chứa tinh bột như ngô, khoai, sắn, hoặc sữa, đường... nhằm tránh hạ đường huyết.
Cho người bệnh uống nhiều nước ấm để tránh mất nước và để pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể, giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi.
Nếu bệnh nhân không tỉnh, nói ú ớ không rõ từ hoặc có dấu hiệu nặng như không nhận biết, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Trường hợp bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... cần phải đưa tới bệnh viện khám vì có thể ngộ độc cồn công nghiệp methadol.
Nếu thời tiết lạnh cần ủ ấm cho bệnh nhân. Chú ý chăm sóc và theo dõi người bệnh (gọi hỏi biết), tuyệt đối không nên để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày đêm vì có thể hôn mê rượu không biết dẫn đến tử vong.
Đây cũng là hiện tượng đặc biệt nguy hiểm với những trường hợp bệnh nhân là người trẻ tuổi, sống độc thân, hoặc ở phòng riêng…
Sau khi uống say về nhà, vào phòng nằm li bì, hôm sau không dậy được, không muốn ăn rất dễ bị hạ đường huyết, hoặc tổn thương não mà người nhà không biết, đến lúc can thiệp thì đã quá muộn.