Ngày 13/10, ông Lê Hải Lý, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, Nghệ An cho biết, huyện đã có báo cáo thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra từ ngày 26 và 27/9, trong đó đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và cơ quan liên quan xem xét đánh giá quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện.
“Các nhà máy thủy điện đều thực hiện xả lũ với lưu lượng lớn nhưng chỉ thủy điện Châu Thắng có thông báo gửi huyện để huyện có phương án cũng như thông báo tới nhân dân. Các nhà máy thủy điện khác chỉ thông báo về cho Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh cũng như Chi cục Thủy lợi nắm và thông tin. Khi huyện nhận được thông báo thì lũ lớn cũng đã ùa về gây ngập lụt rồi. Nhân dân và địa phương kiến nghị tỉnh có đánh giá toàn diện khách quan, khoa học về nguyên nhân, nhất là quy trình vận hành liên hồ chứa”, ông Lý cho hay.
Huyện Quỳ Châu chìm trong biển nước ngày 27/9
Trên địa bàn huyện Quỳ Châu có ba nhà máy thủy điện đang hoạt động là Nhạc Hạc, Châu Thắng và Nậm Pông. Theo hồ sơ từ Chi cục Thủy lợi Nghệ An, tối 26/9 thủy điện Châu Thắng có thông báo kế hoạch vận hành xả lũ hồ chứa dự kiến từ 4h sáng ngày 27/9, lưu lượng xả từ 76m3/s đến 450m3/s.
Tiếp đó, đơn vị này có thông báo với nội dung do nước hồ tăng đột biến từ việc thủy điện Nhạn Hạc xả khẩn cấp vào lúc 2h sáng 27/9 nên thủy điện Châu Thắng xả khẩn cấp vào lúc 2h35 phút sáng 27/9, lưu lượng xả từ 76m3/s đến 1.200m3/s.
Sau đó, thủy điện Châu Thắng gửi tiếp thông báo với nội dung hiện tại lưu vực hồ chứa mưa to, rất to, lượng nước về hồ có xu hướng gia tăng, dự kiến mức xả lũ về hạ du có thể đến 2.500m3/s, thời gian xả lũ tăng cường từ 8h30 sáng 27/9. Trong ngày 27/9, thủy điện Nhạn Hạc cũng thông báo xả lũ với lưu lượng xả tăng cường từ 500m3/s đến 1.100m3/s.
Khung cảnh tan hoang sau khi nước lũ rút
Ông Nguyễn Trường Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Nghệ An cho rằng, đơn vị cũng chỉ nhận thông báo xả lũ từ các thủy điện, sau đó phát thông báo này lên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài địa phương. Còn nội dung thông báo cho huyện, thị là trách nhiệm của nhà máy thủy điện - đơn vị trực tiếp vận hành liên hồ chứa thực hiện trước khi thực hiện xả lũ.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân, các trường học khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, việc đánh giá tác động cần cả một hội đồng, cơ quan chuyên môn, không thể đánh giá chủ quan về nguyên nhân được. Trước đây khi đánh giá tác động xả lũ thủy điện chắc chắn đã có, đã được phê duyệt, bây giờ để chứng kiến việc xả lũ không đúng như đã phê duyệt thì phải cơ quan chuyên môn, Sở NN&PTNT không đủ nhân lực để thực hiện.
Đợt mưa lũ vừa qua, huyện Quỳ Châu xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa đo được 310mm. Đồng thời các nhà máy thủy điện như Nhạn Hạc, Châu Thắng, Nậm Pông đã xả lũ với lưu lượng 2.000 - 2.500m3/s gây ra đợt ngập lụt diện rộng trên địa bàn huyện này.
Trận mưa lũ đã làm 1 người chết, hơn 5.000 người phải sơ tán, gần 1.400 nhà bị ngập, các công trình giao thông, thủy lợi, điện lực cũng như cơ sở giáo dục, y tế, sản xuất nông nghiệp của người dân bị hư hỏng, thiệt hại. Ước tính tổng thiệt hại hơn 177 tỷ đồng.