Khởi tố, đề nghị tước quân tịch
Thông tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, cơ quan này vừa ký quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Thượng tá Y Tuyến Ksơr, nguyên Phó phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64, Công an tỉnh Đắk Lắk).
Người ký quyết định khởi tố này là Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Lắk.
Liên quan đến thông tin này, Đại tá Thắng lên tiếng xác nhận và cho biết, Công an tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Thượng tá Y Tuyến Ksơr. “Quan điểm của Công an tỉnh Đắk Lắk là xử lý vụ việc theo đúng các quy định của pháp luật”, Đại tá Thắng chia sẻ.
Trong khi đó, Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Lắk, cho hay: “Quyết định khởi tố này đã được Đại tá Thắng ký vào ngày 28/11 vừa qua. Tuy nhiên, đến hôm nay cơ quan công an mới quyết định công bố”.
Giấy nhận tiền mà Thượng tá Y Tuyến Ksơr viết cho người dân
Theo Thượng tá Tuấn, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản này xảy ra trong giai đoạn từ năm 2014 đến đầu năm 2016. Trong thời gian này, Thượng tá Y Tuyến Ksơr giữ chức Phó phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64, Công an tỉnh Đắk Lắk).
“Ngoài việc ra quyết định khởi tố vụ án, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng có báo cáo gửi cho Bộ Công an đề nghị tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Thượng tá Y Tuyến Ksơr. Báo cáo này đã được Công an tỉnh Đắk Lắk gửi đi từ vài ngày trước”.
Khi được hỏi liệu khi nhận được được phản hồi của Bộ Công an, Công an tỉnh Đắk Lắk sẽ ra quyết định khởi tố bị can, Thượng tá Tuấn nói: “Đến thời điểm hiện tại, Công an tỉnh vẫn chưa nhận được phản hồi gì từ Bộ Công an.
Tuy nhiên, theo quy định thì sau khi có quyết định của Bộ Công an về việc tước quân tịch đối tượng Thượng tá Y Tuyến Ksơr, Công an tỉnh Đắk Lắk sẽ ra quyết định khởi tố bị can ngay”.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk, vào thời điểm tháng 6/2016, Thượng tá Y Tuyến Ksơr bị nhiều người dân tố cáo nhận số tiền lên đến nhiều tỷ đồng để chạy cho con em họ vào học tại các trường thuộc ngành công an.
Khi nhận tiền của người dân, Thượng tá Y Tuyến Ksơr đều viết giấy giao nhận tiền, ghi đích danh, tên tuổi cụ thể, nơi công tác tại Công an tỉnh Đắk Lắk để tạo sự tin tưởng.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Thượng tá Y Tuyến Ksơr không lo được việc, cắt đứt liên lạc và không hoàn trả lại tiền cho người dân.
Sau khi bị người dân gửi đơn tố cáo đến Công an tỉnh Đắk Lắk vào thời điểm tháng 6/2016, Thượng tá Y Tuyến Ksơr lại cáo ốm, nhiều tháng liền không lên cơ quan làm việc.
Tiếp đó, Thượng tá Y Tuyến Ksơr lại làm đơn xin nghỉ phép đi điều trị bệnh liên quan đến thần kinh tại Bệnh viện 30/4 của Bộ Công an tại TP.HCM.
Trước hàng loạt vi phạm, Thượng tá Y Tuyến Ksơr đã bị đình chỉ công tác và sau đó là cách chức Phó phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64, Công an tỉnh Đắk Lắk).
Nhận “chạy trường công an từ 200 – 450 triệu đồng
Để tìm hiểu thêm thông tin, PV đã tìm gặp các nạn nhân tố cáo hành vi của Thượng tá Y Tuyến Ksơr.
Theo đó, các nạn nhân của vị Thượng tá đa số sinh sống tại tỉnh Gia Lai. Tiếp xúc với PV, ông T.H.L. (SN 1969, ngụ TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai; một nạn nhân) cho biết:
“Ngoài tôi ra thì tại Gia Lai này còn có gần 10 người cũng là nạn nhân của thượng tá Y Tuyến Ksơr. Điều đau xót nhất là các nạn nhân này đều là người quen của tôi và tôi chính là người giới thiệu họ cho Thượng tá Y Tuyến Ksơr”.
Theo lời kể của ông L., vào thời điểm tháng 10/2015, ông nghe một người quen giới thiệu là có biết Thượng tá Y Tuyến Ksơr, đang giữ chức Phó phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64, Công an tỉnh Đắk Lắk) có thể “chạy” vào học tại các trường thuộc khối công an trong toàn quốc.
Sau khi nghe xong, ông L. có kể với người quen này là ông có đứa con trai vừa tốt nghiệp THPT và muốn cháu vào học trường công an. Khi nghe người bạn khẳng định vị Thượng tá có thể “chạy” được, ông L. đã lấy số điện thoại và địa chỉ của Thượng tá Y Tuyến Ksơr để liên hệ.
Sau khi nói chuyện qua điện thoại với Thượng tá Y Tuyến Ksơr và được khẳng định là “chạy” được, vào ngày thời điểm đầu tháng 10/2015, vợ chồng ông L. đã sang tỉnh Đắk Lắk gặp trực tiếp Thượng tá Y Tuyến Ksơr tại phòng PC64 Công an tỉnh Đắk Lắk.
Sau khi thỏa thuận cụ thể, 2 bên lập 1 biên bản giao nhận số tiền 330 triệu đồng để vị Thượng tá xin cho con trai ông L. vào học tại Trường Trung cấp cảnh sát ở Quảng Nam.
Ông L. cho biết: “Trong biên bản này, Thượng tá Y Tuyến Ksơr cam kết rõ là đến ngày 25/12/2015, Thượng tá sẽ chạy cho con trai tôi có quyết định của Bộ Công an về việc nhập học vào trường này.
Nếu không thực hiện được thì Thượng tá sẽ hoàn trả tiền lại cho tôi và cam kết sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
“Kết thúc buổi gặp mặt, Thượng tá Y Tuyến Ksơr còn nói với tôi là ông ta còn thể “chạy” thêm vài suất nữa. Nếu tôi có quen người nào ở Gia Lai có nhu cầu thì giới thiệu để “chạy” luôn một thể.
Trước tin mừng này, tôi về Gia Lai đã nói cho người thân và người quen biết, với số lượng là 10 người.
Tin tưởng vào tôi, 10 người này đã đưa tổng cộng cho Thượng tá Y Tuyến Ksơr số tiền gần 3,2 tỷ đồng, trong đó người đưa ít nhất là 200 triệu đồng, người nhiều nhất là 450 triệu đồng.
10 người này đưa tiền nhằm nhờ Thượng tá Y Tuyến Ksơr “chạy” cho con em họ vào học tại trường công an. Trong các giấy biên nhận với 10 người này, Thượng tá Y Tuyến Ksơr cũng cam kết là vào ngày 25/12/2015, các cháu sẽ nhận được quyết định nhập học”, ông L. nhấn mạnh.
Theo lời ông L., thế nhưng, đến ngày hẹn là ngày 25/12/2015, không có một cháu nào nhận được quyết định nhập học vào trường công an.
“Sau đó, chúng tôi tìm gặp thì vị Thượng tá này lại viết một cam kết mới có nôi dung: hồ sơ tuyển sinh của các cháu đã được nhà trường và đơn vị tuyển sinh thẩm tra, xét duyệt.
Tuy nhiên, do chính sách tinh giản biên chế nên Bộ Công an ưu tiên cho số con em trong lực lượng công an trước, sau đó mới xét tuyển các trường hợp còn lại”, ông L. bức xúc nói.
Ông L. nói thêm: “Ngoài nội dung trên, Thượng tá Y Tuyến Ksơr còn ghi là tôi xin khẳng định vào ngày 26/3/2016, các cháu sẽ có giấy báo nhập học.
Tuy nhiên, đến ngày hẹn thì ông ta lại xin dời ngày sang tháng 5/2016. Sau đó, ông ta không xuất hiện tại cơ quan nữa, điện thoại thì không liên lạc được. Biết bị lừa, đến tháng 6/2016, chúng tôi đã làm đơn tố cáo”.