Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình và 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank - DAB).
Trước đó, ngày 9/12/2016, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can, bắt tạm đối với ông Trần Phương Bình, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân.
Ngoài ông Bình, với vai trò đồng phạm gây thiệt hại lớn cho DongABank, 3 bị can khác cũng bị khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc tại thời điểm đó, gồm:
Nguyễn Đức Vinh (50 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, nguyên Giám đốc ngân quỹ Hội sở, thuộc DongABank), Đỗ Thanh Hùng (38 tuổi, ngụ Q.10 - TP.HCM, nguyên thủ quỹ Hội sở), Lê Kiên Giang (39 tuổi, ngụ Q.1 - TP.HCM, nguyên phụ quỹ Hội sở).
Cả 3 bị can này bị khởi tố về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Trần Phương Bình nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc và nguyên Chủ tịch Hội đồng tín dụng của DAB.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, nhóm cổ đông do ông Trần Phương Bình làm đại diện nắm giữ 10,25% vốn điều lệ của DAB và nhóm cổ đông là người thân của ông Bình nắm giữ 7,7% vốn điều lệ.
Ông Trần Phương Bình bị cơ quan Cảnh sát điều tra xác định là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DAB, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DAB tổng số tiền 3.405 tỉ đồng.
Theo cơ quan điều tra, hành vi vi phạm của ông Trần Phương Bình là nguyên nhân dẫn đến việc DAB lỗ lũy kế đến 31.000 tỉ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 25.000 tỉ đồng vào thời điểm cuối năm 2015.
Tháng 8/2015, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định đình chỉ các chức vụ đối với ông Bình và đưa DongABank vào diện kiểm soát đặc biệt.
Cùng bị đề nghị truy tố với ông Bình còn có hai nguyên Phó Tổng giám đốc là bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Nguyễn Thị Kim Xuyến và các nguyên giám đốc sở giao dịch của DAB.
Các bị can này đều bị đề nghị truy tố hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đặc biệt, trong số những bị can bị đề nghị truy tố tội danh này còn có ông Nguyễn Hồng Ánh, nguyên cán bộ Công an TP.HCM. Ông Ánh bị cáo buộc đã vay 2000 lượng vàng rồi làm tất toán khống 1.900 lượng vàng, gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 53 tỉ đồng.
Kết luận điều tra cho biết trong quá trình điều tra ông Ánh không hợp tác làm việc, khai báo không thành khẩn nên đề nghị xử lý nghiêm trong quá trình điều tra truy tố xét xử.
Trong tổng số 21 bị can bị đề nghị truy tố, theo cơ quan Cảnh sát điều tra, có 8 bị can đang được tại ngoại, 13 bị can bị tạm giam.