Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho rằng đề xuất tăng phí BOT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là không phù hợp, khó chấp nhận.
Bởi hiện tại, không chỉ riêng các dự án BOT bị khó khăn mà hầu như các doanh nghiệp (DN) ở mọi lĩnh vực cũng đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.
Nhiều công ty vận tải đang đứng trước bờ vực
Phân tích với loại hình các xe kinh doanh vận tải, ông Bùi Văn Quản nhẩm tính chi phí một chuyến xe bỏ ra khi di chuyển từ TP HCM đến Hà Nội và quay đầu lại vào khoảng 8,4 triệu đồng để trả phí BOT, chiếm khoảng 30% tổng chi phí của chuyến xe.
Trong khi đó, với chặng đường trên, tiền xăng dầu cho một chuyến xe cũng chiếm khoảng 30%; rồi các loại chi phí trả lương cho tài xế, nhân viên, phí bảo trì đường bộ, BHXH, bến bãi...
Trong khi hiện nay, một trong nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh là vận tải nên trường hợp tăng phí ở các trạm BOT, DN sẽ khó kham nổi và đứng trước nguy cơ phá sản.
Phân tích thêm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cũng thông tin hoạt động vận tải nhiều lĩnh vực ngưng toàn bộ trong tháng 4 để thực hiện cách ly xã hội, còn lại một số hoạt động nhưng cũng trong tình trạng cầm cự, cố duy trì.
Tuy nhiên, hầu hết hết chi phí đầu vào của hoạt động này đều không giảm, khiến khó khăn càng trở nên chồng chất.
"Giá xăng dầu giảm nhiều nhưng hiện cũng đã tăng trở lại. Nhưng trong đợt giá xăng giảm, dù là điều kiện tốt cho DN vận tải nhưng cũng đồng nghĩa với giá thành vận chuyển giảm theo.
Trong khi đó, hầu hết các chi phí đầu vào mà DN phải đóng vẫn giữ nguyên như phí BOT, bảo trì đường bộ, BHXH, y tế... cho người lao động.
Chưa kể, chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch cũng tăng, đồng thời nhiều lĩnh vực "đóng băng" khiến xe nằm chờ, tiếp tục làm tăng chi phí bến bãi khiến khó khăn càng trở nên chồng chất.
Nay, giả sử phí BOT tăng - tức doanh nghiệp BOT được cứu, vậy thì tôi hỏi ngược lại: Ai sẽ cứu chúng tôi?" - ông Bùi Văn Quản bức xúc.
Đồng tình, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, thì cho rằng hiện nay ngành vận tải đang gặp nhiều khó khăn.
Nếu tăng phí BOT chắc chắn sẽ làm tăng chi phí vận tải, gây khó khăn cho DN vận tải. Đặc biệt, hiện chi phí sử dụng đường bộ trong giá thành vận tải ở mức rất cao.
Việc tăng phí BOT sẽ cấu thành vào giá vận tải, tăng giá cước, ảnh hưởng đến giá hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ trong nước, tác động liên đới đến toàn xã hội. Như vậy là không ổn.
Trong khi đó, vừa nghe đến đề xuất tăng giá vé qua trạm BOT của Bộ GTVT, chị Nguyễn Thị Thùy Dương - chuyên kinh doanh hải sản trên mạng; nhà ở quận Tân Phú, TP HCM - đã vội than trời, bởi suốt mấy tháng qua việc kinh doanh của chị vô cùng ế ẩm.
"Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến "túi tiền" của nhiều người nên khách hàng không còn rộng rãi chi tiêu như trước. Giờ phí mà tăng nữa thì chắc chắn giá cả sẽ leo thang, theo đó tiêu dùng của khách hàng khó có thể trở lại như trước khi có dịch Covid-19" - chị Dương phân tích và thẳng thắn phản đối đề xuất của Bộ GTVT.
"Hãy nghĩ đến những người như chúng tôi trước. Vì chính chúng tôi mới là đại đa số" - chị nói.
Kéo dài thời gian thu phí là tối ưu
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, để bảo đảm hài hòa lợi ích thì cần rà soát lại tất cả trạm thu phí BOT.
Đối với các dự án BOT có thời gian thu phí hoàn vốn ngắn (khoảng 7-12 năm) thì không tăng phí mà chấp thuận kéo dài thời gian thu phí; đồng thời không tăng phí đối với các dự án có mức thu phí cao, dù trong kế hoạch có lộ trình tăng phí.
Nhà nước chỉ xem xét điều chỉnh đối với các trạm có thời gian hoàn vốn dài, khoảng 20 năm. Còn đối với những dự án mức thu phí thấp so với mặt bằng chung thì nên xem xét, cân nhắc kỹ.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dịch Covid-19 xảy ra ngẫu nhiên, không ai dự báo trước được.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế suy thoái khiến cho mọi DN ở hầu hết mọi lĩnh vực đều gặp khó khăn, trong đó có các nhà đầu tư BOT. Tuy nhiên, 2 phương án Bộ GTVT đưa ra rất khó cho Chính phủ lựa chọn.
Cụ thể, phương án tăng theo lộ trình không phù hợp, bởi sau một thời gian đối phó với dịch bệnh, nền kinh tế bắt đầu phục hồi và nhà nước đang cố gắng giảm 20%-50% các loại phí, lệ phí giúp DN vực dậy, bây giờ bàn tăng phí là đi ngược chủ trương.
Trường hợp dùng ngân sách bù cũng không phù hợp, bởi nguồn lực nhà nước có hạn, đặc biệt trong tình cảnh dịch Covid-19, nguồn tiền cần chi nhiều khoản khác để phục hồi kinh tế.
Nếu tăng theo lộ trình sẽ an toàn cho nhà đầu tư BOT nhưng ảnh hưởng đến các DN khác, đặc biệt là DN vận tải nên Chính phủ cần xem xét thấu đáo.
Từ đó, ông Ngô Trí Long cho rằng phương án tối ưu là Bộ GTVT cần đàm phán với nhà đầu tư BOT để kéo dài thời gian thu phí. Cùng với đó, xem xét tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án BOT. "
Tôi nghĩ đây là phương án hài hòa nhất ở thời điểm hiện tại bởi nhà nước cũng đang có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn/ hoãn thuế, các chính sách ưu đãi tín dụng mà nhà đầu tư BOT cũng thuộc đối tượng này" - PGS-TS ông Ngô Trí Long nêu quan điểm.
Phí mà tăng nữa thì chắc chắn giá cả sẽ leo thang, theo đó tiêu dùng của khách hàng khó có thể trở lại như trước khi có dịch Covid-19”.
Phải vì toàn cục!
Theo số liệu của Bộ GTVT đưa ra, hiện có 58/60 dự án BOT có doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu dự báo trong phương án tài chính, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50%. Hơn thế nữa, do đại dịch Covid-19, lưu lượng phương tiện giao thông giảm rất sâu, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội, còn làm cho các DN này đã khó khăn càng thêm khó khăn.
Dẫn ra vậy để thấy khó khăn của các DN BOT là có thật, có lẽ ai cũng dễ dàng nhìn thấy. Tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các DN là cần thiết và chắc rằng ai cũng dễ tán đồng. Tuy nhiên, giải pháp đưa ra nhất thiết phải nghĩ đến toàn cục.
Trước hết, đồng ý là các DN BOT đang gặp khó khăn nhưng thử hỏi có DN nào không gặp khó khi kinh tế đang lâm vào suy thoái do dịch bệnh? Hãy nhớ, trong thời gian qua, các DN BOT còn thu được phí của các phương tiện vận tải hàng hóa chứ các DN vận tải hành khách thì gần như phải ngừng hoạt động, gần như đứng bên bờ vực phá sản. Bây giờ còn bắt họ phải trả phí BOT cao hơn thì khác gì với việc chất thêm đá nặng lên lưng người đang vẫy vùng vì đuối nước.
Kế đến, tăng phí BOT ảnh hưởng không chỉ tới các DN vận tải hành khách mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến rất nhiều DN khác và điều này ai cũng biết, vì trong đại dịch Covid-19, điều dễ nhận thấy là "cầu" trên thị trường đang rất thấp. Do vậy, trong giai đoạn này, sự tăng giá của bất kỳ loại hàng hóa, dịch vụ nào cũng rất khó được thị trường chấp nhận. Đây là lý do tại sao Chính phủ ta, cũng như chính phủ của tất cả các nước trên thế giới, đều phải có chương trình kích cầu để phục hồi nền kinh tế. Bằng chứng là Chính phủ đang kêu gọi Tập đoàn Điện lực Việt Nam và nhiều DN khác phải giảm giá để kích cầu và bảo đảm an sinh xã hội. Vậy, đề nghị tăng phí BOT thử hỏi có phải là vô cùng lạc lõng, đi ngược lại những gì cả nước đang cố gắng để vượt qua đại dịch Covid-19 hay không?
Theo tôi, việc trợ giúp các DN BOT vượt qua khó khăn có lẽ sẽ hợp lý nếu được thực hiện trong khuôn khổ của hai gói chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đang được Chính phủ triển khai. Đó là, trong gói chính sách tài khóa, có thể cần xem xét miễn/ giảm/ giãn thuế, phí cho các DN BOT. Trong gói chính sách tiền tệ, có thể cần xem xét giảm lãi suất, hoãn/ giảm giãn nợ hoặc tái cơ cấu nợ cho các DN này.
Cần kíp nhất bây giờ là có giải pháp cứu nền kinh tế, bởi khi kinh tế phục hồi và tăng trưởng mạnh thì lưu lượng giao thông sẽ tăng cao, các DN BOT nhờ đó chắc chắn sẽ có nguồn thu dồi dào hơn. Vậy, xin hãy vì toàn cục!
Nguyễn Sĩ Dũng