Nêu ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội tại tổ vào chiều 25/5, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở nhiều cấp chính quyền địa phương, cơ quan còn yếu kém, dẫn đến có nhiều vụ khiếu kiện.
Qua báo cáo của Ban Dân nguyện trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể thấy đây là vấn đề chưa được cải thiện và điển hình nhất là vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức (Hà Nội).
"Hôm qua, tôi có trao đổi với đồng chí Thủ tướng Chính phủ và một số ĐBQH, cần phải bóc băng vụ Đồng Tâm để cho ĐB nhìn một cách đầy đủ, đa diện về vụ việc.
Không chỉ cung cấp báo cáo thông thường, cần phải bóc băng cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP. Hà Nội với người dân Đồng Tâm để cho các ĐBQH biết và giám sát việc này. Cá nhân tôi luôn luôn theo sát theo vụ việc này", ông nói.
Còn đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho hay, trong phát biểu về vụ Đồng Tầm, ông nói 2 nguyên nhân chính, đó là chính sách đất đai chậm sửa đổi, đối thoại của người đứng đầu cấp uỷ không tiến hành thường xuyên, sợ dân không dám đối thoại khiến khiếu kiện vượt cấp kéo dài.
"Chúng ta duy trì chế độ sở hữu toàn dân về đất đai nhưng phải phân loại ra: đất quốc phòng, đất công cộng, có chế độ pháp lý riêng, còn lại là đất phục vụ cho các mục tiêu kinh tế có giá trị lợi nhuận thì phải sòng phẳng theo cơ chế thị trường.
Nhưng hiện nay, chúng ta đang trao quyền sở hữu đất đai từ toàn dân sang Nhà nước, mà Nhà nước là cơ quan cụ thể, trong đó có cá nhân cụ thể, cá nhân đó nếu động cơ không trong sáng thì dễ có chuyện trục lợi, đội giá đất ở những vị trí vàng", ông nêu rõ.
Đồng quan điểm đó, đại biểu Dương Trung Quốc cũng khẳng định, vấn đề đất đai ngày càng quan trọng vì đó là tư liệu sản xuất, là nguồn lực xã hội, đồng thời là tài sản của người dân.
"Vì thế, qua thực tiễn, nếu nảy sinh vấn đề thì cần phải điều chỉnh và giải quyết ngay để phát huy tốt nhất nguồn lực đất đai, vừa bảo vệ quyền lợi cá nhân vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước", ông Quốc nhấn mạnh thêm.