Chiều ngày 23/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ GD&ĐT và Bộ Công an về vấn đề xử lý vi phạm kỳ thi THPT quốc gia 2018 & công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Sau buổi làm việc, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thông tin với Tiền Phong về nội dung cơ bản trong buổi làm việc này.
Đáng lưu ý đối với Bộ Công an, Uỷ ban đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ, sớm công bố kết quả điều tra. Đặc biệt đối với Hà Giang, thời gian điều tra đến nay đã hơn 9 tháng, nên phải kết thúc sớm và công bố với dư luận.
Uỷ ban cũng lưu ý Bộ Công an phải điều tra, làm rõ hành vi, đối tượng vi phạm, nhất là với những phụ huynh, người thân có chức vụ quyền hạn để bảo vệ uy tín, đồng thời phát huy tính nêu gương của người cán bộ đảng viên.
“Có hay không những người lợi dụng chức vụ quyền hạn; có hay không những người đưa hối lộ và nhận hối lộ? Cơ quan điều tra phải đặc biệt lưu ý đến kết quả này”, ông Lượng nói.
Bên cạnh đó, Uỷ ban cũng đề nghị phải chú ý, đảm bảo sự công bằng trong điều tra giữa các tỉnh. Bởi hiện nay có tỉnh thì cơ quan an ninh điều tra của Bộ vào cuộc, nhưng có tỉnh lại do chính địa phương tự làm. Bộ Công an phải hỗ trợ, tham gia với các đơn vị địa phương để có sự công bằng giữa các tỉnh.
“Cần phải chủ động, không để xảy ra việc ém nhẹm, thiên vị, hay vì áp lực nào đó mà làm ảnh hưởng đến kết quả điều tra.
Mặt khác, hai Bộ phải luôn chủ động giải trình, cung cấp đầy đủ thông tin để dư luận cùng theo dõi, giám sát, đảm bảo sự khách quan, chính xác trong quá trình điều tra” ”, ông Lượng nói.
Đối với Bộ GD&ĐT, Uỷ ban đề nghị rà soát, tổng hợp lại toàn bộ các thí sinh có liên quan đến việc sửa điểm . Ngoài 12 thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La, cần thống kê đầy đủ số lượng thí sinh liên quan đến sửa điểm nhưng điểm thực vẫn đủ đỗ và vẫn đang theo học.
Đồng thời xem xét quy định về việc sử dụng giấy chứng nhận tốt nghiệp không hợp pháp, xem đánh giá việc thực hiện thế nào đối với các em đủ điểm đang theo học.
Đặc biệt, Uỷ ban cũng đề nghị Bộ phối hợp với các cơ quan trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm.
Chẳng hạn như phó giám đốc Sở GD&ĐT, trưởng phòng khảo thí, rồi chuyên viên vi phạm, bị khởi tố điều tra thì cũng phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu đơn vị đó.
“Mùa thi 2019 đã cận kề nên phải chấn chỉnh những sai phạm trong ngành giáo dục để răn đe cho những nơi khác”, ông Lượng nhấn mạnh.