Tiến sỹ Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia có phân tích, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý.
Thứ nhất: Sự không đồng bộ về công suất giữa tuyến đường Trường Chinh (cả trên cao và mặt đất) và nút Ngã Tư Sở, mặc dù nút Ngã Tư Sở hiện nay đã là nút lớn được cải tạo nhiều lần và giao cắt khác mức, nhưng năng lực thông qua của tuyến đường Trường Chinh + Đường vành đai 2 đang lớn hơn công suất của nút rất nhiều.
Thứ hai: Không đồng bộ trên toàn tuyến vành đai 2: có chỗ đường rộng, chỗ đường hẹp, có đoạn trên cao, có đoạn đang thi công (Đại La), có đoạn chưa làm (Ngã Tư Sở – Cầu Giấy)... bởi vậy tạo nên những nút thắt cổ chai.
Thứ ba: Phương án thiết kế hiện nay tạo ra rất nhiều xung đột và giao cắt tại Ngã Tư Sở đặc biệt chiều từ Ngã Tư Vọng – Ngã tư Sở, nhưng công tác tổ chức giao thông và chu kỳ đèn ở khu vực này còn rất nhiều hạn chế. Đây là điển hình của việc quy hoạch, thiết kế tổ chức giao thông không hợp lý và không nên đổ lỗi cho ý thức của người tham gia giao thông dẫn tới ùn tắc.
Tổ chức giao thông với sơn kẻ rất rõ ràng tại một nút giao thông phức tạp tại Seoul, với các vạch hướng dẫn có màu sắc đặc biệt.
Dư luận đánh giá cao việc Hà Nội đã phản ứng nhanh, họp các cơ quan liên ngành tìm cách tháo gỡ. Trong quá trình tìm kiếm giải pháp, có một số vấn đề nên được chú trọng.
Thứ nhất, phải nhanh chóng đồng bộ toàn tuyến, nếu chỉ làm vượt qua Ngã tư Sở và tiếp đất tại đường Láng thì Yên Lãng và Láng Hạ sẽ sớm bị lại tắc cứng. Như vậy không cẩn thận chúng ta chỉ chuyển ùn tắc từ chỗ này sang chỗ khác, trước đây từ Trường Chinh sang Ngã Tư sở (hiện nay) – và sắp tới là khu vực Láng Hạ....Với xã hội, với thành phố, với người dân, nếu đi nhanh chỗ này nhưng tắc cứng ở chỗ khác thì không có ý nghĩa gì, dự án không phát huy được tác dụng. Cần liên thông toàn bộ từ Vĩnh Tuy về Cầu Giấy.
Thứ hai, tại Ngã Tư Sở, cần tối ưu đèn tín hiệu theo lưu lượng giao thông từng hướng theo thời gian thực. Chu kỳ đèn ở Ngã Tư Vọng cũng phải phối hợp với Ngã tư sở để bảo đảm giao thông vào và ra khu vực này tương đương nhau, như vậy sẽ bảo đảm điều tiết về mặt tổng thể.
Thứ ba, về kỹ thuật tổ chức giao thông, ngay sau ngã tư vọng 100-200 m cần phải phân làn thật rõ ràng cho rẽ phải, trái, đi thẳng, và phải sơn kẻ ngay trên mặt đường (hiện nay chỉ có 1 biển rất nhỏ chót vót ở trên cao thì rất không ổn), và duy trì rẽ phải từ Trường Chinh vào Tây Sơn liên tục thông thoáng bằng cách áp dụng vạch mắt võng vàng trong QCVN41 (đồng thời có tuyên truyền hướng dẫn và xử phạt nếu vi phạm phân làn rẽ phải vào Tây Sơn).
Với giao thông tiếp đất phải có vùng đệm đủ lớn và sơn kẻ rõ ràng để nhập dòng, tránh xung đột trực tiếp với giao thông mặt đất, bảo đảm khi tiếp đất giao thông có đủ không gian và thời gian để có thể chuyển làn êm thuận.
Giai đoạn năm 2010 – 2011, có những chuyến đi qua được Ngã tư Sở phải mất 45 phút. Hiện nay, sau 10 năm với rất nhiều cố gắng nỗ lực đầu tư, tổ chức giao thông... có những chuyến đi qua Trường Chinh và Ngã Tư Sở cũng mất tới 40 phút. Như vậy là vấn đề ùn tắc tại khu vực này lại đang quay trở lại.
Điều này một lần nữa khẳng định thực tế mà thế giới đã trải qua: Tất cả các đô thị dành từng mét đất làm đường cho xe cơ giới đều không thành công trong giải quyết ùn tắc giao thông!. Lâu dài thành phố phải quyết tâm hợp lý hóa quy hoạch sử dụng đất theo mô hình TOD, và nhanh chóng đầu tư vận tải công cộng, Metro, đường sắt đô thị, xe buýt, xe buýt nhanh, giao thông đi bộ và giao thông xe đạp, để khu vực Ngã Tư Sở không trở lại thành “Ngã tư khổ” như trước đây.
Từ ngày 9/11, thành phố Hà Nội đã thông xe đường vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng nhằm san sẻ áp lực phương tiện cho tuyến đường dưới thấp...
Theo phản ánh của người dân sinh sống hai bên đường, phương án tổ chức giao thông ở đây còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả, thậm chí, còn gây áp lực lớn hơn lên tình trạng giao thông trên đường Láng.
Việc cho phép phương tiện lưu thông ở đường trên cao và phân luồng giao thông như hiện nay chưa phát huy hiệu quả, thậm chí còn khiến tình trạng ùn tắc xảy ra nghiêm trọng hơn vào giờ cao điểm.
Chiều tối ngày 11/11, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ dư luận, Sở GTVT Hà Nội đã đi kiểm tra thực tế xung quanh khu vực và có buổi làm việc, thống nhất với Công an Thành phố và các cơ quan liên quan giải quyết.
Theo ông Hà, trước mắt, việc tổ chức giao thông phải chấp nhận điều tiết, điều chỉnh thường xuyên theo từng thời điểm, khung giờ, mật độ lưu thông.
Liên quan đến việc điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu, giảm ùn tắc tại nút giao Ngã Tư Sở thời điểm hiện tại, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, một chu kỳ ở Ngã Tư Sở khoảng 160 - 165 giây phân bổ cho 8 hướng. Khi hướng Tây Sơn - Nguyễn Trãi Trãi được đóng để tổ chức giao thông sau khi đưa đoạn tuyến Vành đai 2 (Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở) vào khai thác, thời lượng đèn sẽ dư 21 giây xanh. Khoảng dư này sẽ được phân bổ cho các hướng còn lại để lưu thông dễ hơn.
“Trong 10 ngày tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với liên ngành theo dõi, điều chỉnh công tác tổ chức đèn tín hiệu nếu có bất cập”, ông Hà khẳng định.
Cũng theo ông Vũ Hà, để phục vụ công tác phân luồng giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở thuận lợi, cơ quan chức năng đã bổ sung biển báo cấm dừng, đỗ để lực lượng chức năng có cơ sở xử lý phương tiện vi phạm trong phạm vi nút; Mở các điểm quay đầu…