Để Mỹ thống trị không gian, TT Trump tung 2 nước cờ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Đó là gì?

Trang Ly |

"Mỹ phải thống trị không gian!" là quyết tâm mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Trump lúc này. Ông đã làm gì để tạo bàn đạp thực hiện quyết tâm đó?

Trong chặng đường phát triển hơn 60 năm của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ), bối cảnh lịch sử cũng như mối quan tâm của các vị tổng thống Mỹ khác nhau đều có sức ảnh hưởng khác nhau đến tốc độ lớn mạnh của cơ quan hàng không dân sự hàng đầu thế giới này.

Nếu như ở thời Chiến tranh Lạnh (1946-1991), thành tựu vũ trụ không thể chối cãi của Liên Xô (phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên lên quỹ đạo; đưa người bay ra ngoài không gian) đã khiến Tổng thống John F. Kennedy ra lời hiệu triệu: Nước Mỹ phải đổ bộ Mặt Trăng trước năm 1970...

Để Mỹ thống trị không gian, TT Trump tung 2 nước cờ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Đó là gì? - Ảnh 1.

... Thì bước sang thế kỷ 21, dưới sức ép trước sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành vũ trụ Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump thể hiện quyết tâm cao độ nhằm: Vực nước Mỹ và NASA vĩ đại trở lại.

Không chỉ là đổ bộ Mặt Trăng rồi trở về Trái Đất an toàn, ông chủ Nhà Trắng thứ 45 của Mỹ còn muốn quốc gia của mình phải xây được tiền đồn có người ở trên Mặt Trăng rồi sau đó đưa nhà thám hiểm đổ bộ sao Hỏa.

2019 đánh dấu thời điểm tròn 50 năm NASA và nước Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đưa người lên Mặt Trăng trên phi thuyền Apollo 11 huyền thoại. 

Cùng nhìn lại chặng đường phát triển của NASA qua các đời tổng thống, qua đó thấy được quyết tâm vực NASA vĩ đại trở lại của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump mạnh mẽ như thế nào; và hai nước cờ mà ông vừa tung ra mang tính chất chiến lược ra sao!

[Đọc phần 16 năm sau ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát, người ta tìm thấy mẩu giấy trên mộ ông: Bên trong viết gì?]

Để Mỹ thống trị không gian, TT Trump tung 2 nước cờ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Đó là gì? - Ảnh 2.

Trong suốt 8 năm cầm quyền, Tổng thống Ronald W. Reagan dành sự quan tâm mạnh mẽ đến NASA cũng như các chương trình không gian dân sự của cơ quan này. 

Đặc biệt, sau thảm kịch đen tối nhất trong lịch sử NASA - vụ tai nạn của tàu con thoi Challenger phát nổ sau 73 giây rời khỏi bệ phóng khiến toàn bộ phi hành đoàn 7 người thiệt mạng trước sự chứng kiến của hàng triệu người Mỹ vào ngày 28/1/1986 - Tổng thống Reagan đã có những lời chia buồn chân thành đến thân nhân 7 phi hành gia, NASA và toàn thể nước Mỹ.(Đọc chi tiết)

"Trong lịch sử, chúng ta chưa bao giờ mất đi tài năng vũ trụ nào. Chúng ta cũng chưa bao giờ phải trải qua thảm kịch nào đau đớn như thế này. Tôi xin chia buồn với gia đình, thân nhân của 7 phi hành gia tài năng!

Đồng bào của tôi, đau thương không đồng nghĩa với việc chúng ta dừng lại và thất bại. Nước Mỹ vẫn là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực vũ trụ. Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục triển khai những chương trình không gian khác. Sẽ còn nhiều chuyến đi mang theo những tài năng vũ trụ, những công dân, những giáo viên... khác nữa vào không gian. Hy vọng của chúng ta; Hành trình của chúng ta sẽ còn tiếp mãi về sau!" - Trích bài phát biểu của Tổng thống Reagan vào chiều ngày xảy ra thảm kịch.

Để Mỹ thống trị không gian, TT Trump tung 2 nước cờ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Đó là gì? - Ảnh 3.

Tổng thống Ronald W. Reagan chia buồn với thân nhân và toàn thể nước Mỹ trước thảm kịch tàu con thoi Challenger. Ảnh: Diana Walker/Time & Life Pictures/Getty Images

Ngay sau đó, Tổng thống Reagan còn ủy quyền cho một ủy ban tổng thống, do cựu Ngoại trưởng William Rogers chủ trì, để điều tra nguyên nhân của thảm kịch thương tâm này.

Trước khi xảy ra thảm kịch hàng không Challenger, NASA đã triển khai 24 chuyến bay của tàu con thoi (còn gọi là Hệ thống Chuyên chở vào Không gian - STS). Vào ngày NASA phóng tàu con thoi đầu tiên ngày 12/4/1981 (tàu Columbia), Tổng thống Reagan vẫn chăm chú theo dõi vụ phóng qua truyền hình từ Phòng ngủ Lincoln trong Nhà Trắng, nơi ông vừa trở về một ngày sau khi hồi phục từ một vụ ám sát bất thành.

Không chỉ theo sát các cuộc phóng tàu con thoi của NASA (trực tiếp và gián tiếp), vị tổng thống thứ 40 của Mỹ còn chỉ ra rằng, Mỹ sẽ mời các đồng minh tham gia chương trình xây dựng trạm vũ trụ (Trạm Vũ trụ Quốc tế - ISS chính là nỗ lực không ngừng nghỉ của Mỹ, Nga, châu Âu và nhiều nước sau này).

Dưới chính quyền của Nixon, hợp tác quốc tế trong không gian đã được triển khai: Châu Âu và Canada đã có những đóng góp hữu ích trong Chương trình Tàu con thoi của Mỹ. Tiếp tục di sản từ các tổng thống tiền nhiệm, ông Reagan muốn thương mại hóa các hoạt động ngoài không gian. 

Để Mỹ thống trị không gian, TT Trump tung 2 nước cờ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Đó là gì? - Ảnh 4.

Khi Tổng thống George H.W. Bush nhậm chức vào tháng 1/1989, vết thương sau thảm kịch tàu con thoi Challenger vẫn còn nhức nhối. Tổng thống thứ 41 của Mỹ nhanh chóng đặt NASA vào sứ mệnh mới, đầy thách thức nhằm vực lại sức mạnh cũng như tinh thần của cơ quan này.

Nhân kỷ niệm 20 năm cuộc đổ bộ của Apollo 11, ngày 20/7/1989, Tổng thống George H.W. Bush công bố Sáng kiến ​​Khám phá Không gian thể hiện mạnh mẽ 'Định mệnh vĩ đại của Mỹ' là xây dựng trạm vũ trụ quốc tế, trở lại Mặt Trăng và đổ bộ sao Hỏa.

Để Mỹ thống trị không gian, TT Trump tung 2 nước cờ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Đó là gì? - Ảnh 5.

Tổng thống George H.W. Bush (thứ 2 từ trái sang) gặp gỡ các phi hành gia của NASA. Nguồn: NASA

Không những thế, tổng thống còn đưa ra sáng kiến khác có tên Sứ mệnh Hành tinh Trái Đất, với mục đích sử dụng một mạng lưới các vệ tinh quan sát Trái Đất để nắm được các vấn đề của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tuy nhiên, theo Norman Ralph Augustine (Chủ tịch Ủy ban Đánh giá Kế hoạch Chuyến bay có người lái ngoài không gian Mỹ) thì NASA đang bị giao quá nhiều nhiệm vụ khó khăn, không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. 

Chính quyền Tổng thống George H.W. Bush nhanh chóng tăng ngân sách đáng kể cho NASA với mong muốn NASA không thay đổi quá nhiều các sáng kiến đã đề ra. Năm 1992, đích thân tổng thống thay thế Giám đốc NASA Richard Truly bằng Daniel Goldin, người đã dành phần lớn sự nghiệp của mình làm việc cho các chương trình không gian an ninh quốc gia. Daniel Goldin tuyên bố sẽ mang đến một cách tiếp cận nhanh hơn, tốt hơn, rẻ hơn cho các chương trình của NASA.

Tuy nhiên, vào thời điểm Bush rời Nhà Trắng năm 1993, Sáng kiến ​​Khám phá Không gian 'đóng băng'.

Để Mỹ thống trị không gian, TT Trump tung 2 nước cờ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Đó là gì? - Ảnh 6.

Không gian không phải ưu tiên hàng đầu trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Bill Clinton. Trong khi tổng thống tăng ngân sách cho các hoạt động chính phủ thì khoản đầu tư vào NASA rất hạn hẹp. Cơ quan này đã phải vật lộn để thực hiện các sứ mệnh được giao.

Khi Bill Clinton bước vào Nhà Trắng tháng 1/1993, ông đã được giám đốc ngân sách khuyên nên hủy bỏ chương trình trạm vũ trụ với lý do chậm tiến độ và vượt quá ngân quỹ cho phép.

Điều khiến Tổng thống Clinton và Phó tổng thống Al Gore quan tâm hơn cả là những tác động chính trị đến từ việc hợp tác xây dựng trạm vũ trụ quốc tế với Nga, châu Âu, Nhật Bản và Canada thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Để Mỹ thống trị không gian, TT Trump tung 2 nước cờ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Đó là gì? - Ảnh 7.

Tổng thống Bill Clinton và đội phi hành gia STS-95 tại buổi họp báo ở Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston, bang Texas, tháng 4/1998. Ảnh: NASA

Sự hợp tác này đã bắt đầu trong năm cuối cùng của chính quyền Bush, nhưng đã được mở rộng rất nhiều dưới thời Tổng thống Clinton. Kết quả, Trạm Vũ trụ Quốc tế - ISS đã ra đời và hoạt động tích cực cho đến ngày nay.

Dưới chính quyền Clinton, có một vài sáng kiến không gian không thành. Đáng chú ý nhất là chương trình phát triển phương tiện Một-tầng-tới-quỹ đạo X-33.

Tháng 8/1996, NASA tuyên bố tìm thấy dấu vết sự sống của vi khuẩn nguyên thủy trong một thiên thạch có nguồn gốc từ sao Hỏa. Trước thông tin này, Tổng thống Clinton tổ chức cuộc họp báo đột xuất và thông báo: Tôi xác định rằng chương trình không gian của Mỹ sẽ dồn toàn bộ sức mạnh trí tuệ và năng lực công nghệ của mình vào việc tìm kiếm thêm bằng chứng về sự sống trên sao Hỏa.

Dù Tổng thống Clinton tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh bàn về chương trình không gian Mỹ vào tháng 12/1996 nhưng sau hội nghị, các chương trình của NASA cũng không có nhiều thay đổi.

Để Mỹ thống trị không gian, TT Trump tung 2 nước cờ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Đó là gì? - Ảnh 9.

Hai năm sau khi lên cầm quyền, George W. Bush là tổng thống thứ hai của Mỹ phải chứng kiến thảm họa hàng không đen tối bậc nhất trong lịch sử NASA: Tàu con thoi Columbia nổ tung khiến toàn bộ phi hành đoàn 7 người tử nạn vào ngày 1/2/2003 khi tàu hoàn thành sứ mệnh trước đó và đang quay trở về Trái Đất(Đọc chi tiết).

Ngược lại với thảm kịch Challenger năm 1986, Nhà Trắng không thành lập ủy ban tổng thống để điều tra vụ tai nạn. Thay vào đó, Ủy ban điều tra tai nạn Columbia được NASA thuê, nhưng hoạt động độc lập với cơ quan này.

Để Mỹ thống trị không gian, TT Trump tung 2 nước cờ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Đó là gì? - Ảnh 10.

Tổng thống George W. Bush tại trụ sở NASA năm 2004. Ảnh: National Journal.

Đồng quan điểm với Tổng thống George H.W. Bush, Tổng thống thứ 43 của Mỹ George W. Bush nhấn mạnh rằng: Không gian là yếu tố tối quan trọng. Nước Mỹ phải dẫn đầu trong loạt sứ mệnh xây dựng một tiền đồn (có người ở) trên Mặt Trăng và đưa các nhà thám hiểm đổ bộ sao Hỏa.

Khi thảm kịch Columbia tạm lắng dịu, vào ngày 14/1/2004, Tổng thống Bush đã công bố kế hoạch thám hiểm không gian mới trong một bài phát biểu tại Trụ sở NASA.

Chìa khóa của loạt sứ mệnh đầy thử thách này là phát triển chương trình robot thăm dò và tàu vũ trụ có người lái nhằm thám hiểm Hệ Mặt Trời và xa hơn nữa. Ông mong muốn, NASA sẽ đưa người trở lại Mặt Trăng vào năm 2020, làm bàn đạp để khám phá sao Hỏa và các hành tinh khác trong Thái Dương Hệ.

Để Mỹ thống trị không gian, TT Trump tung 2 nước cờ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Đó là gì? - Ảnh 11.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Obama ủy quyền cho Ủy ban Đánh giá Kế hoạch Chuyến bay có người lái ngoài không gian Mỹ - OSTP nhằm đảm bảo nước Mỹ vẫn đang đi trên "con đường mạnh mẽ và bền vững để đạt được những khát vọng táo bạo nhất trong không gian".

Để Mỹ thống trị không gian, TT Trump tung 2 nước cờ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Đó là gì? - Ảnh 12.

Tổng thống Obama trao Huân chương Tự do Tổng thống cho phi hành gia John Glenn - người Mỹ đầu tiên bay vòng quanh quỹ đạo Trái Đất - tại Nhà Trắng ngày 29/5/2012. Ảnh: NASA

Ngày 15/4/2010, phát biểu tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Tổng thống Obama đã thông báo kế hoạch của chính quyền cho NASA, trong đó có việc dỡ bỏ Chương trình Constellation (mà NASA thực hiện từ năm 2005, với mục tiêu mở rộng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng trước năm 2020), với lý do: Không khả thi.

Thay vào đó, ông Obama hứa sẽ tài trợ thêm 6 tỷ USD và kêu gọi phát triển chương trình tên lửa đẩy hạng nặng mới để sẵn sàng xây dựng vào năm 2015, phục vụ các nhiệm vụ có người lái lên quỹ đạo sao Hỏa vào giữa năm 2030.

Ngày 28/6/2010, chính quyền Obama công bố chính sách vũ trụ mới chính thức, trong đó có việc đảo ngược chính sách của Tổng thống Bush (con) từng từ chối các thỏa thuận quốc tế nhằm hạn chế quân sự hóa không gian. 

Để Mỹ thống trị không gian, TT Trump tung 2 nước cờ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Đó là gì? - Ảnh 13.

Chứng kiến sự chuyển mình đáng kể của ngành vũ trụ Trung Quốc, đặc biệt là sau sự kiện quốc gia này đưa tàu đổ bộ Chang'e-4 lần đầu tiên hạ cánh xuống nửa tối Mặt Trăng (tháng 1/2019), Tổng thống Donald Trump mạnh mẽ tuyên bố: Sẽ vực nước Mỹ và NASA vĩ đại trở lại.

"Mỹ phải thống trị không gian!" là quyết tâm mạnh mẽ của Tổng thống Trump lúc này. Song song với quyết tâm đó là hai động thái tích cực nhất mà chính quyền Trump thực thi: (1) Rót 22,6 tỷ USD (chi tiêu cao nhất trong lịch sử) vào ngân sách cho NASA trong năm tài chính 2020; (2) Thành lập Bộ Tư lệnh Không gian (SpaceCom), rót hàng chục tỷ USD vào ngân sách cho bộ này năm 2020.

Với khoản tiền 22,6 tỷ USD, Cục quản lý Hành chính và Ngân sách Mỹ thống kê cho thấy đây là mức chi tiêu cao nhất trong lịch sử NASA mà một vị tổng thống dành cho cơ quan này. Cùng với việc thành lập SpaceCom, ông Trump đang có những bước đi đầy chiến lược dưới thời của mình.

Sau khi tuyên bố khoản ngân sách khổng lồ đó, vị tổng thống Mỹ đương nhiệm yêu cầu NASA phải đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng trong năm 2024. Rồi sau đó đưa người lên sao Hỏa.

"Chúng ta không nói nhiều về việc đổ bộ Mặt Trăng vào năm 2024 nữa, bởi chiến tích đó NASA đã làm được cách đây 50 năm. Giờ là lúc phải bàn đến những sứ mệnh lớn hơn nữa như việc lên sao Hỏa chẳng hạn. Ngành vũ trụ Mỹ không chỉ phục vụ khoa học mà còn cả quốc phòng. Dưới chính quyền của tôi, nước Mỹ và NASA sẽ vĩ đại trở lại!" - Tổng thống Trump tuyên bố. 

Để Mỹ thống trị không gian, TT Trump tung 2 nước cờ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Đó là gì? - Ảnh 15.

Tổng thống Donald Trump gặp gỡ các nhân vật của NASA. Ảnh: Kevin Lamarque/Reuters

Như vậy, thay vì lộ trình 8 năm (2019-2028) đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng, NASA giờ đây phải rút gọn xuống còn 5 năm. Do đó, điểm đổ bộ tiếp theo của cơ quan này được định hình rõ ràng ngày từ đầu: Đưa hai phi hành gia (1 nam, 1 nữ) đổ bộ cực Nam Mặt Trăng. Nơi đây được xác định là có giá trị kinh tế lớn (chứa nguồn khoáng sản giàu có) và tạo chiến lược lớn (hứa hẹn là trạm xăng không gian, tạo bàn đạp đổ bộ sao Hỏa).

Hiện, NASA đang thực hiện Chương trình Artemis1, nhằm tích cực phát triển thế hệ tên lửa mạnh phiên bản mới mang tên Hệ thống phóng không gian (SLS - Space Launch System); và hoàn thiện tàu vũ trụ Orion phục vụ sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng.

Theo kế hoạch, sau khi đổ bộ Mặt Trăng, NASA sẽ thực hiện các nhiệm vụ: (1) Tìm và sử dụng nước (dạng băng) cũng như tài nguyên quan trọng khác trên Mặt Trăng cần thiết cho các sứ mệnh thăm dò dài hạn; (2) Giải mã những bí ẩn trên Mặt Trăng, từ đó tìm hiểu thêm về Trái Đất và vũ trụ; (3) Tìm hiểu cách sống và sinh hoạt trên bề mặt của một thiên thể khác; (4) Kiểm chứng công nghệ Trái Đất trước khi thực hiện sứ mệnh đổ bộ sao Hỏa.

Chú thích:

(1) Artemis (tên nữ thần trong thần thoại Hy Lạp, người em sinh đôi với thần Apollo) là tên chương trình thám hiểm Mặt Trăng thế kỷ 21 của NASA với mục tiêu lớn nhất: Đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng năm 2024, tạo bàn đạp đổ bộ sao Hỏa trong tương lai.

Bài viết sử dụng nguồn: NASA

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại