Năm 1765, một phụ nữ mang huyết thống hoàng gia Anh âm thầm sinh cho công tước Northumberland một bé trai, đứa con riêng này có tên là James Smithson. Cậu bé được trời phú hơn người, tư duy nhạy bén, ngay từ nhỏ đã có thành tích học tập vô cùng xuất sắc.
Năm 21 tuổi, James Smithson tốt nghiệp trường đại học Oxford, 22 tuổi được chọn làm thành viên của hội Hoàng gia Luân Đôn.
Mặc dù vậy, thân phận là con riêng luôn là vết thương khó lành trong tim ông, luôn là lý do khiến ông bị người khác chế giễu và đả kích.
Trong một lần phẫn nộ, ông đã thề với cha mình rằng: "Con sẽ khiến cho bản thân mình lưu danh trong sử xanh, cho dù sau này dòng họ quý tộc Northumberland bị người ta quên đi sạch sẽ, thì tên của con vẫn mãi mãi được nhớ đến."
James Smithson.
Để thực hiện lời thề của mình, James Smithson đã vô cùng nỗ lực trong việc học tập và nghiên cứu, cuối cùng trở thành một nhà khoa học nổi tiếng khắp nước Anh. Smithsonit - một khoáng vật cũng đã được đặt theo tên ông.
Thế nhưng, điều khiến cho James Smithson không thể ngờ được là, điều thực sự khiến tên tuổi ông lưu danh thiên cổ lại là một lần quyên tặng đầy thú vị.
Vào một ngày của năm 1826, Smithson đã viết một bức di chúc vô cùng thú vị, nội dung bản di chúc ghi rằng sau khi ông mất, toàn bộ tài sản của ông sẽ để lại cho cháu trai duy nhất của ông.
Nhưng nếu như cháu trai ông mất mà không có con cháu nối dõi, toàn bộ di sản sẽ được tặng cho chính phủ nước Mỹ xa xôi để xây dựng một trung tâm nghiên cứu, mục đích là để "dốc sức phát triển và truyền bá kiến thức."
Ảnh minh họa.
Ba năm sau, vào năm 1829, James Smithson qua đời tại Ý. Điều không may là cháu trai ông cũng qua đời sau đó khi tuổi đời còn rất trẻ và không có con cháu.
Và dường như được tạo hóa sắp đặt vậy, giống như lời ông nói khi xưa – người ta dường như quên mất dòng họ quý tộc Northumberland ở Anh. Thế nhưng, người Mỹ đã không hề quên James Smithson.
Khi đó, Tổng thống Mỹ Andrew Jackson đã cử nhà ngoại giao Richard Rush cùng đoàn chuyên viên vượt ngàn trùng xa tới Anh quốc để đàm phán về việc thừa hưởng di sản do James Smithson để lại.
Và cuối cùng, Rush đã giương buồm trở về nước với 11 thùng chứa tổng cộng 104.960 đồng tiền vàng, tám shilling, và bảy pence, cũng như bộ sưu tập khoáng vật, thư viện, các ghi chú khoa học và các vật dụng cá nhân của Smithson.
Tổng giá trị tài sản của nhà khoa học người Anh để lại lúc bấy giờ tương đương 508.318 USD.
Thực hiện di chúc
Nhưng làm thế nào để thực hiện các điều kiện trong bản di chúc, đây là việc gây tranh cãi không hề ít. Cuối cùng, khi đã trải qua nhiều lần thỏa thuận, vào ngày 10/8/1846, Tổng thống thứ 11 của nước Mỹ James Knox Polk đã ký một pháp lệnh, Viện Smithsonian chính thức được thành lập.
Người Mỹ sau đó đã sử dụng toàn bộ số di sản, cả gốc lẫn lãi vào việc thành lập Viện Smithsonian. Vào năm 1864, Viện Smithsonian còn nhận được số tiền quyên góp lên đến 54.165,38 USD do bà Mary Smithson, mẹ của Henry James gửi tới.
Viện Smithsonian đã xây dựng một quần thể viện bảo tàng khổng lồ được đặt theo tên của Smithson. Quần thể này có 16 viện bảo tàng quy mô lớn, một viện mỹ thuật và vườn bách thú, trở thành một trong những quần thể viện bảo tàng lớn nhất của Mỹ, cũng như trên toàn thế giới.
Để bày tỏ sự coi trọng với Smithson, người Mỹ đã thực thi công khai minh bạch và uy tín một cách tuyệt đối. Hội đồng quản trị của Viện Smithsonian tới nay vẫn là những người đứng đầu tòa án tối cao, phó tổng thống, các nghị viên và quan chức cấu thành.
Bảo tàng Hàng không và Không gian Viện Smithsonian.
Đón người bạn cũ
Trong thời gian này, lại phát sinh thêm một câu chuyện.
Năm 1903 - 74 năm sau khi Smithson qua đời, chính phủ Ý chuẩn bị trưng dụng khu đất tại khu mộ nơi chôn cất di thể của Smithson. Chính phủ Mỹ sau khi biết tin này đã vội vã cử đặc phái viên với tư cách cấp cao tới Ý nghênh đón linh cữu của người bạn cũ này.
Năm 1903, nhà khoa học Alexander Graham Bell và vợ ông Mabel Gardiner Hubbard đã đến Genova (Ý) để đón nhận linh cữu của Smithson.
Thuyền của họ rời Genova vào ngày 7/1/1904, đến ngày 20/1 thì cập cảng Mỹ. Ngày 25/1/1904, nghi thức đón linh cữu chính thức được tổ chức. Kỵ binh Mỹ bảo vệ linh cữu, đi xuyên qua Washinton D.C, rồi được chuyển tới Viện Smithsonian.
Khi đó, Alexander Graham Bell đã phát biểu: "Bây giờ… nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, tôi giao di thể của ông ấy – một nhà từ thiện vĩ đại của nước Mỹ vào tay các bạn."
Sau đó, linh cữu được đặt tại đại sảnh phòng hội đồng quản trị, nơi lưu giữ những vật phẩm cá nhân của Smithson.
Nghe nói, linh cữu của James Smithson được phủ quốc kỳ Mỹ và vào thời khắc đó, ngoài bến cảng, mưa bụi lất phất bay…
Có lẽ khi còn sống, nhà khoa học của nước Anh chưa bao giờ nghĩ di thể ông lại được đặt tại toà nhà Viện Smithsonian, trụ sở của Viện bảo tàng Smithsonian. Trong tòa lâu đài mang phong cách Châu Âu thời Trung Cổ đó, cuối cùng ngài Smithson đã có thể yên giấc.
Viện bảo tàng Smithsonian đã trở thành một biểu tượng về sự chân thành và uy tín của nước Mỹ. Uy tín này không đến từ một người mà đến từ một đất nước, một tập thể lớn trong việc giữ chữ tín với một người bạn già. Đó là uy tín của một quốc gia.