Để lại 1 mưu kế trước khi chết, Gia Cát Lượng giúp nhà Thục Hán trụ vững thêm gần 30 năm

Trần Quỳnh |

Mưu kế "một mũi tên trúng hai đích" của Khổng Minh đã giúp Thục Hán diệt trừ mối họa tâm phúc.

Gia Cát Lượng là một trong những mưu sĩ xuất chúng nổi danh thời Tam Quốc, từng lập được nhiều công lao to lớn cho tập đoàn chính trị Thục Hán.

Khi Lưu Bị còn tại thế, Khổng Minh tiên sinh một lòng giúp quân chủ xây dựng đại nghiệp. Sau khi Lưu Bị qua đời, ông lại tiếp tục phò tá Tân đế Lưu Thiện gồng gánh giang sơn Thục quốc.

Có thể nói, Thục Hán thời kỳ sau có thể tiếp tục tồn tại trong thời buổi loạn lạc lúc bấy giờ đều dựa vào công sức của Gia Cát Lượng. Nếu không có vị quân sư này, e rằng giang sơn do Lưu Bị truyền lại cho con trai khó có thể trụ vững.

Công nguyên năm 234, Gia Cát Lượng qua đời ở tuổi 54. Sau khi mất, ông được Hoàng đế Lưu Thiện phong làm Trung Vũ Hầu.

Trước lúc ra đi, Ngọa Long tiên sinh đã dùng kế sách cuối cùng của mình để trừ bỏ hai mối họa tâm phúc, giúp Thục Hán trụ vững thêm mấy thập niên.

Để lại 1 mưu kế trước khi chết, Gia Cát Lượng giúp nhà Thục Hán trụ vững thêm gần 30 năm - Ảnh 1.

Mưu kế cuối đời của Gia Cát Lượng đã cứu nhà Thục Hán khỏi một mối nguy diệt vong. (Ảnh minh họa).

Lời tiên đoán của Tôn Quyền bóc trần mối họa trong nội bộ Thục Hán

Năm xưa, Thục quốc và Đông Ngô từng có kết liên minh. Người giữ cương vị đi đàm phán với Tôn Quyền chính là Trưởng sứ Thục quốc được Gia Cát Lượng rất mực coi trọng - Phí Y.

Trong bữa tiệc rượu chiêu đãi sứ thần hôm ấy, Tôn Quyền cố tình tìm thời điểm ít ai chú ý để nói chuyện với Phí Y. Khi ấy, vị quân chủ Đông Ngô nói:

"Nhờ khanh nhắn với Gia Cát Thừa tướng, nước của các vị có hai kẻ tiểu nhân, một người là Ngụy Diên, kẻ còn lại chính là Dương Nghi. Hai kẻ này chẳng có thực lực chân chính.

Giờ đây Thừa tướng còn khỏe mạnh, nếu một ngày ngài không còn, hai kẻ tiểu nhân ấy nhất định sẽ tạo phản. Hy vọng các vị sớm xử lý, bằng không sẽ dẫn tới mối họa".

Nghe được những lời ấy, mặt Phí Y biến sắc, quả thực lúng túng không biết tiếp lời ra sao. Sau đó, sứ thần họ Phí đáp lại vị quân chủ Đông Ngô:

"Ngài quả thực chưa biết, thế lực của Tào Ngụy càng lúc càng mạnh, các lão tướng Thục Hán càng ngày càng ít, người mới lại chưa thành thục, dùng hai kẻ kia quả thực là vạn bất đắc dĩ…"

Những lời ấy của Phí Y còn ngầm ám chỉ với Tôn Quyền rằng Thục Hán biết rõ hơn ai hết về vấn đề của mình, không cần người Đông Ngô phải động tay.

Để lại 1 mưu kế trước khi chết, Gia Cát Lượng giúp nhà Thục Hán trụ vững thêm gần 30 năm - Ảnh 2.

Nếu ngay cả Tôn Quyền cũng nhìn ra mối họa trong nội bộ Thục Quốc, ắt Gia Cát Lượng từ sớm đã tiên liệu được điều này. (Ảnh minh họa).

Tới quân chủ của nước "láng giềng" còn có thể nhìn thấy vấn đề ở hai kẻ Ngụy – Dương, Gia Cát Lượng ắt từ sớm đã nhận ra điều đó. Hơn nữa, ông còn chứng kiến không ít những màn tranh đấu giữa Ngụy Diên và Dương Nghi.

Vì vậy, trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng đã bày ra một loạt mưu kế để giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ triều đình sau khi ông mất, đồng thời còn gián tiếp trừ đi hai mối họa tâm phúc này, giúp Thục Hán chống đỡ thêm được mấy chục năm.

Mưu kế cuối đời Gia Cát Lượng giúp Thục Hán diệt trừ mối họa tâm phúc

Trong mắt Gia Cát Lượng, Ngụy Diên và Dương Nghi đều được coi là người có tài. Chỉ có điều Ngụy – Dương tối ngày đối địch, cục diện rối ren ấy khiến cho Thừa tướng không khỏi đau đầu.

Ngụy Diên là một võ tướng dũng mãnh, trên chiến trường rất túc trí đa mưu. Nhưng ông lại có hai khuyết điểm trí mạng: Đó là tự phụ và lòng dạ hẹp hòi.

Trên triều đình, Ngụy Diên nhiều lần ra mặt lấn lướt Dương Nghi. Nhưng vị quan họ Dương cũng không phải người dễ chọc.

Bản thân Dương Nghi thường xuyên giễu cợt Ngụy Diên. Vị tướng họ Ngụy vô cùng tức giận, nhiều lần còn rút kiếm toan giết chết đối phương.

Sự đối nghịch ra mặt của Ngụy – Dương khiến Gia Cát Lượng không khỏi lo nghĩ. Khi còn sống, ông vẫn luôn mến cái tài của Dương Nghi, tiếc bản lĩnh của Ngụy Diên, nên luôn tìm cách hòa giải.

Nhưng bản thân Gia Cát Lượng cũng nhìn ra rằng, sau khi ông qua đời, Ngụy Diên và Dương Nghi sẽ như nước với lửa, triều đình chẳng có nổi một ngày bình yên.

Vì vậy, Khổng Minh từ sớm đã an bài kế sách đối phó với cả hai nhân vật được coi là "mối họa tâm phúc" của triều đình lúc bấy giờ.

Để lại 1 mưu kế trước khi chết, Gia Cát Lượng giúp nhà Thục Hán trụ vững thêm gần 30 năm - Ảnh 4.

Khi còn tại thế, Gia Cát Lượng là người giúp việc duy trì thế cân bằng trong nội bộ triều đình Thục Hán. (Ảnh minh họa).

Trên phương diện quản lý quân đội, Dương Nghi được coi là một bậc thầy. Trong chiến dịch Bắc Phạt năm ấy, ông được Gia Cát Lượng giao cho cho nhiệm vụ lo liệu nhiều việc trên đường xuất chinh.

Trước khi lâm chung, Gia Cát Lượng đã trao cho Dương Nghi một trọng trách quan trọng.

Tam quốc chí ghi lại, khi Gia Cát Lượng ốm nặng nằm trong quân doanh, ông đã bí mật sai người gọi Dương Nghi, Phí Y và Khương Duy đến. 

Thừa tướng đã sắp đặt việc rút quân, theo đó Trưởng sử Dương Nghi đi trước, Hộ quân Khương Duy cùng Ngụy Diên đi đoạn hậu, nếu Ngụy Diên không chịu thì cứ mặc, đại quân cứ rút về.

Dương Nghi là người luôn túc trực bên Thừa tướng, vốn đã quen thuộc với tác phong làm việc của Khổng Minh. Việc Gia Cát Lượng giao cho ông trọng trách dẫn đại quân về nước cũng là điều hợp tình hợp lý.

Để lại 1 mưu kế trước khi chết, Gia Cát Lượng giúp nhà Thục Hán trụ vững thêm gần 30 năm - Ảnh 5.

Gia Cát Lượng nhìn ra sự nóng nảy, tự phụ và hẹp hòi của Ngụy Diên có thể đẩy Thục Hán sớm đi tới bờ diệt vong. (Ảnh minh họa).

Nhưng Ngụy Diên lại không cho là vậy. Vị tướng tự phụ này rất bất bình trước quyết định của Gia Cát Lượng, một mực cho rằng mình chẳng thua kém gì đối thủ họ Dương kia.

Ngụy Diên có suy nghĩ tương đối cực đoan, không có tư duy về chính trị, luôn tin rằng võ lực có thể giải quyết tất cả mọi chuyện.

Nếu quả thực giao cho vị tướng này trọng trách đem đại quân về Thục Quốc, rất có thể sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Ngụy Diên sẽ vì hiếu chiến mà dẫn quân trực tiếp đi Bắc phạt, đánh dẹp Tư Mã Ý.

Tư Mã Ý là một mưu sĩ lão làng, ngay tới cơ ngơi mấy đời nhà họ Tào cũng bị ông ta nắm trong lòng bàn tay. Một Ngụy Diên thiếu năng lực chính trị sao có đủ sức đấu trí với nhân vật khét tiếng này? Tới lúc đó, Thục Hán chắc chắn sẽ bị đẩy vào con đường diệt vong.

Vì vậy, Gia Cát Lượng một mặt an bài cho Dương Nghi đem quân về, mặt khác lại sớm tìm cách diệt trừ mầm mống phản loạn Ngụy Diên.

Quả nhiên, không lâu sau đó, Ngụy Diên bị khép vào tội mưu phản. Kết quả là vị tướng này bị Vương Bình cùng Mã Đại giải quyết, thậm chí gia tộc còn phải chịu án tru di.

Để lại 1 mưu kế trước khi chết, Gia Cát Lượng giúp nhà Thục Hán trụ vững thêm gần 30 năm - Ảnh 6.

Mưu kế của Gia Cát Lượng đã khiến Ngụy Diên vong mạng, giúp Thục Hán trừ bớt một "mối họa tâm phúc". (Ảnh: Nguồn Baidu).

Thấy đối thủ gặp phải kết cục bi thảm như vậy, Dương Nghi cũng lộ ra bộ mặt tiểu nhân đắc chí, thậm chí còn dẫm đạp lên thi thể của Ngụy Diên.

Nhưng vị quan họ Dương này cũng không ngờ rằng, ngay tới bản thân mình cũng bị trúng kế của Gia Cát Thừa tướng.

Sau khi dẫn quân trở về, Dương Nghi mới phát hiện ra người thực sự nắm quyền là Tưởng Uyển, còn mình ngay tới một chút thực quyền cũng không có, uy phong còn chẳng được như lúc làm việc dưới trướng Gia Cát Lượng.

Vì vậy, vị quan họ Dương ngày ngày ôm bất bình trong lòng, có một lần không nhịn được mà nói:

"Nếu ban đầu không đem quân về Thục quốc mà đi đánh Ngụy, hắn ta sao có thể có địa vị ngày hôm nay?"

Những lời này chẳng khác nào giọt nước tràn ly, nhanh chóng tới tai triều đình. Dương Nghi lập tức bị cách chức, lưu đày tha hương.

Nếu biết giữ mình, vị quan này vẫn có yên an tâm dưỡng già. Nhưng chỉ vì lên tiếng nhục mạ triều đình, Dương Nghi bị bắt giam, sau đó sợ tội mà tự sát trong ngục.

Để lại 1 mưu kế trước khi chết, Gia Cát Lượng giúp nhà Thục Hán trụ vững thêm gần 30 năm - Ảnh 7.

Bản thân Dương Nghi cũng không ngờ mưu kế của Gia Cát Lượng không chỉ diệt trừ Ngụy Diên mà còn nhắm vào cả mình. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Cái chết của Dương Nghi xảy ra chỉ vẻn vẹn 1 năm sau khi Ngụy Diên bị kết tội mưu phản và chịu án tru di.

Cứ như vậy, hai mối họa tâm phúc đe dọa trực tiếp đến nội bộ Thục Hán đã bị Gia Cát Lượng triệt tiêu hoàn toàn.

Quyết sách cao minh ấy đã giúp cơ nghiệp nhà Thục Hán kéo dài thêm được 3 thập kỷ. Vậy mới thấy, Gia Cát Khổng Minh quả xứng danh là nhân vật cơ trí, là bậc quân sư lưu danh thiên cổ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại