Những bộ phim, xin nhấn mạnh lại là những bộ phim, được làm ra để chúng ta xem mỗi lần một tập. Nhưng nếu bạn cũng giống như tôi, mỗi lần xem phim bộ là phải ngồi xuống cày vài tập một lúc, thì chúng ta có thể đang mắc phải một hành vi mà các nhà khoa học gọi là "binge-watch".
"Binge-watch" được định nghĩa là sự ham mê quá mức với những bộ phim khiến chúng ta phải xem ít nhất từ 2 tập trở lên trong mỗi lần ngồi xuống. Với sự phổ biến của internet ngày nay, chúng ta đã không còn phải phụ thuộc vào giờ chiếu phim trên TV.
Đó là lý do mà hàng triệu người trên thế giới đang xem phim bộ theo lối "binge-watch". Năm 2013, từ này thậm chí còn được đề xuất thêm vào Từ điển Tiếng Anh Oxford. Tuy nhiên chúng ta đều biết, chiến thắng đã thuộc về một từ khác còn phổ biến hơn: "selfie".
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận mức độ phổ biến của hành vi "binge-watch". Các nhà khoa học thậm chí tự hỏi nó có nguy hiểm không? Trong thời kỳ COVID-19 khi các hoạt động giải trí trong nhà lên ngôi, càng có nhiều người sẵn sàng xem không chỉ một mà có thể tới nhiều bộ phim cùng một lúc.
Có khi nào "binge-watch" cũng là một chứng nghiện? Và nếu bạn biết mình không thể cưỡng nổi cái kết dở dang ở mỗi tập phim, bạn có thể làm gì để ngăn cản mình nhấn vào nhấn vào tập tiếp theo?
Bài viết dưới đây của giáo sư Mark Griffiths, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trò chơi Quốc tế, người chuyên nghiên cứu các chứng nghiện hành vi tại Đại học Nottingham Trent, Anh Quốc sẽ cho bạn lời giải đáp.
Thế nào là nghiện xem phim bộ?
Đầu tiên phải nói rằng hành vi nghiện "binge-watch" không được định nghĩa bằng số tập bạn xem (mặc dù hầu hết các nhà nghiên cứu đồng ý rằng đó là ít nhất hai tập liên tiếp). Nó cũng không được xác định bằng số giờ cụ thể bạn bỏ ra để ngồi trước màn hình TV hay máy tính.
Giống như các hành vi có thể gây nghiện khác, điều quan trọng hơn là bạn cần trả lời câu hỏi: Liệu việc say phim có tác động tiêu cực đến các khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn hay không?
Trong nhiều năm nghiên cứu về chứng nghiện, tôi thấy rằng tất cả các hành vi gây nghiện đều được cấu thành từ 6 yếu tố cốt lõi. Cụ thể với hành vi "binge-watch" các yếu tố đó là:
1. Bạn coi việc cày phim là hoạt động quan trọng nhất trong đời sống cá nhân của mình.
2. Bạn cày phim vì nó giúp tâm trạng của bạn thay đổi: bạn sẽ thấy tâm trạng mình tốt lên trong một thời gian ngắn, hoặc cày phim để tạm thời thoát khỏi điều gì đó tiêu cực trong cuộc sống của mình.
3. Việc cày phim có hậu quả làm tổn hại đến các khía cạnh quan trọng hơn trong của cuộc sống của bạn, chẳng hạn như các mối quan hệ, học tập hoặc công việc.
4. Số giờ mà bạn dành ra để cày phim tăng lên theo thời gian.
5. Bạn trải qua các triệu chứng cai nghiện về tâm lý hoặc sinh lý nếu dừng bộ phim lại.
6. Bạn tạm thời dứt ra được bộ phim một thời gian, nhưng một khi trở lại, bạn sẽ tiếp tục "binge-watch" ở đúng mức độ mà bạn đã xem trước đó, đây được gọi là sự tái nghiện.
Theo quan điểm của tôi, bất kỳ người nào đáp ứng đủ 6 yếu tố này sẽ thực sự bị nghiện "binge-watch". Nhưng nếu những ai chỉ đáp ứng một hoặc một số tiêu chí này, họ có thể có vấn đề với hành vi cày phim nhưng sẽ chưa bị xếp vào thể loại nghiện, ít nhất là theo tiêu chí của tôi.
Giống như nhiều chứng nghiện hành vi khác, chẳng hạn như nghiện tình dục, nghiện công việc và nghiện tập thể dục, chứng nghiện cày phim chưa được chính thức công nhận trong bất kỳ danh mục tâm thần dành cho bác sĩ nào.
Chúng ta cũng không có ước tính chính xác về mức độ phổ biến của việc cày phim khi nó gây ra vấn đề cho người mắc phải. Nhưng nghiên cứu về hiện tượng này vẫn đang được tiếp tục thực hiện.
Nhìn vào các bằng chứng nghiên cứu
Trong nghiên cứu mới nhất về chủ đề này, một nhóm các nhà khoa học ở Ba Lan đã khảo sát 645 thanh niên, tất cả đều báo cáo rằng họ đã xem ít nhất 2 tập của một chương trình chỉ trong một lần. Các nhà nghiên cứu muốn hiểu một số yếu tố cơ bản của "binge-watch" nên đã phỏng vấn họ.
Điều đặc biệt là họ cũng dùng định nghĩa nghiện phim bộ theo 6 tiêu chí mà tôi đã đề xuất. Sau đó, mỗi người tham gia được phát một bảng hỏi chứa các câu hỏi như: "Bạn có thường xuyên bỏ bê nhiệm vụ của mình để xem phim dài tập không?", "Bạn có thường cảm thấy buồn hoặc bực bội khi không thể xem phim truyền hình không?" và "Bạn có thường xuyên bỏ bê giấc ngủ của mình để xem một loạt tập phim hay không?".
Những người tham gia phải đưa ra câu trả lời trên thang điểm từ 1 (không bao giờ) đến 6 (luôn luôn). Điểm trên một ngưỡng nhất định được coi là dấu hiệu của việc cày phim khi nó bắt đầu có vấn đề.
Sử dụng một loạt các thang đo khác, các nhà nghiên cứu nhận thấy có một số động lực thúc đẩy chúng ta xem phim bộ không kiểm soát được, bao gồm: không có kế hoạch, không biết hậu quả của hành vi của mình, cảm thấy cô đơn, xem phim như một cách giải quyết hoặc chạy trốn vấn đề mình gặp phải trong cuộc sống thực...
Các tác giả cũng trích dẫn một nghiên cứu trước đó cho thấy những người nghiện phim bộ thường mắc kèm hội chứng trầm cảm lo âu. Các triệu chứng lo âu và trầm cảm càng thể hiện mạnh, họ càng có khả năng cày phim và nghiện phim bộ mạnh hơn.
Điều tương tự cũng đã được xác nhận trong các nghiên cứu khác. Ví dụ, một nghiên cứu trên người trưởng thành ở Đài Loan cho thấy hành vi cày phim liên quan đến chứng trầm cảm, lo lắng khi giao tiếp xã hội và sự cô đơn.
Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy hành vi này có liên quan đến chứng trầm cảm và lo lắng về sự gắn bó. Hầu hết các nghiên cứu liên quan cũng đã chỉ ra chủ nghĩa thoát ly là động lực chính của việc cày phim.
Về đặc điểm tính cách, nghiên cứu đã chỉ ra những người nghiện phim bộ thường có tính tận tâm thấp (đặc trưng bởi các hành vi bốc đồng, bất cẩn và vô tổ chức).
Ngược lại, họ có mức độ rối loạn thần kinh cao (đặc trưng bởi hành vi lo lắng và dễ có cảm xúc tiêu cực). Trong tất cả các hành vi nghiện ngập nói chung, các nhà khoa học chúng tôi đều nhìn thấy các loại hình liên kết này.
Làm sao để phá vỡ thói quen và cai nghiện phim bộ?
Bây giờ, nếu bạn đã nhận ra hành vi "binge-watch" của mình có vấn đề và muốn cắt giảm dần số tập mà bạn xem trong một lần mở phim, lời khuyên đầu tiên và cũng là nguyên tắc vàng của tôi là hãy dừng xem ở giữa chừng của một tập.
Thật sự rất khó để dừng xem ở cuối một tập phim vì nó thường kết thúc bằng một cái kết mở, một cái móc treo trên vách đá, một cái bẫy để dụ bạn nhấn vào tập tiếp theo.
Thứ hai, tôi cũng đề nghị bạn nên thiết lập các giới hạn thực tế hàng ngày. Đối với tôi, đó là 2,5 tiếng đồng hồ nếu tôi có việc vào ngày hôm sau, hoặc lên đến 5 tiếng nếu hôm đó hoặc hôm sau tôi rảnh. Và cuối cùng, chúng ta chỉ nên bắt đầu cày phim như một phần thưởng cho bản thân sau khi đã hoàn thành mọi thứ cần thiết, cả công việc lẫn các nghĩa vụ xã hội.
Hãy nhớ rằng, sự khác biệt giữa một hành vi say sưa lành mạnh và một hành vi nghiện ngập là ở chỗ: Say sưa thì khiến cuộc sống của bạn tốt lên, còn nghiện ngập sẽ làm giá trị cuộc sống của bạn giảm xuống.
Nếu bạn cảm thấy những bộ phim đang chiếm lấy cuộc sống của mình, bạn nên tới gặp một bác sĩ tâm lý lâm sàng. Hầu hết các chứng nghiện đều chỉ là triệu chứng của các vấn đề cơ bản khác lớn hơn, vì vậy hãy giải quyết chúng trước khi quá muộn.
Tham khảo Theconversation