Mỹ có kế hoạch tái lập Hạm đội Một để tăng cường sức mạnh và sự có mặt tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm đối phó Trung Quốc (Ảnh: [email protected]. Pacific Fleet).
Trang tin Trung Quốc Guancha ngày 5/12 đăng bài nhận định: "Mặc dù đang trong thời kỳ chuyển giao chính quyền nhưng đương kim Bộ trưởng Hải quân Kenneth Braithwaite vẫn quyết xúc tiến kế hoạch cải tổ hạm đội nhằm vào Trung Quốc".
Hôm thứ Tư (2/12) theo giờ địa phương, ông Braithwaite đã tái xác nhận tại phiên điều trần tại Thượng viện rằng trước những diễn biến mới nhất ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ đã quyết định thành lập lại Hạm đội Một.
Mỹ mở rộng quân đội, Australia nhiệt tình đón nhận
Kế hoạch này của Hải quân Mỹ đã khơi dậy sự quan tâm lớn của Australia. Một số cơ quan truyền thông Australia phân tích rằng nước này có đủ điều kiện để cung cấp căn cứ cho Hạm đội Một, thậm chí một số phương tiện truyền thông Australia còn nêu khẩu hiệu "Let US Navy make yourself at home" (Hãy để Hải quân Mỹ cảm thấy như ở nhà của mình).
Quyết định xây dựng lại Hạm đội Một của ông Braithwaite đã khơi dậy sự quan tâm lớn của giới truyền thông Australia.
Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Australia (ABC) đã phân tích trong một bài báo ngày 3/12, cho dù là một hạm đội viễn chinh, Hạm đội Một vẫn cần sự hỗ trợ từ các đồng minh của Mỹ để có được nguồn cung cấp nhằm duy trì sức chiến đấu.
Điều này đặt ra một câu hỏi tế nhị đối với các nước trong khu vực, đó là, các nước này nên chuẩn bị như thế nào để chấp nhận một lực lượng Hải quân Mỹ lớn hơn và được triển khai thường xuyên hơn.
Ông Kenneth Braithwaite ngày 2/12 đã khởi động kế hoạch cải tổ hạm đội, tái lập Hạm đội Một (Ảnh: Guancha).
Trước đó, do án ngữ eo biển Malacca, có nhà máy đóng tàu lớn và khả năng cung cấp nhiên liệu dồi dào, Singapore được cho là có khả năng được chọn để đặt căn cứ của Hạm đội Một, nhưng ABC cho biết Australia cũng có thể đóng vai trò này.
Theo ABC, thông qua các cuộc tập trận, thăm cảng và luân phiên huấn luyện ở Northern Territory, Australia đã và đang hỗ trợ cho Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ.
Giờ đây, Mỹ muốn mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực, sự ủng hộ của Australia dành cho Mỹ cũng có thể tăng lên. Điều này khiến Australia có thể trở thành nơi đặt căn cứ của Hạm đội Một.
Tờ The Australian của Australia ngày 5/12 đã đăng một bài viết của nhà bình luận Peter Jennings trên ấn bản Chủ nhật cho rằng đây là "cơ hội tuyệt vời" để Australia hỗ trợ "chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" của Mỹ nhằm đảm bảo sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực được tăng cường.
Tiêu đề của bài báo thậm chí còn nhấn mạnh hơn, rằng "Let US Navy make yourself at home" (Hãy để Hải quân Mỹ cảm thấy như ở nhà của mình).
Ông Jennings cho rằng Australia nên đề xuất với ông Joe Biden một số thành viên của Hạm đội 1 Mỹ có thể thực hiện nhiệm vụ ở các cảng Sterling và Darwin ở Tây Australia. Nếu Singapore không muốn thành lập trụ sở của Hạm đội 1, Australia nên chủ động đảm nhận vai trò này.
Hiện nay chính phủ Mỹ đang ở trong thời kỳ chuyển giao quyền lực, ông Jennings hiển nhiên cũng đã cân nhắc đến yếu tố này.
Ông viết trong bài báo rằng để chính sách này tiếp tục được duy trì trong chính quyền Joe Biden, Australia nên có những hành động để xóa tan những nghi ngại của Mỹ, trong đó có việc chủ động chia sẻ chi phí cho quân đội Mỹ.
"Không nghi ngờ gì nữa, việc hợp tác với quân đội Mỹ có giá trị rất lớn đối với Australia, vì nó khiến bất kỳ quốc gia nào muốn gây tổn hại cho Australia đều phải tính đến yếu tố Mỹ", Jennings viết.
Đồng thời, Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation, cho rằng "để bảo vệ các tuyến đường biển này khỏi nguy cơ bị Trung Quốc quấy nhiễu, sẽ là hợp lý khi tăng cường tuần tra trong khu vực.
Không chỉ hợp tác với Ấn Độ, chúng ta cũng cần phải hợp tác với các nước cùng chí hướng khác như Australia và Nhật Bản".
Tháng 7/2020, Hải quân Mỹ, Nhật, Australia tién hành diễn tập chung từ Biển Đông tới vùng biển Guam (Ảnh: Dwnews).
Grossman cho biết với tư cách là các thành viên của "Bộ tứ Ấn Độ - Thái Bình Dương", Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ có thể hợp tác để bảo vệ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương khỏi sự quấy nhiễu của Trung Quốc, như thế sẽ phù hợp lợi ích của tất cả các nước.
Nhằm vào Trung Quốc và Nga, Bộ trưởng Hải quân Mỹ nhắc lại kế hoạch cải tổ hạm đội
Tại phiên điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ vào thứ Tư (2/12), Braithwaite đã xác nhận lại kế hoạch tái lập Hạm đội Một.
Theo một tin trên trang web của Viện Nghiên cứu Hải quân Mỹ (USNI) vào ngày 2/12, ông Braithwaite phát biểu tại cuộc họp: "Trước những thay đổi của thế giới, chúng ta phải dũng cảm, dũng cảm phát triển và tạo ra những thay đổi".
Khi thảo luận về chủ đề lập lại Hạm đội Một, ông Braithwaite tuyên bố "đã quyết định xây dựng lại hạm đội".
Ông giải thích thêm rằng so với Hạm đội Bảy của Hải quân Mỹ có trụ sở chính tại Nhật Bản, Hạm đội Một sẽ có "Bộ Tư lệnh hàng hải linh hoạt và cơ động trên biển", chẳng hạn như có thể chỉ huy hạm đội thực hiện các nhiệm vụ trên tàu chỉ huy "Blue Ridge".
Hạm đội Bảy sẽ tiếp tục đóng quân tại Nhật Bản và nhiệm vụ của nó sẽ bao gồm khu vực từ đường chia giờ quốc tế đến Biển Đông. Sau khi tái lập, Hạm đội Một sẽ chủ yếu tập trung vào khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và tiến về phía bắc Biển Ả Rập.
Máy bay cảnh báo sớm của Mỹ hạ cánh trên tàu sân bay (Ảnh: USNavy).
Trong kế hoạch của Braithwaite, Hạm đội Một sẽ do Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ có trụ sở tại Hawaii chỉ huy và kiểm soát. Nó sẽ không bao gồm các tàu rút từ Hạm đội Bảy hoặc Hạm đội Ba, mà làùngc chia sẻ nguồn lực với hai hạm đội.
Braithwaite cũng nhấn mạnh rằng hạm đội mới tái lập sẽ trở thành hạm đội viễn chinh và sẽ không nhất thiết phải đóng quân tại bất kỳ địa điểm nào trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoài việc tái lập Hạm đội Một ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Braithwaite còn đề xuất ý tưởng khôi phục Hạm đội Đại Tây Dương.
Ông tuyên bố rằng để đối phó với các mối đe dọa hàng hải độc đáo trong chiến khu Đại Tây Dương hiện nay, "United States Fleet Forces Command" (Bộ tư lệnh Hạm đội Hoa Kỳ) sẽ được đổi tên thành Hạm đội Đại Tây Dương để đối phó với hoạt động ngày càng gia tăng của Hải quân Nga trên bờ biển phía đông Hoa Kỳ.
Năm 2006, ông Mike Mullen, khi đó là Bộ trưởng Bộ Tác chiến Hải quân Mỹ, đã tiến hành cải tổ triệt để Hạm đội Đại Tây Dương và đổi Hạm đội Đại Tây Dương thành "Bộ Tư lệnh Hạm đội Hoa Kỳ".
Theo phân tích trên trang web của Hiệp hội Nghiên cứu Hải quân Mỹ, mặc dù Bộ trưởng Hải quân có quyền đổi tên "Bộ Tư lệnh Hạm đội Hoa Kỳ" thành Hạm đội Đại Tây Dương, nhưng do chức trách và cấu trúc của hạm đội có thể thay đổi, ý tưởng của Braithwaite cần phải được Quốc hội phê chuẩn.