Vào năm 2003, tờ báo tài chính uy tín Forbes cho biết, khi đại dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc rồi lan ra cả thế giới (làm 8.096 người nhiễm bệnh và gây tử vong cho 774 người) đã làm nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 41 tỉ USD. Hiện nay, dịch Covid-19 cũng đang giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế toàn cầu với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng và kinh tế Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Câu hỏi lớn nhất đặt ra bây giờ là: Doanh nghiệp cần làm gì để “sống” giữa tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”?
Phóng viên đã trao đổi với TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) để tìm lời giải.
TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo ông nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào?
Mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 với kinh tế thế giới và Việt Nam rất lớn. Trong đó Việt Nam chịu tác động cả cung lẫn cầu: Về cầu, tăng trưởng kinh tế của nhiều nước trên thế giới giảm mạnh, suy thoái, thậm chí là khủng hoảng kinh tế đang trở nên hiện hữu hơn.
Theo đó, công ăn việc làm bị mất, hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ và thu nhập ít hơn dẫn đến tiêu dùng sẽ thắt chặt. Đà giảm của kinh tế thế giới thể hiện ở các nền kinh tế như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... đây đều là những thị trường xuất khẩu lớn nhất và truyền thống của Việt Nam.
Tổng cầu giảm còn do tâm lý bất an, hoang mang, sợ hãi của nhà đầu tư. Bên cạnh những nhà đầu tư đi tìm tài sản để trú ẩn thì phần lớn họ dừng lại để quan sát, chờ đợi. Trước đó, sẽ có nhiều đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc dự kiến sang Việt Nam tìm hiểu trao đổi và thảo luận về cơ hội đầu tư nhưng đến nay đều tạm dừng.
Về cung, lượng sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết bị suy giảm. Ví dụ, chỉ số Quản lý thu mua (PMI) tháng 2 của Trung Quốc chỉ còn 37,5 điểm, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hay thiết bị máy móc để phục vụ đầu tư bị hạn chế do ảnh hưởng từ những biện pháp phòng chống dịch ở biên giới, vận chuyển hàng hóa bị ách tắc.
Như vậy, chuỗi cung ứng và lượng cung ứng hàng hóa đều bị đứt gãy. Do đó, kinh tế Việt Nam chắc chắn rất khó khăn trên tất cả các hoạt động đầu tư, dịch vụ đặc biệt là vận chuyển.
Theo ước tính của Cục Hàng không Việt Nam, ngành hàng không chịu thiệt hại không nhỏ, lên tới 30.000 tỷ đồng trong 2 tháng vừa qua. Ngành này sẽ còn khó khăn hơn khi 2/3 hãng hàng không trên thế giới sẽ lâm vào cảnh phá sản nếu dịch kéo dài đến tháng 6.
Cùng với đó, ngành du lịch ước tính thiệt hại 5-7 tỷ USD. Hàng trăm nghìn lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam mỗi tháng vào năm ngoái giờ chỉ còn là con số 0. Trong khi đó, năm ngoái khách Trung Quốc chiếm tới 32% tổng lượng khách của ngành du lịch.
Tại Hà Nội , khoảng 8.000 cửa hàng đã ngừng kinh doanh và hơn 3.000 doanh nghiệp phá sản. Ngoài ra, kết quả điều tra 1.200 doanh nghiệp mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho thấy nếu dịch kéo dài đến quý II, 80% doanh nghiệp sẽ bị phá sản. Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chỉ còn nguyên liệu sản xuất trong tháng này.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% mà Việt Nam đặt ra sẽ bị ảnh hưởng ra sao, thưa ông?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra hai kịch bản tăng trưởng. Trong đó, nếu dịch được kiểm soát ở quý I và II, tăng trưởng kinh tế có thể giảm từ 0,5 điểm phần trăm đến trên dưới 1 điểm phần trăm. Với diễn biến hiện nay, trường hợp tốt nhất, dịch sẽ hết vào quý II như vậy tăng trưởng cả năm sẽ còn thấp, thấp hơn nhiều dưới mục tiêu 6,8%.
Đồng thời, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới đang điều chỉnh dự báo tăng trưởng dựa trên hoạt động sản xuất kinh doanh. Dù không mong muốn nhưng tăng trưởng cả năm còn được từ 5% trở lên đã là chỉ bảo tích cực trong bối cảnh thế giới hiện nay. Thậm chí nếu dịch kéo dài hơn kinh tế sẽ còn khó khăn hơn.
Vậy theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để sống được trong bối cảnh kinh tế như hiện nay?
Câu chuyện Bánh mì thanh long "giải cứu" nông sản Việt giữa dịch bệnh Covid-19 căng thẳng đã gây sốt truyền thông cả trong và ngoài nước. Ấy cũng chính là minh chứng cho câu "trong nguy có cơ" bởi óc sáng tạo của con người là vô tận.
Trong Chỉ thị 11 của Thủ tướng đã tập trung tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Với những khoản nợ đã vay, doanh nghiệp đều được hoãn, giãn, kéo dài thời gian trả nợ, giảm lãi suất, khoanh nợ và không thay đổi nhóm nợ.
Về thuế, doanh nghiệp cũng được gia hạn thời gian nộp VAT, tiền thuê đất... Đồng thời, chỉ thị cũng cố gắng thúc đẩy những lĩnh vực mới như kinh tế số và sẽ có sandbox đặc biệt cho hoạt động thanh toán.
Ngoài ra, cần thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông trọng điểm. Dự toán ngân sách đầu tư công năm nay và dư địa của năm ngoái là khoảng 600.000 tỷ đồng. Hoạt động này được đẩy mạnh không những hỗ trợ tăng trưởng mà còn tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp và tạo tiền đề phát triển cho tương lai.
Thêm nữa, Chính phủ cũng cần chuẩn bị kịch bản xấu nhất cho nền kinh tế như dịch có thể kéo dài cả năm và thời điểm tung gói hỗ trợ tiếp theo hoặc điều chỉnh mức giảm lãi suất mạnh hơn.
Tôi cho rằng nếu cần, Việt Nam cũng sẽ kích cầu và chỉ trong tháng 3 này sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ bổ sung. Thời gian qua, các chính sách được đưa ra cơ bản vẫn là gói hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt đang "nát óc" để tìm cách chống chọi và cầm cự. Tuy nhiên, cũng đã có những ý tưởng kinh doanh sáng tạo và linh hoạt. Ví dụ, nếu doanh nghiệp không làm được khách sạn sẽ chuyển sang làm nông nghiệp, thương mại điện tử, chuyển đổi số hay bánh mỳ thanh long... Ngay khi Trung Quốc có tín hiệu cần tiêu thụ nông sản, thì hàng ngàn container hàng hóa đã được xuất khẩu qua biên giới, tín hiệu tốt hơn nhiều kể từ đầu mùa dịch đến nay.
Tuy nhiên, bên cạnh đầu tư mới vào những hoạt động chuyển đổi sáng tạo, doanh nghiệp cũng cần cố gắng giữ gìn các thế mạnh cốt lõi của mình để chờ thời cơ vì tương lai còn rất nhiều cơ hội.