Sau ngày Liên Xô sụp đổ, chính quyền Estonia đã không từ mọi thủ đoạn tấn công, khiêu khích nhằm ép các binh sĩ Nga cùng người thân của mình rời khỏi nước này, Giáo sư Nikolai Mezhevich - một nhà sử học từng là cố vấn cho đoàn đàm phán với Estonia của Nga và Xô viết, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu vùng Baltic của Nga - chia sẻ với phóng viên Sputnik Estonia.
Nhân sự kiện kỷ niệm 25 năm ngày quân đội Nga rút khỏi lãnh thổ Estonia, ông Mezhevich đã tham gia cuộc phỏng vấn trong vai trò là nhân chứng của sự kiện này, và chia sẻ những hồi ức khó quên với hãng thông tấn Sputnik.
Theo vị giáo sư này, trước khi hoàn toàn rút khỏi Estonia, lực lượng của Nga đã phải đương đầu với tình cảnh gian khó và sức ép của chính quyền địa phương.
Thực chất, Estonia từng đề nghị Liên Xô rút quân khỏi nước này, tuy nhiên mãi tới sau khi Liên Xô sụp đổ thì yêu cầu của Estonia mới được thảo luận nghiêm túc với Nga, theo ông Mezhevich.
Bên cạnh đó, Giáo sư Mezhevich còn cho biết thêm rằng, vào thời điểm đó Estonia gần như đã "ép buộc" Nga phải đưa ra quyết định, tìm mọi cách nhằm "giải tán" nốt số binh sĩ Nga ít ỏi còn sót lại ở nước này.
Chính quyền Estonia đã đẩy nhanh tiến độ "giải tán" số binh sĩ Nga còn sót lại như thế nào?
Chia sẻ với phóng viên Sputnik, ông Mezhevich trích dẫn báo cáo năm xưa của các chỉ huy người Nga cho biết chính quyền Estonia đã điều động quân đội và lực lượng bán quân sự, sử dụng mọi công cụ và biện pháp nhằm khiêu khích và gây sức ép đối với các binh sĩ Nga, từ tấn công - tước vũ khí của các binh sĩ này, cho đến đe dọa người thân của họ.
Hình ảnh tư liệu. Nguồn: SPUTNIK / DAVID KHIZANISHVILI
Đối mặt với tình cảnh vô cùng khó khăn ấy, quân đội Nga đã quyết định "tăng tốc" rút quân khỏi Estonia. Phái đoàn đàm phán của Nga khi đó đã nhận ra rằng việc rút quân là điều không thể tránh khỏi và không thể trì hoãn.
"Quân đội [Nga] hiểu rằng Estonia bắt đầu trở nên không thân thiện với Nga, và tình hình trước mắt sẽ còn tồi tệ hơn nữa", ông Mezhevich nói.
Tuy nhiên, cựu Tổng thống Boris Yeltsin khi đó lại nghe theo ý kiến của một số quan chức quân sự, và quyết định chưa rút quân khỏi Estonia ngay lập tức trong năm 1993, dù Tallinn rất mong đạt được điều đó.
Tới năm 1994, Nga mới rút lực lượng và khí tài của mình khỏi lãnh thổ Estonia và chốt lại vấn đề này với Tallinn, giáo sư Mezhevich cho biết. Kremlin khi đó đã nhận thức rõ rằng Nga sẽ không được lợi ích gì khi tiếp tục hiện diện quân sự ở Estonia.
"Chính sách ngoại giao của Estonia thời đó vô cùng hung hăng, và họ đã tận dụng chiến thuật 'tấn công chớp nhoáng' [trong ngoại giao với Nga]. Tuy nhiên, ngày nay chiến thuật đó không còn hiệu quả như trước, và điều đó khiến Tallinn phiền não", ông Mezhevich kết luận.
Ngày 31/8/1994, lực lượng còn sót lại của Nga tại Estonia đã chính thức rút khỏi lãnh thổ nước này, sau khi Tổng thống Cộng hòa Estonia Lennart Meri và Tổng thống Liên bang Nga Boris Yeltsin kí thỏa thuận vào ngày 26/7/1994.
Sputnik cho biết quân đội Nga đã để lại rất nhiều tài sản lớn tại Estonia sau khi rời đi - bao gồm nhiều cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự. Theo thỏa thuận ban đầu, Estonia phải đền bù cho Nga số tiền tương ứng với số tài sản này, tuy nhiên sau đó Estonia đã "thoát" được khoản tiền đền bù khổng lồ ấy.